Nga khoe sức mạnh quân sự vào thời điểm nóng

Giữa lúc mối quan hệ Nga-Mỹ không mấy tốt đẹp do liên quan đến tình hình Syria, Moskva bất ngờ khoe sức mạnh cơ bắp trên mạng xã hội.

Động thái mới của Nga

Theo Sputnik, trong đoạn video dài hơn 3 phút được công bố, Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên giới thiệu cảnh quay các đơn vị bộ binh với trang phục Ratnik vừa được trang bị.

Nội dung video đã ghi lại cảnh tập trận của các bộ phận khác nhau: súng trường xạ kích, pháo tên lửa, công binh, trinh sát, phòng không và các bộ phận khác - phần lớn những vũ khí này thuộc về lực lượng Lục quân Nga.

Gần như cùng với thời điểm Nga công khai đoạn video nói trên, quan điểm của của Nga và Mỹ đang rất khác nhau về tình hình Syria, đặc biệt là hôm 1/10, Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Mỹ can thiệp nhằm vào quân đội Syria "sẽ dẫn đến những hậu quả khủng khiếp không chỉ đối với Syria mà còn lan ra cả khu vực".

Trực thăng Nga khoe cơ bắp trong video mới.

Thay đổi chế độ ở Syria tạo ra lỗ hổng và "mọi loại khủng bố sẽ nhanh chóng lấp đầy". Nga và Mỹ ủng hộ các bên đối lập nhau trong cuộc xung đột Syria. Moscow ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad còn Washington đứng về phe nổi dậy.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan đến Syria tăng cao sau khi lệnh ngừng bắn, do hai nước làm trung gian, sụp đổ tháng trước. Các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.

Quân đội Syria hôm qua tấn công vào các khu vực phe nổi dậy kiểm soát ở thành phố Aleppo và chiếm được đồi Um al-Shuqeef có vị trí chiến lược, theo truyền hình quốc gia Syria. Ngọn đồi nằm ở rìa phía bắc Aleppo, nơi từng là một trung tâm thương mại của Syria.

Nga đặt vũ khí Nga lên bàn cân

Ngay trước thời điểm công bố đoạn video nói trên và Ngày bộ binh Nga (hôm 1/10), Tạp chí Mỹ Popular Mechanics đã có bài viết nói về sức mạnh vũ khí Nga và khẳng định, Mỹ đang đi trước Nga trong nhiều lĩnh vực.

Theo tạp chí Popular Mechanics, cả Nga và Mỹ đều đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của các hệ thống tên lửa. Tuy nhiên, hai nước có cách tiếp cận khác nhau tới vấn đề này.

Ví dụ, hệ thống rocket phóng loạt cơ động cao HIMARS của Mỹ có lợi thế là độ chính xác cao. Các hệ thống tên lửa của Nga, chẳng hạn như loại thế hệ cũ như BM-21 "Grad", có đặc trưng là khả năng cơ động cao, tốc độ bắn và khả năng bao trùm diện tích lớn với một loạt bắn.

Pháo phản lực Nga nhả đạn.

Tuy nhiên, Nga cũng có tên lửa di động tầm xa có thể nhắm bắn chính xác vào các địa điểm dân sự và căn cứ quân sự của các nước NATO, ví dụ như tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch hay tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng “tàng hình” cao 9K720 "Iskander-M".

Bài báo cho biết, 9K720 "Iskander-M" (NATO định danh SS-26 Stone) là loại tên lửa rất khó đánh chặn, với khả năng mang đầu đạn thông thường nặng từ 480-700kg, với rất nhiều loại đầu nổ có sức công phá lớn và đầu đạn hạt nhân, nó đã trở thành loại vũ khí chiến thuật nguy hiểm nhất của Nga.

Nga và Mỹ cũng cạnh tranh trong các hệ thống pháo thông thường. Theo tạp chí Popular Mechanics, các hệ thống của Mỹ có tính cơ động cao hơn. Hoa Kỳ sở hữu pháo M777 có thể được di chuyển bằng trực thăng MV-22 Osprey giúp nó theo kịp tình hình chiến trường.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc vẫn chưa có ý định từ bỏ pháo tự hành 155mm M109 lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Như dự kiến, phiên bản pháo này được hiện đại hóa vào năm 2012 sẽ phục vụ cho quân đội Hoa Kỳ trong 30-40 năm nữa.

Còn Nga, năm nay đã trình diễn pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV mới nhất của mình. Các lợi thế thực sự trong thiết kế này là khả năng lựa chọn các cỡ đạn khác nhau và có một hệ thống robot tự động nạp đạn. Pháo tự hành mới của Nga có tầm bắn xa tới 40 km.

Cuối cùng, tạp chí Popular Mechanics so sánh tốc độ phát triển kỹ thuật robot trong lĩnh vực quân sự. Trong lĩnh vực này, tạp chí Mỹ cho rằng, quân đội Hoa Kỳ đang đi trước Nga về lĩnh vực điều khiển vũ khí quân sự tự động.

Clip Nga công bố sức mạnh quân đội trong thời điểm nóng

Mỹ Đức

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-khoe-suc-manh-quan-su-vao-thoi-diem-nong-3320003/