Nga để ngỏ khả năng tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ

Nga cho biết sẽ “đóng băng” sản lượng dầu mỏ ở mức như hiện nay và cắt giảm khoảng 200.000-300.000 thùng dầu/ngày vào năm 2017 nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng được OPEC thông qua.

Nga xem xét quyết định "đóng băng" sản lượng dầu mỏ. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 26/11 cho biết Moskva có thể tham gia vào thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu mỏ nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt được sự đồng thuận trong nội bộ khối.

Phát biểu của quan chức Bộ Năng lượng Nga được đưa ra trước thềm cuộc họp chính sách của OPEC, dự kiến diễn ra vào ngày 30/11 tại Vienna (Áo), nhằm thảo thuận về các biện pháp thực thi thỏa thuận áp “mức trần” sản lượng dầu mỏ.

Bộ trưởng Novak cho rằng nội bộ OPEC cần phải thống nhất với nhau trước khi có sự tham gia của các quốc gia ngoài khối và khẳng định quan điểm tích cực của Moskva đối với thỏa thuận “đóng băng” sản lượng mà khối này đã đạt được trong cuộc họp hồi tháng Chín tại Algeria.

Trước đó, ngày 24/11, Bộ trưởng Novak đã nói rằng Nga sẵn sàng “đóng băng” sản lượng dầu mỏ ở mức như hiện nay và sẽ tiến hành cắt giảm khoảng 200.000-300.000 thùng dầu/ngày vào năm 2017 nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng được OPEC thông qua.

Bên cạnh đó, Moskva cũng đang đàm phán về một thỏa thuận tương tự với các quốc gia ngoài OPEC khác như Kazakhstan, Uzbekistan và Mexico.

Cũng liên quan đến thỏa thuận tại Algeria, trang web chính thức SHANA của Bộ Dầu mỏ Iran đã trích lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này Bijan Zanganeh bày tỏ lạc quan về khả năng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận hạn chế nguồn cung “vàng đen” trên thị trường năng lượng.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Nouredine Bouterfa đã đề xuất các nước thành viên trong và ngoài khối OPEC sẽ cắt giảm tổng cộng lần lượt 1,1 triệu thùng dầu và 600.000 thùng dầu mỗi ngày, với hy vọng góp phần đưa giá dầu lên mức 60 USD/thùng vào trước cuối năm 2017.

OPEC đang hướng đến thỏa thuận đầu tiên nhằm hạn chế sản lượng dầu mỏ từ năm 2008, nhưng Iran lại trở thành một trở ngại khi Tehran muốn được "miễn thực hiện" thỏa thuận vì nước này muốn giành lại thị phần đã mất do các biện pháp trừng phạt kinh tế và cấm vận của phương Tây gây ra thời gian qua.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nga-de-ngo-kha-nang-tham-gia-thoa-thuan-cat-giam-san-luong-dau-mo/29503.html