Nga cắm 2 nhát dao vào trái tim châu Âu

Mỹ kêu gọi Nga không đưa tên lửa Iskander-M và S-400 ở khu vực Kaliningrad song những phản ứng của Mỹ đã quá chậm trễ.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cảnh báo việc Nga triển khai hệ thống tên lửa tấn công chiến thuật Iskander-M và S-400 ở khu vực Kaliningrad có thể gây mất ổn định an ninh châu Âu.

Tuyên bố đưa ra hôm 21/11 của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi hiểu rằng Nga có quyền đặt các lực lượng hạt nhân thông thường trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, bố trí Iskander-M và S-400 ở Kaliningrad thời điểm này có thể gây mất ổn định an ninh châu Âu”.

"Rồng lửa" S-400 được Nga điều tới Kaliningrad.

“Chúng tôi kêu gọi Nga không đưa các hành động quân sự không tương thích với sự ổn định và an ninh trong khu vực châu Âu- Đại Tây Dương”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn RIA dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng tại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Viktor Ozerov tuyên bố Moscow sẽ buộc phải triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 và tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Kaliningrad để đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (NMD) ở Đông Âu.

“Chúng ta sẽ buộc phải củng cố hệ thống phòng không vũ trụ trên các hướng liên quan, huy động lực lượng và phương tiện bổ sung để giải quyết nhiệm vụ bảo vệ các chủ thể quan trọng và trạm chỉ huy.

Nhiệm vụ tăng cường sẽ gồm có bố trí S-400 và các tổ hợp tên lửa Iskander ở Kaliningrad, thành lập các đơn vị mới tại quân khu Tây và quân khu Nam”, ông Ozerov nói.

Ông Ozerov khẳng định việc Nga liên tục theo dõi tình hình và "luôn sẵn sàng ứng phó".

Phản ứng của Nga đưa ra khi NATO bắt đầu cuộc tập trận Kiếm Sắt 2016 có quy mô lớn ở Lithuana, quốc gia lớn nhất ở vùng Baltic, và giáp với tỉnh Kaliningrad của Nga giữa 11 quốc gia với 4.000 binh sĩ tham gia.

Phạm vi ảnh hưởng của hệ thống tên lửa Iskander-M được Nga đặt tại Kaliningrad.

Dẫu đã lên tiếng phản đối kiên quyết về quyết định đặt hệ thống tên lửa của Nga, phía Mỹ chưa cho thấy động thái nào quyết liệt hơn đối với đồng minh nhằm đáp trả các động thái nhỏ nhất từ 2 loại vũ khí mà Nga thường xuyên mang đi "dọa".

Iskander-M được cho là vũ khí lợi hại nhất của Moscow để có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các thành thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu trong trường hợp lá chắn tên lửa Mỹ đe dọa đáng kể sức mạnh của lực lượng tên lửa răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km. Như vậy, từ Leningrad, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, từ lãnh thổ Belarus – tiêu diệt các mục tiêu ở vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad – tiêu diệt các mục tiêu ở Đức.

Tuy tên lửa Iskander từ lãnh thổ Nga không bắn được tới Romania, nơi Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn SM–3. Muốn làm điều đó phải sử dụng tàu mang tên lửa hoặc không quân.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga nhận định, Moscow không có nhu cầu phải vô hiệu hóa các tên lửa đánh chặn ở Romania, bởi vì đằng nào chúng cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa Nga.

Vị thế địa-quân sự trọng yếu của Kaliningrad trong lòng NATO.

Hiện, lực lượng không quân Nga ở Kaliningrad hiện được tăng cường lực lượng khá mạnh với các căn cứ không quân chủ chốt ở Chernyakhovsk và Donskoye.

Cả hai căn cứ không quân trên đều có vai trò rất quan trọng, là địa điểm xuất phát của lực lượng máy bay trinh sát, đánh chặn, ném bom; đảm nhận nhiệm vụ tuần tra, ngăn chặn hoạt động theo dõi trên không ở vùng Baltic của NATO, cảnh giới từ xa đối với biên giới nước Nga.

Moscow đã huy động tới đây các tiêm kích đa năng Su-30SM, máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 và có thể cả máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, lực lượng phòng không cũng được bổ sung sức mạnh với các hệ thống tên lửa tối tân S-300 và S-400.

Kaliningrad nằm xen giữa, như một mũi dao đâm vào giữa 2 quốc gia thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania, xa hơn nữa là Latvia, Estonia, Đức... Bất cứ một động thái quân sự nào của Nga ở khu vực này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ các quốc gia NATO xung quanh.

Như vậy, việc Nga nắm đuôi dao khống chế cả vùng ảnh hưởng của NATO đã rõ ràng. Khó có các khả năng Moscow giảm sự ảnh hưởng tại đây "chỉ vì sự an ninh của châu Âu".

Và nếu Hoa Kỳ tham gia vào cuộc so găng này với chỉ là một vài cảnh báo bằng miệng sẽ không có ảnh hưởng nào tới Nga.

Video: Clip Nga tập trận với tên lửa Iskander-M

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-cam-2-nhat-dao-vao-trai-tim-chau-au-3323529/