Nga bóc mẽ “tên lửa số 1 thế giới” YJ-12 Trung Quốc

Chuyên gia Nga nhận định, cái gọi là “tên lửa hành trình tốt nhất thế giới của Trung Quốc” đều là phiên bản nhái của Nga.

Trung Quốc giới thiệu các loại tên lửa nhái của Nga

Một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Trung Quốc - tập đoàn China Aerospace Science and Industry Corp (CASIC) - tại triển lãm hàng không ở Chu Hải đã giới thiệu tên lửa siêu thanh CM-302 - một phiên bản tên lửa hành trình chống hạm xuất khẩu mới.

Trước đây, Giám đốc cơ quan sáng chế Học viện III thuộc tập đoàn khoa học-công nghiệp không gian vũ trụ Trung Quốc (CASIC) là ông ông Wang Changqing đã từng tiết lộ chi tiết kỹ thuật trong tên lửa hành trình mới của Trung Quốc.

Tờ báo Trung Quốc China Daily cho biết, CASIC là nhà sản xuất hàng đầu về tên lửa hành trình phóng từ trên biển, dưới mặt đất và trên không của nước này. Theo đó, tên lửa hành trình thế hệ mới hãng sẽ được chế tạo nhờ sử dụng công nghệ cấu trúc modul.

“Chúng tôi dự kiến thi hành lối tiếp cận “kết nối và hoạt động” (plug-and-play) trong phát triển mẫu tên lửa hành trình mới, cho phép quân đội của chúng tôi tạo cấu hình tên lửa hành trình tương ứng với điều kiện chiến đấu và những đòi hỏi cụ thể” -chuyên gia Wang Changqing nói.

Tên lửa mới sẽ có trí tuệ nhân tạo trình độ cao, tạo điều kiện cho chỉ huy giám sát tên lửa trong suốt thời gian hành trình hoặc dùng chế độ tự dẫn đường, cũng như có thể thay đổi yêu cầu nhiệm vụ khác, trong khi đang thực hiện chuyến bay đến mục tiêu đã định trước.

Tên lửa Trung Quốc CX-1, do công ty CASC trình bày tại triển lãm hàng không Chu Hải vào năm 2014, đã được nghiên cứu, phát triển dựa trên tên lửa chống tàu nổi tiếng trên thị trường vũ khí quốc tế P-800 “Yakhont”, là phiên bản xuất khẩu của loại tên lửa P-800 Oniks của Nga.

Tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 của Trung Quốc được phát triển trên nền tảng Kh-31

CX-1 cũng tương tự như tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos, là sản phẩm của liên doanh BrahMos Aerospace do Nga và Ấn Độ thành lập, cũng được phát triển trên nền tảng công nghệ P-800 Oniks của Nga.

Còn tên lửa CM-302 là phiên bản xuất khẩu của YJ-12, do công ty đối thủ CASIC trưng bày tại triển lãm năm nay. YJ-12 về bản chất là phiên bản phóng đại kích thước của tên lửa chống hạm X-31 (Kh-31) của Nga, được Trung Quốc mua giấy phép sản xuất trong nước.

Công nghệ tên lửa Trung Quốc còn kém Nga rất xa

Bình luận về vấn đề này, chuyên viên quân sự Nga Vasily Kashin đã cho rằng, mặc dù Trung Quốc có nhiều tiến bộ trong công nghệ chế tạo tên lửa, nhưng việc báo chí nước này khẳng định tên lửa CM-302 (YJ-12) “tốt nhất trên thế giới” là chuyện hoang đường.

Trung Quốc chắc chắn sẽ thành công trong việc chế tạo tên lửa chống tàu siêu âm. Nhưng trong thời điểm hiện nay, khả năng của nước này trong việc chế tạo ra một phiên bản mẫu hiện đại hoàn toàn “của riêng mình”, giống như CM-302 là rất khiêm tốn.

Vị chuyên gia Nga khẳng định rằng, các loại tên lửa hành trình siêu âm, do hai tập đoàn Trung Quốc CASC và CASIC sản xuất đều là sản phẩm sao chép (dù đã qua sửa đổi một phần cấu trúc), của hai loại tên lửa hành trình chống tàu quan trọng của Nga.

CX-1 là tên lửa được phát triển trên cơ sở của P-800 Yakhont của Nga, còn CM-302 là phiên bản xuất khẩu của YJ-12, được phỏng chế từ tên lửa diệt hạm X-31 (Kh-31) cũng của Nga.

Tên lửa hành trình chống hạm CX-1 của Trung Quốc được coi là bản nhái của P-800 Oniks

Hơn nữa, Trung Quốc không có tên lửa hạng nặng chống tàu siêu âm tương tự như P-500 Bazalt chứ đứng nói là P-1000 Vulkan và P-700 Granit của Nga. Những tên lửa này dành để đối phó với tàu sân bay, với tầm bắn hơn 700 km, vận tốc lên đến 2.5 Mach (2.5 vận tốc âm thanh).

Các tên lửa này có thể tấn công theo chiến thuật “bầy sói” có tên lửa chỉ huy. Chỉ cần phóng một loạt, chúng trao đổi thông tin với nhau trong chuyến bay và phối hợp tấn công đồng thời mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau, khiến đối phương không có cơ hội sống sót.

Hiện nay, các phiên bản mới nhất của tên lửa hành trình Nga còn có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền. Đây là điều Trung Quốc và cả Mỹ cũng không thể sánh được với Nga.

Cần nhắc lại rằng, trong tương lai gần Nga hy vọng sẽ nhận được những tên lửa hiện đại hơn để chống tàu chiến. Thử nghiệm tên lửa siêu thanh 3M-22 “Zircon” của Nga, có thể đạt vận tốc gấp năm lần tốc độ âm thanh (Mach5) đã có những thành công lớn và sắp được trang bị.

Tuy nhiên, cần lưu ý: sự tiến bộ của Trung Quốc trong ngành chế tạo tên lửa ảnh hưởng đến tình hình quân sự-chính trị ở Thái Bình Dương, gây ra mối lo ngại cho người Mỹ, bởi tên lửa chống máy bay phổ biến nhất Standar SM-2 của Mỹ không thể đối phó với tên lửa YJ-12 của Trung Quốc.

Việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của Mỹ bằng tên lửa Standard SM-6 với tầm bắn xa hơn sẽ đòi hỏi chi phí rất lớn, bởi vì giá của một quả tên lửa như vậy là 4 triệu USD.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-boc-me-ten-lua-so-1-the-gioi-yj-12-trung-quoc-3323018/