Liệu có phải Nga dùng Facebook theo dõi ban vận động của Tổng thống Pháp?

Theo nguồn tin từ một nghị sĩ Mỹ và hai người có liên quan, đầu năm nay, các nhân viên tình báo Nga đã tìm cách theo dõi ban vận động tranh cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đó còn là ứng viên, thông qua các tài khoản Facebook giả mạo.

Người ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron dùng điện thoại chụp hình nhà lãnh đạo trong một buổi vận động cho phong trào En Marche. Ảnh: Reuters

Các nguồn tin cho biết có ít nhất 24 tài khoản Facebook đã được lập ra để theo dõi đội ngũ nhân viên trong ban vận động tranh cử của ông Macron và các nhân vật thân cận khi ông đang tìm cách đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen và các ứng viên khác trong cuộc chạy đua bầu cử hai vòng.

Trong khi đó, đại diện Facebook cũng cho biết tháng 4, công ty này đã triển khai các hành động chống lại các tài khoản giả mạo tung tin đồn và sai lệch về cuộc bầu cử Pháp. Facebook cũng phát hiện ra các tài khoản do thám ở Pháp và bỏ kích hoạt chúng. Lãnh đạo công ty báo cáo kết quả sự việc với các thành viên ủy ban quốc hội. Theo một nguồn tin được nghe báo cáo, số lượng tài khoản bị cấm tại trang mạng Facebook mà được cho là tuyên truyền, gửi các tin nhắn rác liên quan tới cuộc bầu cử, lên tới 70.000 tài khoản.

Tháng 5 vừa qua, trả lời độc quyền hãng thông tấn Reuters, các cơ quan tình báo Mỹ cho biết nhóm tin tặc này có mối liên hệ với chính quyền Nga, tuy nhiên họ cũng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chính Điện Kremlin ra lệnh tấn công mạng. Về phía Nga, nước này liên tục phủ nhận can thiệp mạng và làm rò rỉ thư điện tử, tài liệu trong cuộc bầu cử Pháp.

Theo một nguồn tin giấu tên do tính chất nhạy cảm của sự việc, chiến dịch do thám bao gồm các điệp viên Nga kết bạn với bạn của đội ngũ của ứng viên Macron trên Facebook, sau đó tìm cách thu thập thông tin từ họ. Nhân viên Facebook nhận thấy âm mưu theo dõi ngay từ vòng bình chọn đầu tiên của cuộc bầu cử và lần ra được công cụ được sử dụng trong âm mưu là những phần mềm mà đơn vị tình báo quân sự GRU của Nga trong quá khứ cũng từng sử dụng.

Tài khoản thư điện tử của đội ngũ ban vận động của ứng viên Macron cũng bị lấy cắp và nội dung thư bị phát tán lên mạng trong những ngày cuối cùng của cuộc đua song mã giữa Macron và Le Pen. Nhân viên tình báo và lực lượng hành pháp Pháp chưa bao giờ lên tiếng công khai buộc tội bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đứng sau những vụ tấn công đó. Tuy nhiên, theo Reuters, ông Mounir Mahjoubi – Giám đốc phụ trách mảng kỹ thuật số trong phong trào En Marcher do Tổng thống Macron đứng đầu – thừa nhận một số chuyên gia an ninh tố cáo GRU tấn công, mặc dù họ không có bằng chứng.

Đơn vị GRU, thường được biết đến với tên gọi Fancy Bear hay APT 28 trong ngành an ninh mạng, trước đó cũng là nhóm đối tượng bị cáo buộc tấn công mạng Ủy ban Quốc gia Dân chủ trong mùa bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Đối với lời cáo buộc đó, GRU vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào.

Nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Anh, cáo buộc Nga tấn công mạng để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử song Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc mà Moskva cho là "vô căn cứ". Bộ Tư pháp Mỹ hiện tiến hành cuộc điều tra nhắm tới cáo buộc "những nỗ lực của Chính phủ Nga nhằm tác động đến bầu cử Mỹ năm 2016, cùng các vấn đề liên quan", tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thu được kết quả gì.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nga-bi-to-dung-facebook-theo-doi-ban-van-dong-cua-tong-thong-phap-20170727152109843.htm