New York kiểm soát cư dân bằng công nghệ nhận diện

Thành phố New York vừa triển khai các ứng dụng công nghệ mới giúp chính quyền thu thập thông tin liên quan tới việc các cư dân ở đâu, đi đâu và cùng ai.

Các cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát New York làm nhiệm vụ gần quảng trường Thời Đại tại Manhattan, New York - Ảnh: Reuters

Theo Đài CNBC, thực tế thành phố New York đã có một cơ sở dữ liệu về các cư dân cũng như giới tài xế trong thành phố.

Tuy nhiên với việc ứng dụng công nghệ mới, đáng chú ý là công nghệ nhận diện khuôn mặt, cơ quan chức năng tại đây sẽ tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm soát hoạt động của các lái xe và hành khách ra vào thành phố, trong đó bao gồm cả các điểm đón trả khách của hãng taxi và dịch vụ chia sẻ xe hơi.

Giám sát mọi nơi

Ngày 5/1, đại diện hãng Uber, Lyft đã đồng loạt phản đối Ủy ban xe Limousine và taxi TP New York (New York City Taxi and Limousine Commission, viết tắt là TLC) trước yêu cầu bắt họ phải nộp thông tin về các điểm trả khách.

Các hãng này lập luận rằng họ đã giao nộp thông tin về điểm đón khách cũng như thời lượng hành trình cho nhà chức trách.

Trong thư phản đối, các luật sư bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng cho rằng: “Với việc bổ sung thời gian và địa điểm trả khách, nguy cơ bị tiết lộ thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu này là rất lớn. Nó sẽ cho phép TLC cũng như bất cứ ai khác có thể truy cập được vào cơ sở dữ liệu này, biết được thông tin toàn diện về việc di chuyển cũng như thói quen đi lại riêng tư của các cư dân New York”.

Theo thông báo trên trang web của bang New York, với kế hoạch giám sát an ninh mới, tại mỗi điểm giao cắt và tại các vị trí có đặc điểm nhạy cảm về cấu trúc trên các cây cầu hay trong đường hầm sẽ lắp đặt các camera và thiết bị cảm ứng hiện đại để đọc biển số xe và thử nghiệm phần mềm, cũng như thiết bị ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Công nghệ này sẽ được áp dụng trên toàn bộ các sân bay cũng như các điểm trung chuyển giao thông lớn, để về lâu dài sẽ phát triển một bản đồ giám sát toàn hệ thống.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ so sánh các đặc điểm như mắt, mũi, xương gò má và quai hàm của người dân với các hình ảnh đã được lưu trữ để tìm ra những điểm phù hợp.

Văn phòng thống đốc bang New York hiện vẫn đang cung cấp rất ít thông tin chi tiết về chuyện dữ liệu thu thập sẽ được sử dụng như thế nào, lưu trữ và bảo vệ ra sao.

Xâm phạm đời tư cá nhân?

Luật sư Jennifer Lynch của Quỹ biên giới điện tử (Electronic Frontier Foundation) cho rằng bằng việc kết hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt với thông tin biển số xe và các dữ liệu khác như bằng lái xe của tài xế hay các hồ sơ lưu trữ thuộc loại công khai, chính quyền bang có thể phác thảo ra bức tranh đầy đủ về đời sống của một cá nhân.

Việc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực, trong quan điểm của bà Clare Garvie - chuyên gia thuộc Trung tâm về quyền riêng tư và công nghệ thuộc Trung tâm luật Georgetown, rõ ràng là một sự xâm phạm đời tư người khác vì cho phép chính quyền theo dõi vị trí theo thời gian thực của một ai đó.

Bà Clare Garvie nói: “Chúng tôi hi vọng nếu họ đang mở rộng việc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt - nhất là với một việc mang tính xâm phạm như nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực - với tất cả tài xế vào thành phố thông qua các lối đi cụ thể, họ cần trình bày rõ ràng việc thông tin đó sẽ được sử dụng như thế nào, được sử dụng để chống lại ai và các thông tin đó đã được xử lý những gì”.

Cũng theo bà Clare Garvie, rất có thể các dữ liệu hình ảnh khuôn mặt sẽ được dồn về “trung tâm chỉ huy” của Sở Cảnh sát thành phố New York.

Trong trung tâm đó, lực lượng cảnh sát chống khủng bố hiện đã có thể quan sát các video giám sát truyền về từ khoảng 9.000 camera, tiếp nhận khoảng 3 triệu biển số xe mỗi ngày từ các thiết bị đọc biển số xe trên đường.

Sở Cảnh sát thành phố New York bắt đầu sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt từ năm 2011. Một nhóm chuyên viên đặc trách tại đây sẽ đảm nhiệm việc đưa các hình ảnh nghi phạm chưa xác định được vào một phần mềm nhận diện khuôn mặt.

Phần mềm này sẽ so sánh hình ảnh ghi lại trên các camera giám sát với hình ảnh lưu trong cơ sở dữ liệu tội phạm, hình ảnh trên Instagram và Facebook.

Ít nhất một hệ thống phần mềm nhận diện khuôn mặt mà Sở Cảnh sát New York đang sử dụng là sản phẩm của Hãng DataWorks Plus. Đây cũng là nhà cung cấp quen thuộc các ứng dụng công nghệ cho nhiều cơ quan hành pháp tại Mỹ.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/the-gioi/new-york-kiem-soat-cu-dan-bang-cong-nghe-nhan-dien-37254.html