Nếu thương Thủ đô thì hãy cứu lấy nó!

(Kienthuc.net.vn) - KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Thủ đô chỉ có chừng đó đất thôi, đừng ép nó phải gánh một gánh nặng lớn hơn khả năng có thể. Đừng chất tải lên đường sá của thành phố nữa. Hãy tránh những công trình lớn ra, nếu thương Thủ đô thì hãy cứu lấy nó.

Đừng chất tải lên đường sá thành phố nữa

Những khu đất mà nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan ban ngành… đang giữ hiện nay, đa số là các khu đất “vàng”. Mỗi mét vuông có khi lên tới hàng trăm triệu đồng, diện tích của một đơn vị có khi lên tới hàng ha.

KTS Nguyễn Trực Luyện

Việc di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện… ra khỏi nội đô là việc làm cần thiết, tránh tình trạng chất chồng lên đường phố nội đô. Nên chuyển phần đất của đơn vị đã di dời đó thành những nơi dành cho sinh hoạt cộng đồng, xây trường mầm non, tạo ra những không gian cây xanh cho thành phố.

Tuy nhiên, việc này sẽ rất khó khăn. Ai sẽ là người đầu tư cho những công trình công cộng đó? Doanh nghiệp muốn có lợi nhuận thì họ sẽ lại xây nhà cao tầng để kiếm lời. Theo KTS Nguyễn Trực Luyện, Nhà nước nên đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp làm. Mức đầu tư này sẽ không quá lớn so với mức đầu tư chung của cả nước.

Về việc có chủ trương dành một phần quỹ đất di dời này cho việc xây dựng các trung tâm thương mại, chợ, ông Luyện không đồng tình: “Phải tránh những công trình lớn. Đáng lẽ phải làm từ 10, 20 năm trước. Giờ mới làm là quá muộn. Nếu có tầm nhìn, thì không ai làm thế. Thủ đô chỉ có chừng đó đất thôi, đừng ép nó phải gánh một gánh nặng lớn hơn khả năng có thể. Đừng chất tải lên đường sá của thành phố nữa. Hãy tránh những công trình lớn ra. Nếu thương Thủ đô thì hãy cứu lấy nó!”

Thủ đô mất văn hóa vì mất kiến trúc

Tình trạng Thủ đô chật cứng, ùn ứ, tắc nghẽn, thì không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải. Nhưng sự căng thẳng không đến mức như ở Việt Nam.

Thủ đô Hà Nội được tiếp quản từ quy hoạch thủ đô do người Pháp làm. Về cơ bản thì đường sá Hà Nội từ năm 1954 đến giờ không có nhiều sự khác biệt. Lúc đó dân số chỉ có vài vạn người, giờ đã lên tới vài triệu người, thử hỏi làm sao mà không tắc được.

Thủ đô Hà Nội đang bị quá tải

“Giải pháp khắc phục sự quá tải của Hà Nội đang áp dụng hiện nay không phải là mới, cũng không phải là lần đầu tiên đề cập đến. Lỗi ở đây là do tầm nhìn. Đáng lẽ người ta phải nhìn ra từ 20 - 30 năm trước. Nhưng có lẽ do cái tầm của người lãnh đạo chưa tới. Thực trạng giao thông Hà Nội đã quá đáng lo, quá báo động rồi. Nếu lại quy hoạch không đúng thì cái nguy cơ đánh mất kiến trúc kèm theo cả văn hóa của một Thủ đô văn hiến cũng không quá xa”, KTS Nguyễn Trực Luyện chia sẻ.

Cũng theo KTS Nguyễn Trực Luyện thì muốn thực hiện được chủ trương này, làm mạnh tay, thì cũng phải mất vài chục năm mới làm được. Vì chủ trương di dời đã có từ chục năm trước rồi nhưng đến giờ ta vẫn chưa làm được.

Thống kê của UBND thành phố Hà Nội, đến hết năm 2011, trên địa bàn thành phố có 411 chợ, 20 trung tâm thương mại, chiếm khoảng 15% số trung tâm thương mại của cả nước. Trên địa bàn Hà Nội cũng có 110 siêu thị đang hoạt động, chiếm khoảng 19% số siêu thị của cả nước, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành Hà Nội, bình quân 1 quận/huyện có khoảng 3 siêu thị.

Việc di dời các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện… ra khỏi nội đô là để giảm tải cho đô thị, cũng là việc cần thiết. Nhưng nếu sử dụng đất di dời để xây nhà cao tầng, trung tâm thương mại… thì buồn cười quá.

Tô Hội

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201204/Neu-thuong-Thu-do-thi-hay-cuu-lay-no-1832033/