Nếu sáng thức dậy, thấy Trump làm Tổng thống… (kỳ 2)

Dựa trên những điều vị tỷ phú từng nói và các thông điệp từ chiến dịch tranh cử của ông trong suốt 18 tháng qua, Hendry Blodget – nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc trang Business Insider đã đưa ra một số giả định về tương lai mà Donald Trump trở thành Tổng thống. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các vấn đề “nhỏ” được đề cập ở kỳ trước, mà còn gây nhiều hệ quả to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Các vấn đề lớn

Tổng thống Trump dễ xử lý sai tình hình địa chính trị hay quân sự khó nhằn, ẩn chứa những hậu quả tiềm tàng. Ba khu vực địa lý có liên quan rõ ràng phải kể đến Trung Đông, Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga chính là quốc gia có nhiều vấn đề nhất với Mỹ.

Với mối quan hệ được cho là “ngưỡng mộ lẫn nhau” giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Trump sẽ ưu tiên mối thân tình này hơn việc hỗ trợ các đồng minh hoặc ngăn chặn sự mở rộng lãnh thổ của Nga. Ông Putin vốn đã biết điều này từ lâu và sẽ tận dụng lợi thế của nó. Đến một lúc nào đó, ông Putin có thể sẽ tiếp tục tiến vào phần còn lại của Ukraine hoặc khu vực Balkan. Trong khi đó, Tổng thống Trump sẽ không đáp ứng, hoặc đáp ứng chậm, thiếu sáng suốt trước các yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và làm liên minh quân sự này bị suy yếu. Cho đến khi nhận ra mình đang bị lợi dụng bởi người bạn thâm niên là ông Putin, ông Trump có thể cực kỳ tức giận và nhiều khả năng làm điều gì đó điên cuồng, ví dụ như ra lệnh tấn công hạt nhân.

Ngoài ra, Tổng thống Trump sẽ tìm cách sửa đổi Tu Chính Án Thứ Nhất và hạn chế quyền tự do báo chí. Lúc đầu, ông làm điều này bằng cách tưởng thưởng cho các tổ chức thông tin và các phóng viên ủng hộ mình, đồng thời trừng phạt những người phê phán. Nếu vẫn chưa dập tắt được sự chỉ trích nhằm về phía mình hoặc chính quyền, ông Trump sẽ gia tăng sách nhiễu đối với lực lượng phê bình bằng cách ra lệnh điều tra và khuyến khích nhóm ủng hộ tẩy chay những ai có ý chống phá. Tổng thống Trump cũng ra lệnh cho Bộ trưởng Tư pháp đe dọa các tổ chức tin tức bằng bản cáo trạng hình sự và buộc họ phải khai ra nguồn tin. Những đồng minh trong Quốc hội, các tổ chức và cá nhân ủng hộ ông Trump cũng được hưởng lợi ích tương tự về mặt truyền thông, từ đó giúp tăng cường sự đồng thuận với đề nghị thay đổi pháp luật do ông đề ra.

Để trả đũa các đòn tấn công khủng bố, Tổng thống đảng Cộng hòa cho chặn dòng người Hồi giáo vào Mỹ và tăng cường giám sát hồ sơ của người Hồi giáo tại quốc gia này. Nếu điều đó chưa hiệu quả, ông Trump sẽ đưa ra một biện pháp khác là buộc người Hồi giáo phải đăng kí và/hoặc cho xây dựng các trại Hồi giáo ở Mỹ. Nhằm trừng phạt lực lượng khủng bố hồi giáo cực đoan, ông Trum ra lệnh phá hủy các thành phố ở Syria, Iraq và nhiều quốc gia khác, trong lúc đó cũng khiến hàng trăm nghìn người dân thường thiệt mạng.

Nhìn nhận ở phạm vi rộng, quan niệm hà khắc của ông Trump có khả năng sẽ thổi bùng căng thẳng chủng tộc và tôn giáo tại Mỹ, gây bạo lực và biểu tình. Đối với người ủng hộ Trump, “làm cho nước Mỹ tuyệt vời trở lại” nghĩa là làm cho Mỹ chỉ còn toàn “người da trắng và người Thiên chúa giáo”. Ngay cả khi ông Trump không tích cực hỗ trợ quan niệm này, ông cũng không có động thái nào ngăn cản nó. Mặt khác, nếu bạo lực nổ ra tương tự như các vụ tấn công bằng súng hay xảy ra ở Mỹ, thì Tổng thống Trump sẽ ca tụng sự cần thiết của việc có súng để tự vệ và thiết lập chính sách cứng rắn hơn.

Ông Trump sẽ mất kiên nhẫn với sự “kiểm tra và cân bằng” quyền lực Tổng thống. Nếu nền kinh tế vẫn vững chắc và không có tấn công khủng bố lớn hoặc khủng hoảng địa chính trị, nỗ lực của ông Trum trong việc mở rộng quyền lực sẽ rất khó thực hiện. Nhưng ngược lại, nếu kinh tế bị suy giảm hoặc khủng hoảng xảy ra, mong muốn này của ông sẽ dễ để hiện thực hóa.

Nhưng nên nhớ rằng, điều quan trọng là nếu như được bầu, ông Trump sẽ có thêm rất nhiều sức mạnh và được công chúng ủng hộ hơn cả những nhà độc tài nổi tiếng từng có khi họ lên nắm quyền (ví dụ như Hitler).

Các hậu quả khác

Thị trường chứng khoán sẽ giảm xuống từ 10-20%. Tổng thống Trump sẽ làm tăng đáng kể sự rủi ro và không chắc chắn, gây ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư và người ra quyết định kinh doanh. Các công ty Mỹ sẽ tạm thời "đóng băng" kế hoạch trong khi cố gắng tìm hiểu Tổng thống Trump định làm gì, từ đó gây chậm tăng trưởng kinh tế tạm thời.

Để trốn tránh, Tổng thống Trump sẽ đổ lỗi cho chính quyền Obama và lấy đó làm lý do yêu cầu Quốc hội hành động khẩn cấp. Các cuộc tấn công rõ ràng của Trump vào nhiều công ty Mỹ như Ford, Amazon, Macy, Nabisco, Apple, cùng khả năng buộc một số công ty chuyển cơ sở sản xuất về đất Mỹ cũng gây ảnh hưởng lớn đến giới kinh doanh. Hầu như không một CEO từ công ty lớn nào ủng hộ ông Trump, và nhiều người đã lên tiếng chống lại ông. Họ biết rằng ông Trump sẽ coi đó là mối tư thù cá nhân.

Như một hệ quả, thâm hụt ngân sách và nợ bắt đầu leo thang. Đề xuất cắt giảm thuế với người giàu của ông Trump không kích thích tăng trưởng – tương tự như sai lầm từng có của cựu Tổng thống Bush – bởi thuế với người giàu không phải nguyên nhân bóp nghẹt mức độ tăng trưởng, mà là sự thiếu khả năng chi tiêu của giới trung lưu. Mặt khác, việc cắt giảm thuế lại gia tăng thâm hụt và nợ liên bang. Có điều Tổng thống Trump sẽ đổ lỗi này cho Quốc hội cũng như chính quyền trước đó của ông Obama.

Tại một thời điểm nhất định trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống mới, một cuộc suy thoái lớn có khả năng xảy ra, trong đó thị trường chứng khoán giảm 30 -50% so với mức đỉnh. Chính sách nhà nước do ông Trump đứng đầu cũng có thể gây suy thoái kinh tế, ví dụ như một cuộc chiến tranh thương mại gây tổn hại nền kinh tế, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Dù lo ngại này có xảy ra thật, thì Donald Trump vẫn sẽ đổ lỗi cho những đối thủ, đồng thời dựa vào khủng hoảng kinh tế trên diện rộng để tìm cách mở rộng quyền lực.

Tất nhiên, không ai mong đợi viễn cảnh tồi tệ này. Người lạc quan tìm cách để tin rằng có thể ông Donald Trump sẽ là vị Tổng thống mà những người ủng hộ ông mong đợi, rằng khi nắm quyền cao nhất đất nước, ông sẽ không xấu tính, nhỏ nhen, thiếu thận trọng, phát biểu như một kẻ bạo chúa, mà sẽ là một người thực dụng hiệu quả, hợp lý, chỉ nói những lời kỳ quặc khó hiểu nhằm làm vui lòng đám đông và tỏ ra thô lỗ đôi chút.

Song, nếu xem xét kỹ lưỡng thì sẽ thấy các hành động và tuyên bố của ông Trump đã nhất quán như thế nào trong suốt 18 tháng tiến hành tranh cử, thì điều được dự đoán rất có thể sẽ là sự thật.

Lan Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/neu-sang-thuc-day-thay-trump-lam-tong-thong%e2%80%a6-ky-2