Nếu người đàn ông này chỉ cần ngủ một giờ đồng hồ, sẽ có 30 người phải chết

Ông nhận thức rằng, ngày nay trên thế giới vẫn còn rất nhiều trẻ em đang phải đối mặt với hiểm nguy, và một tấm hộ chiếu cũng có thể khiến một người phải trả giá bằng sinh mệnh của mình. “Tôi đã làm tất cả những gì có thể rồi. Bây giờ, tôi không thể làm gì được nữa,” ông nói.

Adolfo Kaminsky (ảnh: Raphael Zubler)

Đó là năm 1944, khi Paris vẫn đang bị chiếm đóng. Bốn người bạn sống cùng với nhau trong một căn hộ chật hẹp bên phía tả ngạn sông Seine. Hàng xóm nghĩ rằng những người này là họa sĩ bởi người của họ bao giờ cũng tỏa ra một mùi hóa chất nồng nặc. Thực ra, họ là thành viên của một nhóm có nhiệm vụ giải cứu người Do Thái khỏi cảnh tù đày. Cả 4 vận hành một phòng thí nghiệm bí mật, chuyên làm hộ chiếu giả để giải cứu trẻ em và các gia đình khỏi các trại tập trung. Thành viên trẻ nhất của nhóm, cũng chính là người phụ trách kỹ thuật của phòng thí nghiệm, lại là một cậu bé vừa tròn 18 tuổi: Adolfo Kaminsky.

Nếu bạn cho rằng mình đã hoàn thành mọi ước nguyện của cuộc đời, thì đừng tự so sánh với ông Kaminsky. Bước sang tuổi 19, ông đã dang tay giúp đỡ hàng nghìn con người bằng cách làm giả giấy tờ, giúp những người này chạy trốn khỏi đất nước trong mọi cuộc xung đột xảy ra vào giữa thế kỷ 20.

Bây giờ, khi đã ở tuổi 91, ông Kaminsky đã là một cụ ông nhỏ thó với bộ râu trắng dài. Ông khoác lên mình chiếc áo bằng vải tweed và lê bước quanh khu phố bằng một cây gậy. Ông hiện đang sống trong một căn hộ dành cho người có thu nhập thấp, nằm cách không xa phòng thí nghiệm cũ của mình.

Khi tôi cùng với đoàn làm phim theo chân ông về nhà, những người hàng xóm liên tục hỏi tôi rằng ông ấy là ai. Tôi nói rằng, ông là một người anh hùng trong chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù câu chuyện của ông còn được tiếp nối sau quãng thời gian đó. Cho đến hiện tại, câu chuyện cuộc đời ông vẫn còn nguyên ý nghĩa, trong bối cảnh trẻ em Syria phải leo lên những con thuyền tồi tàn để chạy trốn khỏi đất nước đang chịu cảnh mưa bom bão đạn.

Giống như mọi người phương Tây khác, tôi thường bỏ qua sự đau khổ của họ và tự nhủ rằng ở một nơi nào đó sẽ có người giúp đỡ họ. Thế nhưng Kaminsky – một thanh niên nghèo khổ, bị truy lùng ráo riết – lại làm điều đó trong suốt khoảng thời gian chiến tranh xảy ra và nhiều năm sau đó, với nhiều lý do khác nhau. Tại sao ông ấy lại làm như vậy?

Kaminsky không hề muốn được tôn vinh. Ông đã âm thầm làm việc trong hàng chục năm trời và chỉ tiết lộ về công việc của mình nhiều năm sau đó. Con gái của ông, Sarah, chỉ được biết toàn bộ câu chuyện về cuộc đời cha mình thông qua một cuốn sách viết về ông có tên: Adolfo Kaminsky: Cuộc đời của một người giả mạo giấy tờ. (Adolfo Kaminsky: A Forger’s Life)

Tiền bạc cũng không phải là động lực của Kaminsky. Ông kể rằng mình chưa bao giờ nhận bất kỳ một khoản tiền nào mà người ta trả cho ông. Ông làm vậy để theo đuổi mục tiêu và những việc làm mà ông cho là đúng đắn. Ông đã từng lâm vào cảnh túng thiếu và chỉ nuôi sống bằng thân với công việc của một nhiếp ảnh gia thương mại. Áp lực từ những công việc trong thời chiến đã khiến một mắt của ông gần như mù hoàn toàn.

Măc dù là một người thợ lành nghề trong việc làm ra những tấm hộ chiếu giả và phát triển một thiết bị để khiến chúng trở nên cũ sờn, Kaminsky cảm nhận được rất ít niềm vui trong công việc của mình. “Chỉ với một lỗi nhỏ thôi tôi cũng có thể khiến một người phải vào tù hoặc phải nhận án tử hình,” ông kể với tôi. “Đó là một trách nhiệm cao cả và nặng nề.” Nhiều năm sau đó, ông vẫn bị ám ảnh bởi công việc của mình. “Tôi luôn đau đáu với những con người mà mình không cứu sống được.”

Kaminsky đồng cảm với những người tỵ nạn bởi bản thân ông cũng là một người có chung hoàn cảnh. Ông được sinh ra ở Argentina trong một gia đình người Nga gốc Do Thái. Họ đã bay từ Nga tới Paris nhưng bị tống cổ khỏi Pháp không lâu sau đó. Khi Adolfo tròn 7 tuổi, gia đình ông đã được cho phép đoàn tụ với họ hàng tại Pháp nhờ sở hữu tấm hộ chiếu Argentina. “Từ đó tôi mới nhận ra tầm quan trọng của từ “giấy tờ” là như thế nào,” ông kể lại.

Sau khi bỏ học ở tuổi 13 để phụ giúp gia đình, ông đã xin làm nhân viên học việc trong một cửa hàng nhuộm quần áo, tiền thân của máy sấy khô quần áo thời hiện đại. Ông đã dành hàng giờ để tìm cách loại bỏ vết bẩn, sau đó nghiên cứu sách giáo khoa hóa học và tự làm thí nghiệm tại nhà. “Người chủ của tôi là một công nhân hóa học và sẽ trả lời mọi câu hỏi của tôi,” ông cho biết. Vào cuối tuần, ông giúp đỡ một nhà hóa học tại một cửa hàng sữa để đổi lấy bơ.

Vào mùa hè năm 1943, ông cùng gia đình bị bắt và bị đưa tới Drancy, một trại giam giữ người Do Thái tại Paris đồng thời là điểm cuối cùng trước khi đặt chân tới các trại tập trung đầy chết chóc. Lần này tấm hộ chiếu đã cứu họ. Chính phủ Argentina phản đối lệnh bắt giữ những người trong gia đình, do vậy họ quyết định ở lại Drancy 3 tháng, trong khi hàng nghìn người khác bị thủ tiêu trong chớp mắt.

Cuối dùng, gia đình Kaminsky đã được thả tự do, nhưng họ không còn an toàn ở Paris nữa. Những người Do Thái ở đây đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ bất kỳ lúc nào. Một số người Argentina cũng sớm bị trục xuất khỏi đất nước

Để sống sót, gia đình Kaminsky tìm đến thế giới ngầm. Cha của Adolfo nhận giấy tờ giả mạo từ một nhóm giải cứu người Do Thái và sai Adolfo tới đó để lấy. Khi một người trong nhóm nói với Adolfo rằng họ đang loay hoay cố xóa màu mực xanh khỏi các loại giấy tờ, cậu gợi ý sử dụng acid lactic, một thủ thuật mà cậu đã cóp nhặt từ khi còn làm việc cho cửa hàng bán sữa. Phương pháp này phát huy tác dụng, và cậu được mời vào nhóm.

Ông Kaminsky trong Chiến tranh thế giới thứ hai (ảnh: Alchetron)

Công việc của ông là đi nghe ngóng thông tin về những người sẽ bị bắt giữ và cảnh báo tới gia đình của họ, đồng thời làm giả giấy tờ để giúp họ qua mặt các nhân viên điều tra.

Nhóm của ông hoạt động bằng cách tập trung vào các trường hợp khẩn cấp nhất: những đứa trẻ sắp bị đưa tới Drancy. Họ đưa những đứa trẻ tới các căn nhà nằm ở vùng nông thôn hẻo lánh, hoặc bí mật đưa chúng tới Thụy Sĩ hoặc Tây Ban Nha. Có giai đoạn cao điểm, Kaminsky đã phải thức trắng suốt 2 đêm để hoàn tất các yêu cầu được gửi tới ông. “Đó là một phép tính đơn giản: Trong 1 tiếng tôi có thể tạo ra 30 loại giấy tờ; nếu tôi chỉ cần ngủ 1 tiếng thôi thì 30 người sẽ chết.”

Các nhà sử học ước tính, hệ thống các nhóm giải cứu người Do Thái đã hoàn tất nhiệm vụ đưa 7.000 tới 10.000 trẻ em thoát ra khỏi vòng nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn 11.400 đứa trẻ bị trục xuất và giết hại.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Kaminsky quyết định nghỉ việc. Thế nhưng trong suốt 30 năm sau đó, ông vẫn tiếp tục làm giả giấy tờ, qua đó gián tiếp đóng một vai trò nhỏ trong các cuộc xung đột trên toàn thé giới, từ chiến tranh Algeria cho tới cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi và chiến tranh Việt Nam. Ông ước tính rằng chỉ tính riêng trong năm 1967, ông đã làm giả giấy tờ cho người dân đến từ 15 quốc gia.

Tôi không thể xác minh hoàn cảnh của từng trường hợp. Thậm chí, một số nhóm phiến quân mà ông ủng hộ sử dụng những giấy tờ giả đó nhằm biến chúng thành công cụ phục vụ cho bạo lực.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, hai người con của ông chào đời, thế nhưng ông không thể kể cho chúng nghe về công việc của mình. Do vậy, chúng không khỏi băn khoăn khi ông không tới thăm chúng thường xuyên. Các cô bạn gái thì nghi ngờ ông trốn tránh các buổi hẹn hò vì nghĩ rằng ông đang lừa dối họ.

“Tôi cứu người bởi tôi không thể chịu đựng được những cái chết vô ích,” ông tâm sự với tôi. “Tất cả mọi người đều bình đẳng, bất kể xuất xứ, đức tin hay màu da,” ông cho biết thêm. “Không có người cao sang hơn, cũng không có người thấp hèn hơn. Điều này thật khó chấp nhận đối với tôi.”

Kaminsky đồng cảm với những người tỵ nạn bởi bản thân ông cũng là một người có chung hoàn cảnh (ảnh: Alchetron)

Vào năm 1971, cảm thấy mình có thể bị bỏ tù vì đã có quá nhiều người để mắt tới danh phận của mình, Kaminsky quyết định ngừng làm giả giấy tờ và tập trung kiếm sống bằng công việc giảng dạy nhiếp ảnh. Trong một chuyến thăm tới Algeria, ông đã gặp một sinh viên chuyên ngành luật, là con gái của một lãnh tụ Hồi giáo tự do của Algeria. Cả hai đã kết hôn và có với nhau 3 mặt con.

Lần cuối cùng tôi gặp Kaminsky, ông ấy đã cho tôi xem một tấm ảnh mà ông chụp ngay sau khi Paris được giải phóng. Trong tấm ảnh đó, 30 đứa trẻ bước ra khỏi hầm trú ẩn và mong mỏi được đoàn tụ với cha mẹ của mình.

Ông nhận thức rằng, ngày nay trên thế giới vẫn còn rất nhiều trẻ em đang phải đối mặt với hiểm nguy, và một tấm hộ chiếu cũng có thể khiến một người phải trả giá bằng sinh mệnh của mình. “Tôi đã làm tất cả những gì có thể rồi. Bây giờ, tôi không thể làm gì được nữa,” ông nói. Chắc chắn rồi, những người còn lại trong số chúng ta sẽ có thể làm thay ông.

Dịch theo Pamela Druckerman (New York Times)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/neu-nguoi-dan-ong-nay-chi-can-ngu-mot-gio-dong-ho-se-co-30-nguoi-phai-chet-125871