Nếu Mỹ thoái lui, Trung Quốc sẽ nhanh nhảu thế chỗ

Cách tiếp cận quyền lực khôn khéo của ông Obama, trong một nỗ lực để không phải là một Bush thứ hai, cũng đã thất bại? Có phải ông Obama đã không cố gắng, hay đã không thể bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong chính sách với Trung Quốc?

Hãy xem lại các chính sách gần đây:

Về thương mại, Trung Quốc đã phản ứng mạnh trước các ý định kiềm chế của Mỹ bằng TPP và đã đề xuất các thỏa thuận tự do thương mại của riêng mình với các quốc gia trong khu vực, thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khu vực Tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Với việc TPP đang “chết lâm sàng”, các thỏa thuận được đề xuất này có thể có cuộc sống mới. Tuần này, theo kênh NHK, Austalia đã thông báo ý định tham gia các sáng kiến thương mại của Trung Quốc. Peru, Nhật Bản và Malaysia đã làm tương tự.

Bên cạnh thương mại, Trung Quốc đã sáng lập và khởi động Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một thể chế tài chính đa phương được thành lập năm 2015, phối hợp với 57 quốc gia thành viên. AIIB quản lý một quỹ 100 tỷ USD, chỉ bằng một nửa của Ngân hàng Thế giới (WB). Mỹ đã cố ngăn chặn AIIB nhưng không được.

Trung Quốc giờ đã có một công cụ đầu tư vào cơ sở hạ tầng châu Á để hỗ trợ cho sáng kiến “Một vành đai một con đường” của mình nhằm tạo ra một tuyến đường thương mại trên đất liền và trên biển từ Trung Quốc tới châu Phi. Dự án trên hợp tác với Pakistan, nước mà Mỹ rất ít quan hệ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội Nghị Thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc hôm 3/9/2016. Ảnh: Reuters

Về Biển Đông, theo tạp chí National Interest, đây là nơi vận chuyển khoảng 1.000 tỷ USD hàng hóa thương mại của Mỹ hàng năm và khoảng 1/3 vận tải biển toàn cầu. Vùng biển này có trữ lượng dầu khí lớn và là một vựa cá. Trung Quốc đòi sở hữu gần như toàn bộ Biển Đông, từ Singapore tới Hàn Quốc và từ Việt Nam tới Philippines – nằm trong “đường 9 đoạn” mà họ tự vẽ ra.

Trung Quốc có yêu sách đối với các dải san hô ngầm và đá nửa nổi nửa chìm, tiến hành tôn tạo thành đảo (bức “trường thành trên cát”) với cái cớ là xây cảng biển để tạo điều kiện cho thương mại. Trên thực tế, các đảo này được trang bị sân bay, căn cứ quân sự và bệ phóng tên lửa. Tàu chiến và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thường xuyên tuần tra vùng biển này, khiến các nước khác có tranh chấp cảm thấy lo ngại.

Philippines đã chiến thắng trong một vụ kiện Biển Đông ra Tòa Trọng tài ở La Hague (Hà Lan) chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc không công nhận tòa này cũng như các phán quyết của tòa. Tuy nhiên gần đây, Tổng thống Philipines Rodrigo Duterte loan báo sẽ hủy bỏ liên minh Philippines - Mỹ từ năm 1951 và trục xuất quân đội Mỹ đang đồn trú tại đây.

Chính quyền Obama đã hờ hững trong việc hỗ trợ các nước trong khu vực có tranh chấp và bảo vệ quyền tự do đi lại của tàu và máy bay trong khu vực. Chính sách của Mỹ ủng hộ các quy định của pháp luật, đàm phán và thỏa hiệp dựa trên luật lệ, không đứng về bên nào. Thỉnh thoảng tàu chiến và máy bay Mỹ đã tiến vào các vùng biển tranh chấp nhằm khẳng định các quyền tự do đi lại, trong khi hải quân Trung Quốc luôn ở thế tạo sự cố, khiến các nước khác trong khu vực lo ngại.

Trung Quốc đáp lại điều này bằng việc đưa ra yêu sách lãnh thổ lớn hơn và củng cố những gì họ đã chiếm đóng, ngay cả khi ông Obama gặp các lãnh đạo G20 ở Bắc Kinh hồi tháng 9 vừa qua. Các nước trong khu vực không biết Mỹ sẽ cứng rắn đến đâu trong việc bảo vệ họ trước các lợi ích của Trung Quốc.

Nhật Bản và Mỹ đã gắn kết bởi một hiệp ước quốc phòng song phương từ năm 1951 nhưng không rõ liệu Mỹ có đến hỗ trợ Nhật trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku với Trung Quốc hay không. Nhật Bản vẫn là một đồng minh mạnh của Mỹ, tiếp tục dựa nhiều vào các căn cứ của Mỹ ở Okinawa. Và người Nhật đã bắt đầu hướng tới một năng lực quốc phòng mạnh hơn để ngăn cản các cuộc xâm nhập của Trung Quốc và mối đe dọa Triều Tiên. Nhật Bản có thể là một trong những sáng kiến chính sách đối ngoại thành công của Obama (bên cạnh Hàn Quốc) vì liên minh này vẫn còn mạnh.

Trung Quốc và Nga đã nối lại liên minh giữa họ. Năm 2014, Nga bắt đầu xây dựng đường ống dẫn khí đốt nhằm cung cấp cho Trung Quốc. Năm 2016, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tiến hành tập trận chung ở Biển Đông. Ông Obama đã không thể ngăn chặn quan hệ đối tác mới này, vì Nga và Mỹ đang vướng phải xung đột ở Crimea, Georgia và có thể ở các nước vùng Baltic.

Về an ninh mạng, các đối thủ đang “cười nhạo” an ninh mạng của Mỹ. Năm 2015, quân đội Trung Quốc đã tấn công vào Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ, đánh cắp 4 triệu hồ sơ của các công chức đương nhiệm và đã về hưu. Quân đội Nga năm 2016 đã tấn công máy chủ thư điện tử của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ và các bức thư điện tử của John Podesta, vụ việc có thể đã góp phần gây ra thất bại của bà Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống có lợi cho ông Trump.

Bên cạnh đó, Trung Quốc thường xuyên đánh cắp sở hữu trí tuệ (IP) từ các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và IT. Trung tâm Chống tình báo và an ninh Mỹ ước tính người Trung Quốc đánh cắp 400 triệu USD của Mỹ mỗi năm. Phản ứng của ông Obama là nước Mỹ “rất lo ngại”. Ông muốn Trung Quốc nhất trí với một số nguyên tắc hành xử trong lĩnh vực mạng. Nhưng Trung Quốc phớt lờ các nguyên tắc này.

Một vấn đề liên quan: do thám. Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung, một nhóm cố vấn cho quốc hội Mỹ, đã ra báo cáo tháng 11/2016 gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc mạng gián điệp của Trung Quốc đã đánh cắp một lượng lớn bí mật quân sự Mỹ như thế nào. Không có phản ứng gì được kỳ vọng từ ông Obama.

Cũng như các chính quyền tiền nhiệm, Mỹ đã có thể cam kết vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa với Triều Tiên nhằm loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Ông mô tả 8 năm bất động trong vấn đề Triều Tiên là “sự kiên nhẫn chiến lược” trong khi đó, Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và bắn thử tên lửa.

Về biến đổi khí hậu, tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Bắc Kinh tháng 9 vừa qua, đã có một sự cố là việc không “trải thảm đỏ”, cũng không có cả một lối đi riêng cho ông Obama. Truyền thông và nhân viên của tổng thống Obama cũng gặp nhiều khó khăn khi tham dự và đưa tin về hội nghị.

Ông Obama đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh này để thông báo một thỏa thuận biến đổi khí hậu Mỹ – Trung nhằm hạn chế thải khí gây hiệu ứng nhà kính, một phần của Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris của LHQ. Nhưng Trung Quốc không đưa ra cam kết vững chắc nào, và trên thực tế trong vài năm tới họ sẽ tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mỹ thì đưa ra cam kết chặt hơn, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và các công nhân làm việc trong ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Đáng chú ý là ông Obama gây sức ép để LHQ kêu gọi đồng thuận về một “thỏa thuận” thay vì một “hiệp ước”. Nhưng việc này đã không được thượng viện ủng hộ. Và ông đã luôn phải tìm cách vượt mặt quốc hội Mỹ.

Về sức mạnh quân sự, trong khi ông Obama và Quốc hội Mỹ giảm quân đội xuống mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại tái tổ chức và hiện đại hóa lực lượng Quân giải phóng Nhân dân của mình, ít nhất nhằm đối phó bất kỳ thách thức nào từ Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia. Theo Chỉ huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, ông Obama giữ sự hiện diện và các năng lực quân sự của Mỹ trong khu vực ở mức không đủ. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tiến hành tập trận chung và cam kết “đối thoại” cấp cao giữa các tư lệnh. Điều này dường như không ảnh hưởng đến các quan hệ.

Về Trung Quốc, Nga và Iran. Truyền hình nhà nước Nga RT hồi tháng 8/2016 thông báo rằng Trung Quốc, Nga và Iran giờ đang hợp tác để gạt Mỹ ra khỏi Syria. Nhớ rằng ông Obama đã đàm phán thỏa thuận vũ khí hạt nhân Iran với giả thiết là văn kiện này sẽ khiến Iran hành xử một cách hòa bình trong khu vực. Ông Obama sẽ nhanh chóng từ bỏ sự ảnh hưởng của Mỹ khỏi các nước chống đối ở Trung Đông.

Về đầu tư nước ngoài, từ năm 2008, Mỹ và Trung Quốc luôn vất vả nhằm ký kết một hiệp định đầu tư song phương, giờ đã đến vòng đàm phán thứ 24. Bernard Gordon nhận định trên tạp chí Foreign Affairs rằng Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ việc được tự do và có nhiều lợi ích khi đầu tư vào Mỹ hơn những gì Mỹ có thể hưởng khi đầu tư vào Trung Quốc. Trung Quốc phê chuẩn các khoản đầu tư giúp phát triển kinh tế của họ, tăng cường an ninh và thúc đẩy sự chế ngự toàn cầu. Họ gạt đi các khoản đầu tư vào một loạt lĩnh vực khác. Họ tạo thuận lợi cho các công ty địa phương hơn các công ty của phương Tây. Họ trợ cấp không công bằng cho doanh nghiệp, đặc biệt thông qua các công ty nhà nước.

Các công ty phương Tây thường phải chia sẻ công nghệ như một cái giá để được làm ăn tại Trung Quốc. Họ buộc các công ty như Google, Facebook và YouTube phải ra đi. Uber thì buộc phải bán lại cho một nhà cạnh tranh địa phương. Mỹ không có giới hạn nào như thế. Ông Obama không thành công trong việc đưa ra các luật lệ đầu tư nước ngoài tương ứng với Trung Quốc. Trung Quốc rất vui vẻ mua lại các công ty IT của Mỹ (và nhiều nước khác) trong nỗ lực trở thành nước hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Kết luận

Hầu hết giới quan sát sắc sảo đều đồng ý rằng cách tiếp cận kiểu bảo thủ kiểu mới của chính sách ngoại giao Mỹ là một thảm họa. Nhưng cách tiếp cận quyền lực khôn khéo của ông Obama, trong một nỗ lực để không phải là một Bush thứ hai, cũng đã thất bại. Ông Obama đã không cố gắng, hay đã không thể, bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong chính sách với Trung Quốc? Các giả định về quyền lực khôn khéo đã làm yếu sức mạnh Mỹ và vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á, và cũng có thể sẽ gây bất ổn, thậm chí khủng hoảng.

Điều cần thiết đối với chính quyền của ông Trump sắp tới là tìm kiếm một sự cân bằng nào đó giữa cương quyết và dĩ hòa trong chính sách đối ngoại./.

GS TS. Terry F. Buss, Học viện Hành chính quốc gia Mỹ

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/suyngam/neu-my-thoai-lui-trung-quoc-se-nhanh-nhau-the-cho-342655.html