Nếu không có điều chỉnh, quỹ BHYT nguy cơ mất cân đối sau năm 2018

Nhiều dịch vụ y tế cao được thanh toán BHYT

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-11, tại TP Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề "Bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững".

Tính đến hết tháng 6-2016, số người tham gia BHYT là 72,81 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2015, đưa tỷ lệ bao phủ BHYT lên 79% dân số. Cùng với việc gia tăng đối tượng tham gia BHYT thì quỹ BHYT cũng tăng đáng kể. Nếu năm 2011, tổng thu BHYT mới đạt hơn 31.800 tỷ đồng thì năm 2015 là hơn 59.600 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 là gần 32.700 tỷ đồng.

TS Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, người tham gia BHYT được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu và được chuyển tuyến theo yêu cầu chuyên môn, trên cơ sở phân tích kỹ thuật của mạng lưới khám chữa bệnh (KCB). Các cơ sở thực hiện KCB BHYT bao gồm các cơ sở nhà nước, tư nhân ở tất cả các tuyến như phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến huyện, tỉnh, trung ương. Năm 2016, toàn hệ thống BHXH đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 2.094 cơ sở y tế, trong đó có 1.676 đơn vị công lập, 418 đơn vị ngoài công lập… Đồng thời, BHXH cũng đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nhằm giảm dần việc cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế và chuyển sang hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHYT; cũng như thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời bảo đảm tính công bằng trong đánh giá hiệu quả hoạt động giữa các cơ sở y tế cả nước, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT và thúc đẩy việc tham gia BHYT…

Theo Bộ Y tế, người có thẻ BHYT ngày càng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ y tế, số lượt khám, chữa bệnh BHYT tăng từ 136,3 triệu lượt năm 2014 lên khoảng 150 triệu lượt năm 2015. Chính vì vậy, chi phí KCB BHYT cũng tăng từ 41.400 tỷ đồng năm 2014 lên khoảng 50.000 tỷ đồng năm 2015. Hầu hết, các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí đều được quỹ BHYT thanh toán.

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Trên 40% doanh nghiệp còn nợ, trốn đóng BHYT

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách BHYT của nước ta vẫn còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững, bao gồm cả tăng tỷ lệ bao phủ BHYT (hiện vẫn còn gần 20 triệu người chưa tham gia BHYT), thu - chi quỹ BHYT và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT…

Ông Hải cho biết thêm, chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2016, đã có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng, tăng 23 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo nếu không có điều chỉnh, quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn còn diễn ra khá phổ biến, theo thống kê có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để, chất lượng KCB BHYT chưa tạo yên tâm với người có thẻ, đặc biệt là tại tuyến cơ sở…

TS Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, thời gian qua, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT có chiều hướng gia tăng với nhiều hình thức khác nhau từ phía người tham gia BHYT và cơ sở KCB BHYT. Ngoài ra, lợi dụng chính sách thông tuyến, một số người tham gia BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày (hoặc trong thời gian ngắn) để lấy thuốc không nhằm mục đích sử dụng chữa bệnh cho bản thân. Bên cạnh đó, một số cơ sở KCB tổ chức thu gom người có thẻ BHYT từ các địa phương khác trong tỉnh đến khám sức khỏe/khám chữa bệnh, áp dụng các hình thức khuyến mãi bất hợp lý như tặng quà, tặng tiền. Đồng thời, chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh dẫn đến gia tăng chi phí, đặc biệt là các dịch vụ xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Ông Ngô Đông Hải cho rằng, để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra, phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển thì các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHYT và tự giác tham gia. Đồng thời, xây dựng lộ trình chuyển từ cấp ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT thông qua việc xây dựng cơ chế linh hoạt, bãi bỏ những quy định không cần thiết để có thể phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Từng bước mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người yếu thế, lao động trong khu vực phi chính thức, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các dùng đặc biệt khó khăn, vùng núi…

Lê Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_157577_ne-u-khong-co-die-u-chi-nh-quy-bhyt-nguy-co-ma-t-c.aspx