Nếu Hà Nội còn chần chừ sẽ tụt hậu và có lỗi với cả nước

Ngày 22/11, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp nông nghiệp…

Trang trại bò sữa và đồng cỏ công nghệ cao Ba Vì, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, là “mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn”, mỗi tháng trang trại cung cấp cho thị trường TP Hà Nội hơn 18 tấn sữa bò tươi đảm bảo an toàn, chất lượng (Ảnh: Vũ Sinh)

Có nhiều tham luận, ý kiến phát biểu thể hiện sự tâm huyết với việc xây dựng nền NNCNC cho Thủ đô, cũng như đưa ra những hiến kế về việc xây dựng một nền NNCNC xứng tầm. Một trong số đó là bài viết của GS.TS Đỗ Năng Vịnh - GS.TS Lê Huy Hàm - Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, NNVN xin được trích đăng.

Phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta hết sức lạc hậu, mang nặng tính phong kiến. Rất tiếc phải nói rằng sản xuất nông nghiệp ở Thủ đô Hà Nội vẫn nằm trong tình trạng chung đó. Thế nên mới đòi hỏi vai trò mở đường của Thủ đô Hà Nội.

Nông nghiệp đã được xác định là một trong các thế mạnh quốc gia. Hà Nội là nơi hội tụ các điều kiện KT-XH đầy đủ nhất cả nước để phát triển NNCNC, lại đang có cơ hội rất lớn khi thị trường tiêu thụ và thị trường du lịch của Thủ đô phát triển rất nhanh. Vì vậy, nếu Hà Nội còn chần chừ sẽ tụt hậu và có lỗi với cả nước.

Để phát triển NNCNC, Hà Nội nên bắt đầu với 2 phương thức là xây dựng Công viên NNCNC Hà Nội và Quy hoạch, xây dựng các khu NNCNC ở các địa bàn có thế mạnh đặc thù.

Quy hoạch và xây dựng các khu NNCNC ở các địa bàn có thế mạnh đặc thù có thể chia làm 4 nhóm:

Nhóm nông nghiệp rau quả sạch và rau hữu cơ cao cấp công nghệ cao:

Hà Nội nên tham khảo các mô hình phát triển nông nghiệp ở Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc gia đất hẹp người đông như nước ta. Họ tập trung trọng điểm phát triển nông nghiệp theo hướng tinh hoa. Trái cây, rau hoa quả, sữa, thịt, thủy hải sản sạch, hữu cơ, đang là nhu cầu và đòi hỏi rất lớn của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội có một không hai để phát triển NNCNC ở nước ta và Hà Nội.

Xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng đột phá, dự kiến có thể đạt 2,5 tỷ USD năm 2016. Hà Nội nên giữ vai trò hàng đầu cả nước về phát triển các kỹ thuật sản xuất rau hoa quả. Ngoài các vùng rau hoa truyền thống đã có, cần phải phải tổ chức lại; Hà Nội có những vùng đất đai rộng lớn, đất sạch, nước sạch, chưa bị ô nhiễm ven các sườn núi phía tây rất thích hợp cho phát triển công nghiệp rau hoa quả.

Nhóm cây ăn quả công nghệ cao:

Chưa bao giờ cây ăn quả đạt giá trị cao như hiện nay. Các giống cam, quýt, bưởi, chanh không hạt cho thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi ha đã trở nên phổ biến; các giống nhãn muộn, ổi, đại táo, chuối… có năng suất cao, chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn cạnh tranh xuất khẩu. Hà Nội nên sớm quy hoạch các vùng cây ăn quả công nghệ cao, đa dạng sinh học, quy mô từ trên 1.000ha đến 10.000ha.

Nhóm lúa gạo chất lượng cao:

Hà Nội đã và đang có các điều kiện cần và đủ để phát triển các dự án sản xuất lúa gạo liên xã, liên huyện, cơ giới hóa đồng bộ, gia công chế biến công nghiệp với quy mô dự kiến từ 5.000 đến 10.000ha. Sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đặc biệt là các giống Japonica mới, năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha, giá bán xuất khẩu trên 800 USD/tấn. Sản lượng lúa sẽ đạt 120.000 tấn/10.000ha/năm.

Nhóm chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao theo hướng hữu cơ:

Dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao theo hướng hữu cơ nên được quy hoạch ở các vùng trung du và miền núi phục vụ thịt, trứng, sữa chất lượng cao, tinh túy cho thị trường ngày càng giàu lên và du lịch ngày càng phát triển ở Thủ đô.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/neu-ha-noi-con-chan-chu-se-tut-hau-va-co-loi-voi-ca-nuoc-post181043.html