Nếu gã chồng có đến, làm lành và muốn bắt đầu lại thì cũng nên đối thoại kỹ!

Cháu muốn thoát ra. Thằng em chồng là sinh viên ở thành phố cũng khuyên cháu nên tìm một chỗ làm ăn cho mình kẻo ảnh hưởng tới việc học của con gái cháu sau này.

Cô Dạ Hương kính!

Cháu ở thị trấn nhỏ, vì hoàn cảnh mà phải lên thị xã kiếm sống, nuôi con. Ba chị em gái của cháu hồi nhỏ, cháu là chị lớn, xinh đẹp, má kỳ vọng nhất. Em kế cháu tính nết con trai còn em út lóng ngóng, ỷ lại, không làm gì ra hồn.

Vậy mà lớn lên, đường tình duyên cháu lận đận nhất. Đứa em tính con trai thì đi làm việc, có uy tín, được làm bà này bà kia ở huyện. Đứa em út lại giàu cô ơi, nó có thằng chồng tốt, giỏi, chúng nó có trang trại, có máy gặp đập liên hợp cho thuê, có hai chiếc tàu đò cho thuê, là ông bà chủ thứ thiệt.

Cháu lấy chồng, ông chồng không đến nỗi nào nhưng cái tật mê nhậu. Càng lớn tuổi càng thích nhậu. Cháu nói hoài, cằn nhằn, cho de, tái hồi, rồi cũng chứng nào tật nấy. Cháu tự đi làm kế hoạch, chỉ có bầu một lần rồi không dám đẻ nữa, không có con trai cũng kệ, hay hớm gì đàn ông con trai lớn lên trong cảnh cha lè nhè, mẹ đay nghiến, cắn đắn nhau.

Chồng cháu tính ra trình độ học thấp hơn cháu, hồi đó chỉ hết lớp 9 thì nghỉ. Nhưng nhà ông ấy lại ở thị trấn, ba má cháu ưng bụng, cháu không phải làm dâu xa. Gia đình buôn bán đồ nhôm đồ nhựa, nhà chật, chỗ để bán hàng và vựa đồ, ổng lại có tới bốn đứa em, bị thiểu năng một đứa, già ế một đứa con gái, đứa con trai áp út thì lông nhông phá của, chỉ có đứa em trai út ngoan, ham học.

Cô nghĩ, gia đình như vậy thì nhiều mâu thuẫn, chắc chắn vậy rồi. Chỉ được là không dãi nắng dầm mưa, thoát cảnh nhà nông thôi. Từ khi có cháu, ông chồng thấy dư người bán hàng, đi lăng quăng cà phê, đánh cờ, đánh bài. Sau nầy thì nhậu, thành cữ, rồi quen thân.

Cháu muốn thoát ra. Thằng em chồng là sinh viên ở thành phố cũng khuyên cháu nên tìm một chỗ làm ăn cho mình kẻo ảnh hưởng tới việc học của con gái cháu sau nầy. Cháu có người bạn thân đã lên thị xã lâu rồi, kêu cháu lên coi cửa hàng quần áo giày dép cho nó, ăn ngủ tại chỗ, không mất tiền thuê. Cháu cũng đã chuyển trường cho con suôn sẻ rồi cô.

Nhưng rồi thấy trống trải, cô đơn. Cháu bỏ đi vậy có phải không nữa. Một đứa em chồng thiểu năng đáng thương, một đứa em gái ế tội nghiệp, nó lo cơm nước cho ba má chồng rất được. Nhưng cháu sợ thằng lông nhông sẽ nghiện, rồi khổ lây. Còn ông chồng mê nhậu của cháu, cháu không hy vọng gì cả. Cô cho cháu lời khuyên đi cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Có một thứ tệ nạn âm thầm giết chết đàn ông con trai của mình. Ở đâu cũng thấy cảnh bê tha này. Nuôi gà đá, cắm mặt vào bàn cờ, quật bài thâu đêm và tệ nhất là nhậu nhẹt, văng mạng, tổn hại sức khỏe, kinh tế, tư cách, cuối cùng bị vợ con lánh xa. Không thể đổ lỗi cho nhà chật, hàng hóa choán hết, người nhà dư thừa mà bỏ lún công việc cho vợ con, chỉ ham vác cái thân đi, càng đi càng hư hốt.

Đã có thời vợ chịu đựng mãi. Bây giờ vẫn có những phụ nữ cam chịu khi bị bạo hành đó thôi. Có may mắn không nếu nói cháu có cậu em chồng có học và biết khuyên chị điều đúng đắn. Cái gia đình chồng của cháu họa may có cậu này là ánh sáng. Cậu thiểu năng đáng thương nhưng cậu ấy có người em gái (hay chị gái cháu không nói rõ) dù ế nhưng đầu óc bình thường, là người nữ công gia chánh trong nhà đó. Không hy vọng gì cậu em lông nhông chây ì kia, đúng, đã bê tha và vô công rồi nghề thì sớm muộn gì cũng nộp thân cho ma túy mà thôi. Đó là con đường của quy luật với những cậu chàng lười biếng mà gia đình lại ở phố thị, có cửa hàng, không động tay động chân thì cũng có ăn.

Biết bao phụ nữ ôm con mong chờ phép màu như cháu. Thôi thì đã có bạn hỗ trợ, đã chuyển trường cho con mà không bị cấm cản, bạo lực thì coi như chồng cháu cũng buông xuôi rồi. Rất nên cố gắng, đừng vì trống trải mà chông chênh, chàng này chàng nọ để bị bắt ghen và đánh ghen, khi ấy khát vọng tự do lại bị làm nhục. Dần dần ổn định rồi cháu sẽ thấy cái thị xã ấy có nhiều cơ hội để sống và nuôi con.

Rất nhiều khó nhọc khi một mình nuôi con dù chỉ một đứa. Vì vậy hãy bình tâm, nghiền ngẫm thêm nhiều. Nếu gã chồng có đến, làm lành và muốn bắt đầu lại thì cũng nên đối thoại kỹ. Nên xem đứa em chồng như em trai ruột, nó là chỗ dựa và là chiếc cầu cho con mình với nhà nội nó. Phải đúng mực thì mình không là người mang tiếng bạc và rồi, hậu vận sẽ mỉm cười.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/neu-ga-chong-co-den-lam-lanh-va-muon-bat-dau-lai-thi-cung-nen-doi-thoai-ky-post187461.html