Nếu chỉ xử mỗi Long An, quá bất công

Một sự cố khiến dư luận rúng động, làm xấu mặt bóng đá Việt Nam và Bộ VHTTDL phải có công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý, thì việc phạt nặng đội bóng Long An cùng các cá nhân mắc lỗi là đúng. Tuy nhiên, chỉ “đè” đội bóng này ra phạt thì bất công, khi họ cũng chỉ là “nạn nhân”.

Cầu thủ Long An từ chối bắt tay trọng tài sau trận đấu trên sân Thanh Hóa ở mùa 2015. Ảnh: H.A

Từ chối bắt tay và lá đơn “không thèm gửi”

“Cách thổi còi của trọng tài Phùng Đình Dũng khiến các cầu thủ bị ức chế. Cứ đụng vào cầu thủ Thanh Hóa là ĐT.LA bị phạt và trọng tài thổi thế thì có tài thánh mới không ức chế. Thổi như thế gây quá nhiều ức chế và bức xúc…” - hai năm trước, sau trận thua 3-4 đầy uất ức ở vòng 17 V.League 2015, HLV Ngô Quang Sang từng phát biểu.

Đó là trận đấu FLC Thanh Hóa ra mắt với việc nhà tài trợ gắn tên và chiến thắng gây tranh cãi khiến từ BLĐ, BHL đến cầu thủ khách đều bức xúc, phản đối sự thiên vị dành cho chủ nhà. Và ông Sang thậm chí còn huỵch toẹt : “Ở giờ nghỉ, chúng tôi phải làm công tác tư tưởng để kiềm chế cầu thủ không được phản ứng, tập trung vào chơi bóng. Tôi với GĐKT Huỳnh Ngọc San có nói với các em là đội chủ nhà ra mắt nhà tài trợ mới và do mới thua tại Cúp QG trước SHB.Đà Nẵng nên sẽ bằng mọi giá phải thắng trong trận này. Các em cần tập trung vào chuyên môn, tuyệt đối không tranh cãi hay phản ứng. Tuy nhiên, trọng tài thổi như thế thì sao các cầu thủ kiềm chế được, khi đang nóng đầu…”.

Trong khi đó, Chủ tịch Võ Thành Nhiệm cũng tố cáo trực diện với bức xúc: “Chúng tôi bị trọng tài xử ép. Khi Thanh Hóa dẫn 1-0, cầu thủ chủ nhà để bóng chạm tay trong vòng cấm nhưng trọng tài phạt ở ngoài. Cả trận đấu, trọng tài đã có những quyết định gây ức chế cho cầu thủ ĐT.LA. Cầu thủ của tôi mới đụng nhẹ, không hề phạm lỗi nhưng đối phương ngã ra là thổi còi. Trọng tài đã điều hành không tốt, gây bất lợi cho chúng tôi. Cách thổi như thế khiến cho các cầu thủ bị ức chế và rất khó đá…”.

Sau trận đấu, ĐT.LA đã quyết định viết đơn lên Ban trọng tài, Ban tổ chức để yêu cầu xem xét lại và tố cáo cách điều hành của trọng tài, vì “không ý kiến gì thì chẳng khác nào trọng tài muốn làm gì thì làm”, nhưng cuối cùng không gửi. Và có một hình ảnh đặc biệt xấu hổ trên sân Thanh Hóa, khi nhiều thành viên của đội khách trong đó có đội trưởng Tài Em từ chối bắt tay tổ trọng tài.

Đó không phải lần đầu tiên hay duy nhất đội bóng này phản ứng trọng tài ở mùa giải 2015. Mấy mùa giải gần đây, năm nào Long An cũng phản ứng bởi cho rằng bị ép và họ ám ảnh luôn bị trọng tài ghét, thổi ép vì quan điểm làm bóng đá sạch, không quan hệ hay cho tiền. Và đó chính là lý do ông Nhiệm từng tuyên bố công khai: “Không có cơ sở nhưng theo tôi nghĩ vẫn còn một số đội quan hệ với trọng tài để nhận được sự ưu ái, còn ĐT.LA chơi sòng phẳng nên không có quan hệ này kia”.

Đến những câu hỏi

“Tình huống thổi penalty đầu tiên giúp TPHCM nâng tỉ số lên 2-1 trong trận đấu vòng 6 V.League 2017, dù bóng chạm tay hậu vệ trong thế bị động chứ không phải cố tình và tình huống đó thổi hay không là nhận định của trọng tài, chúng tôi tôn trọng, không hề phản ứng gì cả. Thế nhưng sau đó không thể chấp nhận nổi, ép quá. Biết là phải chấp nhận cuộc chơi nhưng nếu có người kê súng vào đầu anh để bắn đoàng một cái, bảo chấp nhận thì các anh có dám, có thể chấp nhận không nào?

Phản ứng là sai và chịu thiệt khi bị phạt, nhưng không phản ứng không được, khi người ta ép lộ liễu, ngang nhiên đá bể nồi cơm của nhau như thế. Chúng tôi cần phản ứng để tất cả biết rõ, thấy được bóng đá của ta đang như thế nào. Trọng tài sai thì kỷ luật cho nghỉ 3 trận, 5 trận rồi lại làm tiếp, còn đội bóng chịu thiệt, thua oan uổng và có thể xuống hạng. Một mùa giải cả 3-4 chục tỉ đồng, xuống hạng là bao vấn đề và bao nhiêu con người bị ảnh hưởng, thế thì ai chịu trách nhiệm nào và các ông ấy có liên quan gì không?” - đội trưởng Quang Thanh đã bộc trực như thế sau sự cố trên sân Thống Nhất.

Thanh là mẫu cầu thủ lành tính, cư xử đúng mực và bao năm chơi bóng từ CLB đến ĐTQG chưa bao giờ bị điều tiếng. Thế nhưng với những gì diễn ra trên sân, cùng sự ức chế tích tụ lâu ngày với biết bao sự vụ liên quan đến trọng tài, Thanh đã đánh mất kiểm soát bản thân để rồi nhận án phạt nặng, coi như chấm dứt sự nghiệp trong tủi nhục.

Quang Thanh cũng là cầu thủ có mặt trên sân Thanh Hóa 2 năm trước, và không đồng ý bắt tay trọng tài sau trận đấu. Anh cũng như Chủ tịch Võ Thành Nhiệm, HLV Ngô Quang Sang hay rất nhiều đồng nghiệp chia sẻ từ khi sự vụ xảy ra, chấp nhận án phạt nhưng không phục, do không thể đấu tranh đòi công bằng khi “trọng tài sai, BTC sai thì ai xử?”.

Không thể không đặt câu hỏi với một quyết định của trọng tài, ở thời điểm sau phút 80 mà lâu nay dân bóng đá vẫn âm ỷ chuyện “thổi cho chủ nhà, cho khách và cho cả… nhà cái”, dù không thể bắt lỗi sai khi Trọng Thư thổi penalty, nếu chiếu theo luật và va chạm trên sân. Cũng không thể không hỏi khi V.League 2017 qua 6 vòng thì vòng nào cũng sự cố ầm ỹ mà trọng tài là tâm điểm, sau quá nhiều sự vụ tai tiếng vài mùa gần đây với không ít án kỷ luật lẫn nghi án.

Hỏi nhưng tất cả bất lực, khi chính Trưởng Ban trọng tài lại “cùng dây” và được đưa vào làm BTC và 5 năm trước từng bị cách chức khi bóng đá Việt Nam làm lại với việc cho ra đời VPF nhưng sau đó được lãnh đạo VFF “giải cứu”, đưa trở lại nắm giữ công tác trọng tài. Và mùa trước, khi ý kiến “trảm” ông Mùi để chấn chỉnh công tác trọng tài được đưa ra thì đến VFF cũng bất lực do lá phiếu của các ủy viên BCH giữ lại, do giữa các đội bóng với trọng tài quá nhiều sợi dây liên hệ.

Long An bị phạt vì lỗi không thể chấp nhận, không oan. Nhưng nếu chỉ “đè” Long An ra phạt vì sai thì bất công, khi cái sai của đội bóng gần như duy nhất ở V.League dám tuyên bố “chơi sòng phẳng” và sẵn sàng phản ứng, phản kháng với những cái sai đang được cả nền bóng đá đồng lõa, tìm cách “sống chung với lũ”.

Họ sai và phải trả giá, nhưng cái giá mà bóng đá Việt Nam phải trả lớn như thế nào sau một vụ việc, giờ không ai có thể trả lời.

GIANG ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/neu-chi-xu-moi-long-an-qua-bat-cong-641020.bld