'Nếu anh em đều làm tể tướng, việc triều đình sẽ ra sao'?

Ở Việt Nam, có lẽ tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ” xuất hiện khá sớm, chí ít gần 10 thế kỷ trước, sau thời đất nước giành được nền độc lập và xây dựng nhà nước quyền tự chủ, Trần Thủ Độ (1194 - 1264) đã tỏ ra rất nghiêm khắc với việc sử dụng người nhà trong bộ máy chính quyền.

Mà đây là các thí dụ: “Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, Quốc mẫu xin riêng cho một người làm câu đương. Thủ Độ gật đầu rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến, Thủ Độ bảo hắn: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”. Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa. Thái Tông có lần muốn cho anh ruột của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao”. Vua bèn thôi” (Đại Việt sử ký toàn thư -Tập 2, NXB Khoa học xã hội, H.1998, tr.34).

Như vậy có một điều tưởng như mâu thuẫn: khi thực hiện kế hoạch để nhà Trần thay thế nhà Lý, Trần Thủ Độ tìm mọi cách đưa nhiều người họ Trần vào triều giữ vị trí quan trọng; nhưng sau khi thiết lập nhà Trần, ông lại hạn chế sự tham gia của họ hàng, thân tộc vào bộ máy chính quyền? Tuy nhiên trên thực tế điều này dường như là hợp lý, có thể Trần Thủ Độ đã lường trước được việc đưa họ hàng, thân tộc vào bộ máy cai trị có thể đẩy tới hậu quả như thế nào. (Trong đoạn trích trên: Quốc mẫu hay Công chúa chính là Linh từ quốc mẫu và là vợ của Trần Thủ Độ; câu đương là một chức dịch hàng xã; trí sĩ là thôi làm quan, về nghỉ).

Hẳn là từ phạm vi rộng và căn cứ vào nhiều bằng cớ lặp lại trong lịch sử, nên tiền nhân có cơ sở để tổng kết ra câu thành ngữ “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, đồng thời cũng nhắc nhở qua một thành ngữ khác “Một người làm nên cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ hổ danh”. Đó là tổng kết từ góc độ quan hệ huyết thống vốn luôn được đề cao, như chúng ta vẫn nói: “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã”. Có thể khẳng định từ xưa đến nay, huyết thống luôn là yếu tố cơ bản nhất giữ vai trò gắn kết, tạo nên sự thống nhất, là chỗ dựa, là điểm tựa trong cuộc sống của mỗi người,… mà gia đình, dòng họ là hai đơn vị cộng đồng huyết thống tiêu biểu. Huyết thống không chỉ là yếu tố gắn kết, thống nhất mà còn là yếu tố xác định trách nhiệm của mỗi người với mọi người trong gia đình, dòng họ, nên việc giúp đỡ, hỗ trợ, đùm bọc, thu vén cho người trong gia đình, người cùng dòng họ đã trở thành một nghĩa vụ khó thoái thác. Cũng vì thế mọi người thường tự hào về tài năng, danh tiếng, địa vị xã hội của người cùng huyết thống; thường xấu hổ khi thành viên cùng huyết thống có hành vi tiêu cực trong xã hội, bị người đời lên án, phê phán hay nguyền rủa.

Ở Việt Nam thế kỷ XVIII, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) có ghi một sự kiện vào tháng 9 năm Đinh Hợi (1767): “Trịnh Sâm định phép xét dùng người trong họ tôn thất. Hạ lệnh cho viên quan giữ công việc phủ tôn nhân, xét kỹ xem người nào có thể cai trị nhân dân, xử trí công việc, thì đưa sang bộ Lại cất nhắc, nhưng mỗi năm không được quá 5 người” (Cương mục -Tập 2, NXB Giáo dục, H.1998, tr.675). Như vậy là khi xem xét, bổ nhiệm quan chức chính quyền, dù có là người trong họ tôn thất thì Trịnh Sâm vẫn căn cứ vào năng lực, và có khống chế về số lượng. Song cũng ở thời này, theo sách Cương mục thì vì được Trịnh Sâm sủng ái mà Tuyên phi Đặng Thị Huệ “ở trong cung xếp đặt công việc, bè đảng đều giữ địa vị trọng yếu” (Cương mục - Sđd, tr.756); và bà đã luôn chạy tội, dung túng để em trai mình trở thành một hung thần, nỗi khiếp sợ của quan lại, dân chúng kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ, đó là Đặng Lân (hay còn gọi là Đặng Mậu Lân).

Có thể nói Đặng Lân là con người điển hình cho hiện tượng dựa thế người nhà trong triều đình mà làm điều bậy bạ, càn rỡ. Như Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã viết: “Tĩnh vương đem nàng Quận chúa thứ hai gả cho Lân, các đồ trang liêm và của hồi môn, so với các triều trước nhiều gấp mười lần. Phủ đệ dựng ở phía Tây nam kinh thành Thăng Long, đồ ăn thức dùng đàng hoàng như một vị vương giả. Lân càng làm nhiều sự càn rỡ, nuôi trong nhà hơn trăm gia đồng, thường cho độ mũ đeo gươm, ra ngoài chợ phố đi nhung nhăng, uống rượu say đánh người bị thương, quan Kinh doãn không kiềm chế nổi. Mỗi khi Lân đi ra, đem theo đến hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước hò sau, lấp cả đường lối. Một lần nhân cơn tức giận, Lân giết nội giám là Sử thọ hầu, rồi cắm thanh gươm ở trước cửa để không ai dám vào bắt” (Tang thương ngẫu lục - Ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu, NXB Văn hóa thông tin - H.2000, tr.49-50).

Còn Hoàng Lê nhất thống chí thì viết: “Đặng Mậu Lân này vốn là một tên hung bạo… Hết thảy áo quần, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập kiểu theo đúng như của vua chúa. Thường ngày, Lân đem theo vài chục tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho họ nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu, Lân xẻo luôn đầu vú. Chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc cũng có người bị đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói” (Hoàng Lê nhất thống chí - Tập I, NXB Văn học, H.1984, tr.27). Vì hành tung như thế mà Đặng Lân được gọi là... “cậu trời”! Sau do Đặng Lân phạm trọng tội, Trịnh Sâm buộc phải bắt người này.

Tuy Đặng Lân đáng tội chết, nhưng khi Tuyên phi Đặng Thị Huệ hay tin liền khóc lóc xin chết thay em, Trịnh Sâm đã tha cho Lân tội chết và giảm xuống thành tội đi đày. Cũng theo Tang thương ngẫu lục thì “Lân xếp dọn nhà cửa, mặc áo tù đi ra khỏi kinh, nhà chức sự sắm sẵn xe thuyền ở bến sông Nhị Hà, y đem theo nàng hầu vợ lẽ rất nhiều, tiếng đàn sáo véo von không dứt. Ra đến nơi, quan địa phương phải làm nhà cửa cho y ở” (Sđd - tr.50). Sử cũ cho biết sau loạn “kiêu binh” Đặng Lân bị bắt giam và bị chết trong tù, song có lẽ vì tội ác “trời không dung, đất không tha” của Đặng Lân mà ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng đã “không thể” để y chết trong tù, trong tác phẩm Đêm hội Long Trì, ông hư cấu nên kết cục Đặng Lân phải chết dưới lưỡi gươm của Nguyễn Mại - viên tướng trẻ đã ra tay vì lẽ phải, vì công lý.

Về nguyên tắc, việc tuyển dụng, bổ nhiệm đòi hỏi phải chọn được người thật sự có năng lực về chuyên môn, vừa “có tài” vừa “có tâm”, nói cách khác là phải phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm. Lấy tiêu chí “người nhà”, coi việc thu vén cho người nhà là trách nhiệm với gia đình, họ hàng thì khi tuyển dụng, bổ nhiệm, người lãnh đạo sẽ thao túng tổ chức, bỏ qua mọi quy định phải tuân thủ. Rồi khi người trong gia đình, trong dòng họ đã được tuyển dụng, bổ nhiệm tỏ ra không phù hợp, không xứng đáng, thậm chí sai phạm thì dễ xuê xoa, bỏ qua. Đơn giản vì người ta khó có bản lĩnh và khó có đủ cương quyết để có thể kỷ luật… người nhà! Khi một lãnh đạo tuyển dụng hay bổ nhiệm người nhà, bỏ qua và bất chấp các quy định, là việc làm tiêu cực; đến khi người nhà tỏ ra không phù hợp, không xứng đáng, vi phạm kỷ luật thì việc bao che, dung túng như trở thành một logic tự nhiên, chí ít họ cũng phải làm thế nào để không mất mặt với gia đình, dòng họ. Còn phần người được tuyển dụng hay bổ nhiệm, tình trạng “nấp bóng, dựa hơi” người nhà để tác oai, tác quái cũng dễ xảy ra. Cứ như thế, cái sai nối tiếp cái sai, cái xấu nối tiếp cái xấu,… để bộ máy làm việc trở nên cồng kềnh, chất lượng công việc sa sút, nội bộ mất đoàn kết vì kéo bè kéo cánh, tài sản Nhà nước thất thoát, lỗ hà ra lỗ hổng, uy tín của tổ chức hoặc đơn vị giảm sút, cán bộ và nhân viên dần dà hao hụt niềm tin,… chỉ có “cả họ” của lãnh đạo là… được nhờ!

Dẫu thế nào thì hiệu quả công tác, uy tín của mỗi tổ chức, đơn vị trước hết vẫn phụ thuộc vào bộ phận lãnh đạo cùng chất lượng mọi mặt của cán bộ, nhân viên thuộc tổ chức, đơn vị ấy. Đường lối, các chủ trương, chính sách,… của Nhà nước được thực hiện ra sao, đất nước phát triển như thế nào,… đều trực tiếp liên quan toàn bộ hệ thống tổ chức, đơn vị từ trung ương đến địa phương, vào sự vận hành toàn bộ hệ thống các ngành nghề, các lĩnh vực hoạt động xã hội. Chính vì thế tài - đức luôn là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu trong bổ nhiệm lãnh đạo và cán bộ các cấp, tuyển dụng nhân viên của mỗi tổ chức, đơn vị. Mọi nhầm lẫn, lạm dụng đều có thể đưa tới hậu quả không lường.

Thiết nghĩ, không nên cực đoan đến mức kiên quyết loại trừ khỏi công tác bổ nhiệm, tuyển dụng quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”, vì như vậy dễ đưa tới khả năng vì đó là người “có họ” với lãnh đạo mà không bổ nhiệm, tuyển dụng được người thực sự tài - đức. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác với bổ nhiệm, tuyển dụng “người nhà”, nhất là khi trong tổ chức, đơn vị có số người “có họ” với lãnh đạo giữ tỷ lệ cao bất thường. Và về vấn đề này, cần xử lý trong tính hai mặt và thống nhất là: một mặt nâng cao, siết chặt, nhất quán nguyên tắc, quy trình bộ nhiệm, tuyển dụng; một mặt, phải làm cho mỗi người trước khi bổ nhiệm, tuyển dụng người nhà đều ý thức được điều tiền nhân đã dạy: “Một người làm bậy cả họ hổ danh”.

NH - 11/2016
Nguyễn Hòa

Từ khóa

anh em tể tướng triều đình ra sao

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/neu-anh-em-deu-lam-te-tuong-viec-trieu-dinh-se-ra-sao/139714