Nét văn hóa ở một “làng quân nhân”

(CATP) “Hàng ngày, sau thời gian làm việc vất vả, trở về đây tự nhiên lòng tôi thấy thư thái anh ạ”, đại tá, thạc sĩ Nguyễn Văn Lan, cán bộ Trường sĩ quan lục quân 2, nói về khu tập thể của nhà trường như thế và đó cũng là cảm tưởng của hơn một ngàn cán bộ, cựu chiến binh ở đây. Từng là nơi chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, với những địa danh một thời máu lửa như: Căn cứ Nước Trong, vùng trắng của trường biệt kích, ngã ba Thái Lan... sau ngày giải phóng, trường được tiếp quản vùng đất này để làm khu gia binh cho sĩ quan. Lúc đầu không ít người thấy ngao ngán trước vùng đất rộng, cỏ cây hoang dại mọc um tùm, mấp mô những ụ súng, những hố bom sâu, hố pháo và đây đó còn sót lại vật nổ. Ngày đó tâm trạng của mọi người khi nhận đất xây dựng đều lo lắng, không biết làm sao để dựng nổi nhà, vì thời bấy giờ lương cán bộ chỉ đủ sống, giá vật liệu khá cao.

Nhưng ban giám hiệu nhà trường đã quyết tâm xây dựng vùng này thành khu phố văn hóa. Vậy rồi theo thời gian, những ngôi nhà mọc lên, không phải nhà cao tầng nhưng không gian đẹp, tạo nên những khu phố mang bản sắc của làng đô thị hiện đại ở Việt Nam. Có lẽ hiếm khu phố nào dân cư đoàn kết như ở đây, tuyệt nhiên không có sự xích mích giữa các hộ gia đình. Sau giờ làm việc, đặc biệt là ngày nghỉ, cán bộ, sĩ quan thường ghé thăm nhà nhau, không phải tổ chức các cuộc nhậu nhẹt mà bàn cách xây dựng khu phố đẹp, không có tệ nạn xã hội, động viên con em học hành giỏi, giúp đỡ gia đình khó khăn, gia đình chính sách có chồng, vợ đi học xa.

Một đoạn đường khu gia đình của Trường sĩ quan lục quân 2
Ảnh: HUỲNH NHỨT LINH

“Làng quân nhân” bây giờ đã hình thành 10 khu, với hơn 1.500 hộ và tổ chức làm 42 tổ dân phố, là nơi ở của phần lớn giảng viên Trường sĩ quan lục quân 2. Trình độ học vấn 98,9% đại học, trong đó có 254 thạc sĩ, 44 tiến sĩ, 5 phó giáo sư. Để có được kết quả đó, nhà trường đã có rất nhiều chính sách ưu đãi đối với đội ngũ giảng viên, đặc biệt đã hỗ trợ kinh phí cho những người đi học để nâng cao trình độ sau đại học tại các học viện, trường trong và ngoài quân đội. Vì thế, mọi người đều phấn đấu học hành cầu tiến bộ để nâng tầm trí tuệ của mình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo. Chính từ đây đã hình thành nét văn hóa gắn bó, đoàn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống đời thường ở “làng quân nhân”. Những ai đã từng đến đây đều cảm nhận khu gia đình Trường sĩ quan lục quân 2 được quy hoạch theo hướng phát triển đô thị hiện đại với các con đường rải nhựa, lòng đường rộng từ 8m đến 10m, có khu rộng 12m đến 14m.

Ngoài việc cấp đất cho cán bộ, giảng viên... làm nhà, nhà trường đã dành một phần đất để xây dựng trường học, nhà trẻ, bệnh xá, sân thể thao tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành, đi lại, chữa bệnh, vui chơi giải trí của trẻ em. Những trục đường thẳng tắp trải nhựa, hai bên có không gian trồng cây, hệ thống điện thắp sáng, hệ thống loa truyền thanh nội bộ được phủ kín toàn khu. Các biển báo giao thông, hệ thống thoát nước tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện. Công tác phối hợp giữa quân và dân trong việc thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội hết sức chặt chẽ và hiệu quả. Thông qua đó nhà trường nắm chắc tình hình, có phương án phối hợp hoạt động xây dựng địa bàn an toàn, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Từ bãi chiến trường xưa bây giờ đã trở thành “làng quân nhân” (xã Tam Phước, TP. Biên Hòa - Đồng Nai) với những nét văn hóa đặc sắc được lan tỏa từ truyền thống của một trường anh hùng. Đây là môi trường thuận lợi góp phần ổn định hậu phương gia đình để cán bộ, giảng viên nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo sĩ quan tương lai.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=499488&mod=detnews&p=