Nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội ở Nam Định

Nam Định là mảnh đất địa linh, giàu truyền thống văn hóa, có nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa.

Các lễ hội ở Nam Định vừa mang yếu tố tín ngưỡng, vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân và cộng đồng, thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.

Phát huy giá trị văn hóa lễ hội

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT&DL) Nam Định, toàn tỉnh có hơn 100 lễ hội được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch hằng năm, tập trung ở các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên và Hải Hậu. Nhiều lễ hội mùa xuân được tổ chức với quy mô lớn như: Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), lễ hội hoa làng Vị Khê (Nam Trực), lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường)… Các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng, tiết kiệm, văn minh, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách trong nước, quốc tế.

Lễ hội Đền Trần được tổ chức ngày càng quy củ, đảm bảo an ninh và ý nghĩa tâm linh.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần ở TP Nam Định được tổ chức vào dịp đầu xuân mới nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều Trần. Ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Trần cho biết: “Các nghi lễ tại di tích đền Trần từ lâu đã lưu giữ được các phong tục cổ truyền của dân tộc, tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng, nội dung lịch sử được thể hiện sống động và sâu sắc”. Theo ông Hoạt, các cấp địa phương đã quan tâm tôn tạo, bảo tồn và phát huy đúng nét đẹp nhân văn của lễ hội, giúp cho mọi người có cái nhìn đẹp khi ghé thăm đền Trần-Nam Định và người dân tự hào về quê hương của mình.

Trước khi lễ khai ấn được tổ chức, vào ngày mùng 2 tháng Giêng, Ban quản lý Khu di tích đền Trần thực hiện nghi lễ xin mở ấn để in các lá ấn phục vụ cho lễ khai ấn. Nội dung lá ấn bao gồm các chữ: “Trần miếu tự điển tích phúc vô cương” (có nghĩa là đền Trần ban phúc lộc đầu năm). Sau khi lễ khai ấn được thực hiện bởi 14 cụ cao niên thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng) kết thúc, khách thập phương vào đền Thiên Trường để tế lễ, xin lá ấn với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài. Phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phong phú, độc đáo như: chọi gà, diễn võ 5 thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa Bài Bông… Lễ khai ấn đền Trần là một hoạt động văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục thế hệ sau truyền thống yêu nước và đạo lý uống nước nhớ nguồn; đồng thời cũng là niềm tự hào của người dân Nam Định từ bao đời nay.

Về huyện Vụ Bản (Nam Định) vào đêm mồng 7 và sáng mồng 8 tháng Giêng, du khách được tham dự lễ hội Chợ Viềng xuân “Năm có một phiên” gắn với di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy, là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Trước khi vào chợ mua sắm lấy may, người dân đều dự lễ hội. Các sản phẩm được đem ra mua bán chủ yếu là cây cảnh, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồ cổ, các sản phẩm đúc đồng, mỹ nghệ, mây tre đan… Người bán ai cũng muốn bán được sản phẩm và khách chơi chợ ai cũng muốn mua một thứ gì đó.

Với ý nghĩa bán lấy may, mua lấy may nên ở chợ Viềng người bán không nói thách, người mua cũng không mặc cả bởi nếu “băn khoăn” về giá cả thì sẽ mất đi ý nghĩa linh thiêng. Chợ Viềng xuân trở thành một lễ hội chợ truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng châu thổ sông Hồng. Mỗi năm, chợ Viềng thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương về du xuân, mua sắm chơi hội…

Tăng cường quản lý

Để từng bước khôi phục những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa phục vụ nhân dân và du khách thập phương về với các lễ hội, Sở VH-TT&DL Nam Định đã có công văn gửi các huyện, thành phố nhằm tăng cường quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội. Đặc biệt, yêu cầu các huyện, thành phố bảo vệ và phát huy các giá trị các di tích lịch sử văn hóa, không để tình trạng xây dựng, tu sửa tôn tạo di tích, tiếp nhận công đức bằng hiện vật vào di tích khi chưa được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, hành khất, trộm cắp, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá hàng hóa dịch vụ, chèo kéo khách…

Sở VH - TT & DL Nam Định cho biết, để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa dân gian trong các lễ hội, hằng năm, Sở đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố bám sát quy chế mở hội, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của di tích cho nhân dân và khách thập phương, đảm bảo an ninh trật tự và cảnh quan môi trường văn hóa trong lễ hội. Qua gìn giữ và bảo tồn, nhiều địa phương đã thành lập các CLB văn nghệ, CLB thể thao dân gian duy trì sinh hoạt thường xuyên, trở thành nòng cốt biểu diễn, thi đấu trong các lễ hội.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nam Định cho biết: “Công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, trang nghiêm và an ninh trật tự, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân”.

Trước mùa lễ hội, UBND tỉnh Nam Định trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh để nâng cao ý thức cho người tham gia lễ hội.

Tăng cường quản lý giá trông giữ phương tiện, hàng quán, dịch vụ xung quanh khu vực lễ hội; vệ sinh môi trường và đặc biệt là tuyên truyền nâng cao ý thức du khách thập phương khi thực hành nghi lễ, không tạo điều kiện cho các hành vi trái pháp luật như nạn mê tín dị đoan, ấn giả, phe ấn... Nhờ công tác quản lý, tổ chức chặt chẽ, các lễ hội bảo đảm hoạt động văn minh, lịch sự, ý nghĩa và thành công.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/net-dep-van-hoa-truyen-thong-trong-le-hoi-o-nam-dinh-20160428161430099.htm