Nét đẹp của lớp học tình thương

Trong sự tất bật của cuộc sống đô thị, với những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền thì ở đâu đó trên địa bàn Thủ đô vẫn còn có không ít những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mang cái chữ, cái đẹp cho những trẻ em nghèo, những trẻ em vô gia cư... góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đó là lớp học tình thương của cô giáo Nguyễn Thị Côi với khoảng 12 – 15 em nhỏ bậc tiểu học ( phường Trương Định, Hai Bà Trưng) với căn phòng rộng chừng hơn chục mét vuông tại gác 2 nhà số 7 ngõ Giếng Mứt. Hay như lớp học “Hướng thiện” của người thầy giáo già Nguyễn Trà (phường Phương Liên, Đống Đa); lớp học của cô Phạm Thị Huyền ( phường Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân).

Lớp học nhỏ của cô bắt đầu từ 3 bộ bàn ghế nhỏ cho học sinh, bảng phấn, sách vở... được đổi từ bộ bàn ghế salon cũ của gia đình. Để có sách giáo khoa cho học sinh, cô giáo đến nhà các cháu khác trong phường để xin sách cũ...Cô gõ cửa từng nhà, động viên từng em đến lớp - công việc tưởng chừng như chỉ những giáo viên vùng cao phải làm.

Lớp học từ thiện của thầy giáo Nguyễn Trà (Đống Đa – Hà Nội).

Phần lớn, những đối tượng học sinh theo học ở lớp học từ thiện là những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hoặc xa rời sự quản lý, giáo dục của gia đình, đã từng chít chát, cờ bạc, gây gổ đánh nhau giỏi hơn học hành.

Vì thế, phương pháp giảng dạy cũng như mục tiêu của lớp học phải có sự phù hợp nhất định. Khi đó, những người thầy, người cô không chỉ đơn thuần chỉ là chuyển tải kiến thức mà còn bằng chính lòng nhân ái của mình để dạy học sinh về giao tiếp xã hội, động viên chia sẻ với các em. Ai cũng hiểu, dạy chữ đã khó, dạy làm người còn khó hơn rất nhiều nhưng đâu đó, giữa Thủ đô ồn ào, náo nhiệt vẫn có những người lái đò tình nguyện chở chữ qua sông.

Và cô Huyền, cô Côi, thầy Trà... chỉ là một trong số rất nhiều những “người lái đò” thầm lặng giữa Thủ đô Hà Nội đó. Họ không chỉ góp phần phát triển một mô hình đầy tính nhân văn và ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xây dựng Thủ đô phát triển bền vững mà hơn thế nữa, đây còn đại diện cho một nét đẹp thuần hậu, khiêm nhường và thanh lịch của người Tràng An rất đáng được tôn vinh và nhân rộng.

Tuệ Liên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/net-dep-cua-lop-hoc-tinh-thuong-45720.html