Nên thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử với công dân một số quốc gia nhất định

Cho rằng việc quy định đối tượng áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử cho tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là quá rộng, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về đối tượng điều chỉnh theo hướng thí điểm áp dụng với công dân một số quốc gia nhất định.

Chiều 9-11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu rõ, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh… Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, trong đó có việc xây dựng và triển khai cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo dự thảo Nghị quyết, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực điện tử sẽ truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để in thị thực.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, quy định cấp thị thực điện tử như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư, giúp công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh được nhanh chóng. Tuy nhiên, việc cấp thị thực điện tử nêu trên chưa được quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm chủ trương này là cần thiết.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc thí điểm để tiến tới áp dụng hình thức thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại mà còn tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi nước ta đang chủ động hội nhập quốc tế; tiến tới bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi và tiết kiệm trong việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh đánh giá, các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng về hội nhập quốc tế; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự thống nhất với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật; cơ bản không trái với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, về đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc quy định đối tượng áp dụng thí điểm là tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là quá rộng, sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; điều kiện về nhân lực, vật lực của nước ta trên thực tế còn nhiều khó khăn.

Do vậy, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về đối tượng điều chỉnh theo hướng thí điểm áp dụng với công dân một số quốc gia nhất định theo nguyên tắc có đi có lại (với những quốc gia đã áp dụng thị thực điện tử với công dân Việt Nam) hoặc với các nước có quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam. Sau thời gian thí điểm sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc xác định đối tượng điều chỉnh và lộ trình thực hiện như vậy vừa bảo đảm thận trọng, phù hợp với tính chất của việc thí điểm, vừa phù hợp với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết cấp thị thực, tiến tới thực hiện việc cấp thị thực điện tử theo Chương trình quốc gia của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, đảm bảo về thời gian để Chính phủ tập trung chuẩn bị về nhân lực, vật lực để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng lưu ý, nội dung của dự thảo Nghị quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực như đầu tư, lao động, du lịch, an ninh… Do vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ để tránh chồng chéo, trùng lắp với các quy định có liên quan của các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị bỏ quy định tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết về phí cấp thị thực điện tử, vì đã có Luật Phí và lệ phí. Yêu cầu quy định rõ hơn về cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Bổ sung quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng là những cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và có báo cáo bổ sung để làm rõ căn cứ quy định về thời hạn thị thực điện tử là 30 ngày tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31218502-nen-thi-diem-ap-dung-cap-thi-thuc-dien-tu-voi-cong-dan-mot-so-quoc-gia-nhat-dinh.html