NỀN TẢNG CHO PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội hôm 22-5. Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội; một trong những vấn đề trọng tâm được Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bàn thảo, thông qua.

Vấn đề nổi cộm hiện nay mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm không chỉ trong kỳ họp lần này mà trong rất nhiều kỳ họp trước được đề cập chính là những bất cập, tồn tại, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản trị kinh tế quốc gia của cả hệ thống chính trị và của các cơ quan hành chính Nhà nước. Việc tạo dựng một quốc gia vận hành có “kỷ cương phép nước”, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội luôn là mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, của các đại biểu khi thảo luận, thông qua các điều luật. Tuy nhiên, trong thực tế, “độ trễ” của việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn luôn tồn tại trong nhiều kỳ họp, làm chậm bước tiến của cả nền kinh tế, xã hội. Chưa nói việc nghị định, thông tư “đá chéo chân nhau” khiến cho việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cản trở.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV . Ảnh: TTXVN

Vậy câu hỏi về sự bất cập trong xây dựng và ban hành luật, trong giải quyết các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, tạo dựng khung khổ pháp lý hiện nay do đâu? Có phải do trình độ lập pháp hay do các đại biểu chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong xây dựng luật, hay các vấn đề lợi ích chi phối dẫn đến việc ban hành, triển khai, giải quyết những vấn đề khúc mắc, nảy sinh trong cuộc sống chưa được như kỳ vọng?

Vì thế, kỳ họp lần này, cử tri và nhân dân mong muốn những tồn tại trên sớm được tháo gỡ, nhất là khi Quốc hội đặt trọng tâm vào công tác lập pháp. Song, để những “nút thắt”, “điểm nghẽn” này được giải quyết trong thực tế đời sống, từng đại biểu Quốc hội phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, trí tuệ trong xây dựng luật, phát huy tinh thần đoàn kết để giải quyết hiệu quả các vấn đề "nóng" mà cuộc sống đặt ra, trên tinh thần thật sự vì đất nước, vì nhân dân. Mặt khác, người dân cũng phải đoàn kết, tuân thủ các quy định pháp luật, không “ly tâm” với các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phải luôn vì mục tiêu chung trên tinh thần xây dựng, đóng góp, để các quy định của pháp luật khi triển khai vào cuộc sống đạt kết quả cao nhất; góp phần khắc phục, sửa chữa kịp thời những khuyết điểm, yếu kém, bảo đảm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả.

HOÀNG GIA MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nen-tang-cho-phat-trien-dat-nuoc-508067