Nên sửa gì ở việc xét chọn tác phẩm?

Nâng cao hơn vai trò của giới chuyên môn trong việc xét chọn tác phẩm. Mở thêm những kênh tham khảo của giới nghề, của dư luận, công chúng và các đơn vị làm công tác văn học, nghệ thuật. Cân nhắc và linh hoạt hơn khi áp tiêu chuẩn phải có các giải thưởng trước đó… Đó là những vấn đề mà việc xét chọn giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước nên lưu tâm hơn.

Việc xét trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) thời gian qua thu hút mối quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là giới văn nghệ sĩ, báo chí, bản thân các tác giả được đề nghị xét giải, cùng thân nhân những tác giả được đề nghị nhưng đã quá cố. Đây là phần thưởng vinh dự của đất nước, có tính chất ghi nhận cả một đời sáng tạo nghệ thuật với những cống hiến nổi bật của các tài năng văn học nghệ thuật. Vì lẽ đó mối quan tâm và cả nhiều ý kiến khác nhau, ý kiến phản biện đối với quy trình xét chọn, kết quả xét chọn được công bố là lẽ bình thường.

Nhận ra những hạn chế, bất cập nhất định trong quy trình, điều kiện xét chọn, các cơ quan như Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ đã có những ý kiến chỉ đạo, định hướng cho việc điều chỉnh, sửa đổi. Và trước đó đã có không ít băn khoăn, góp ý, kiến nghị từ giới nghề. Đáng mừng khi ngành văn hóa cũng đã có chủ trương điều chỉnh trong thời gian tới. Công việc này rất nên đón nhận đông đảo ý kiến của văn nghệ sĩ, báo chí và xã hội.

Theo Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT, ngoài các giá trị và tác dụng to lớn đã chứng minh trong thực tế, tác phẩm gửi dự xét chọn phải đạt được tiêu chuẩn là đã được tặng giải nhất, giải vàng, giải A hay giải cao của một cuộc thi, liên hoan, triển lãm cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức, hay ở cấp quốc tế, hoặc giải của hội VHNT chuyên ngành trung ương. Mặc dù các giải đó đều rất đáng kể, là xúc tác quan trọng khi xét chọn tác phẩm. Nhưng không nên bắt buộc lấy đó làm “chỗ dựa” để bỏ qua những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đã được công chúng đón nhận rộng rãi qua thời gian.

Với những trường hợp tác phẩm không có giải như trên, thì nên bình xét, đánh giá thêm ở những khía cạnh khác. Như lấy ý kiến từ hội đồng chuyên môn của hội VHNT chuyên ngành trung ương và các chuyên gia uy tín cao trong giới học thuật. Đồng thời, các NXB, các đài truyền hình, rạp chiếu phim, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng… cũng có thể là một kênh tham khảo hữu ích khi đó là nơi in ấn, phát hành, phát sóng, biểu diễn, trưng bày các tác phẩm trên và đón nhận được những phản hồi từ công chúng.

Ngoài ra, yếu tố chuyên môn rất cần được chú trọng hơn trong việc xét chọn tác phẩm. Biết rằng, toàn bộ quá trình xét chọn phải có tổ chức, có sự tham gia của một số ban ngành, bộ phận liên quan ở các tỉnh, các hội VHNT chuyên ngành trung ương, cũng như ở cấp Bộ VHTT&DL. Nhưng rất nên, đưa các đại diện trên vào các vị trí tổ chức, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện cho việc xét chọn. Còn riêng về bình giá, xét chọn, duyệt tác phẩm có xứng đáng hay không, có tiếp tục được trình lên hội đồng chuyên môn cao hơn hay không, hãy để chính các nhà chuyên môn thực hiện. Nhất là tác phẩm thuộc chuyên ngành, bộ môn nào thì nên có người thẩm định, xét duyệt theo đúng chuyên ngành, bộ môn đó.

Công tác xét chọn giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước có vai trò “đầu tàu” và xuyên suốt rất quan trọng của Bộ VHTT&DL. Nhưng cũng liên quan đến vấn đề chuyên môn, các hội VHNT chuyên ngành trung ương rất cần phát huy mạnh hơn vai trò thẩm định về chuyên môn và tiếng nói góp ý, đề xuất của mình. Đặc biệt trong những trường hợp cần khẳng định giá trị tác phẩm và đóng góp của các văn nghệ sĩ có uy tín lớn trong giới nghề, trong sự đón nhận, hưởng ứng của công chúng, khi mà những tác giả, tác phẩm đó vẫn đặt giữa sự băn khoăn, lưỡng lự.

Và không chỉ với những trường hợp văn nghệ sĩ hay thân nhân của họ đề nghị, giới thiệu tác phẩm dự giải. Mà rất nên có sự chủ động đề xuất, giới thiệu từ các hội VHNT địa phương, Trung ương, Bộ VHTT&DL với những trường hợp tác giả, tác phẩm lớn, có uy tín trong nghề. Và như vậy, không thể thiếu sự quan sát cặn kẽ vào đời sống VHNT để nhận ra những tác phẩm, tác giả được đông đảo công chúng yêu mến qua nhiều năm, nhiều thế hệ.

Và rộng hơn nữa, có nên chăng, khi coi chính công chúng rộng rãi cũng là một kênh tham khảo, trưng cầu ý kiến đối với các tác phẩm được đưa vào diện xét chọn. Đương nhiên, không dễ để bao quát hay sàng lọc những cảm nhận, đánh giá đa chiều từ nhiều tầng lớp, thành phần khán thính giả, công chúng, bạn đọc khác nhau trong xã hội. Nhưng chính sự thẩm định đa dạng từ xã hội hôm nay cũng sẽ ít nhiều cho thấy sự tồn tại và sức sống của các tác phẩm.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/antuong/item/32249102-nen-sua-gi-o-viec-xet-chon-tac-pham.html