Nên sớm xây dựng quy chuẩn riêng về nước mắm

Thông tin từ các DN sản xuất nước mắm cho thấy, sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc có hàm lượng thạch tín (asen) vượt ngưỡng cho phép đã gây thiệt hại cho các ngành sản xuất nước mắm truyền thống cũng như gây hoang mang với người tiêu dùng.

Theo bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc: Ngày 17/10, Vinastas và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công bố kết quả thử nghiệm asen cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định. Hàm lượng asen tổng của mẫu không đạt dao động từ trên 1mg/l đến 5mg/l. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế tại QCVN 8-2:2011/BYT thì giới hạn asen trong nước chấm là 1mg/l. Cũng theo quy định này, lượng asen vô cơ (chất công nghiệp, cho vào sản phẩm, sử dụng liều cao gây ung thư, tử vong) mà cơ thể có thể chấp nhận tạm thời là 0,015mg/kg thể trọng, chứ không phải asen hữu cơ. Để có thể đưa lượng asen 0,75mg vào cơ thể, người tiêu dùng phải sử dụng đến 0,75 lít nước mắm/tuần. Đó là chưa kể việc thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện có asen vô cơ. Điều này cho thấy, các asen đã phát hiện ra trong 101 mẫu là asen hữu cơ, như vậy là nước mắm vẫn an toàn. "Khảo sát của Vinastas không rõ ràng khiến một số DN bị khách hàng tạm dừng nhập hàng, thậm chí bị từ chối” - bà Liên nhấn mạnh.

Sản xuất nước mắm tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Vũ Sinh

Bức xúc trước kết quả khảo sát vừa được Vinastas công bố, ông Trương Quang Hiến - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết nêu rõ: Vinastas nêu thông tin nước mắm có asen vượt ngưỡng, nhưng không nói rõ ràng đây là asen hữu cơ hay vô cơ. Hơn nữa, nhiều sản phẩm nước mắm truyền thống như Phú Quốc đã là thương hiệu quốc gia, được dán nhãn chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu tại nhiều thị trường nước ngoài, được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu. Việc Vinastas lập lờ như vậy sẽ khiến người tiêu dùng hạn chế sử dụng nước mắm, điều này sẽ giết chết nghề truyền thống, ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu quốc gia.

Được biết, để làm rõ thông tin này, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương và Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ đề nghị đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý, cách tiếp cận, phương pháp sử dụng, cách đánh giá kết quả khảo sát của Vinastas.

Theo các chuyên gia kinh tế, thủy sản, để ngăn chặn thông tin chưa chính xác đòi hỏi Bộ Y tế bên cạnh việc đã ban hành các quy chuẩn về giới hạn kim loại nặng và vi sinh, nên sớm xây dựng quy chuẩn riêng về nước mắm, kể cả nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp. Trong đó có 3 nội dung cần đặc biệt quan tâm: Định nghĩa thế nào là nước mắm; Quy định chỉ tiêu asen vô cơ (thay cho quy định asen tổng số); Quy định bắt buộc phải ghi hàm lượng Nitơ amin trên nhãn sản phẩm… Qua đó giúp DN công khai minh bạch các chỉ số liên quan đến sản phẩm này, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời khẳng định được chất lượng và thương hiệu của nước mắm Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nen-som-xay-dung-quy-chuan-rieng-ve-nuoc-mam-257874.html