Nên mua thăm dò chưa?

2 thông tin lớn mà nhà đầu tư chờ đợi đến nay chưa có lời giải là tiến trình thoái vốn của SCIC tại Vinamilk và việc FED có tăng lãi suất hay không.

Thị trường chứng khoán tiếp tục có thêm một phiên giảm điểm. Sự ủ rũ bao trùm cả thị trường khi sắc đỏ áp đảo sắc xanh, nhiều cổ phiếu giảm mãi chưa thấy dừng dù VnIndex nếu loại trừ sự ảnh hưởng của cổ phiếu ROS đã về vùng mà nhiều chuyên gia phân tích gọi bằng từ: Chứng khoán đã quá rẻ để mua.

Thị trường chùng lại trước 2 thông tin lớn chưa có lời giải

2 thông tin lớn mà nhà đầu tư chờ đợi đến nay chưa có lời giải là tiến trình thoái vốn của SCIC tại Vinamilk và việc FED có tăng lãi suất hay không.

Vì sao dòng tiền lại chờ đợi 2 sự kiện lớn này?

Thứ nhất, việc thoái vốn của SCIC tại Vinamilk. Thời gian gần đây, cổ phiếu VNM của Vinamilk đã giảm rất sâu so với đáy nhưng vẫn đang ở mức cao so với thời điểm trước khi có thông tin SCIC thoái vốn. Hiện, cổ phiếu này giao dịch cầm chừng quanh mức giá 135.000 đồng/cổ phiếu. Vinamilk là một cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán và cũng là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư yêu chuộng.

Tuy nhiên, có mua cổ phiếu này giai đoạn này hay không còn phụ thuộc rất nhiều ở kết quả thoái vốn 9% của SCIC tại Vinamilk. Nếu thoái thành công và Vinamilk có thêm những cổ đông "tốt" thì Vinamilk sẽ như được chắp thêm đôi cánh và cổ phiếu VNM vì thế cũng sẽ thăng hoa. Chênh lệch giá trên sàn và giá thoái vốn hiện tại là một lực cản lớn cho sự hấp dẫn của cổ phiếu VNM trong kỳ thoái vốn này nhưng cũng là một cơ hội cực lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn "đu" theo sóng cổ phiếu VNM nếu thoái vốn thành công.

Việc thoái vốn có thành công hay không vẫn còn là ẩn số, phải đến ngày 12/12 mới có thể phần nào biết được ai thực sự muốn mua Vinamilk. Tiền cũng chờ đợi cơ hội này nên thanh khoản cổ phiếu VNM hiện không có gì đáng chú ý và giá cũng loanh quanh không có sự bứt phá.

Sự kiện lớn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nữa là sự kiện FED sẽ họp bàn việc có tăng lãi suất vào ngày 14/12 tới đây hay không. Ảnh hưởng có thể có trực tiếp của sự kiện này lên kinh tế Việt Nam đó là vấn đề tỷ giá và dòng vốn ngoại. Còn gián tiếp, thị trường chứng khoán thông thường sẽ có phản ứng từ trước khi sự kiện diễn ra và đến ngày sự kiện diễn ra thì biến động mạnh.

Nhà đầu tư vẫn chưa quên thông thường thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng ra sao trước những sự kiện lớn của kinh tế thế giới như các đợt FED tăng lãi suất trước đó, Brexit hay gần đây nhất là vụ bầu cử Mỹ. Khi thông tin chính thức vừa qua đi thì thường thị trường chứng khoán lại phản ứng ngược lại do đã có thời gian dài trước đó phản ánh vào giá.

Tiền trên thị trường có nhiều không?

Có một cách nhìn để đo lượng tiền trên thị trường chứng khoán thời điểm này. Đó là nhìn vào dư mua cổ phiếu SAB của Sabeco. Sabeco lên sàn và được đánh giá là có tiềm năng tăng giá cổ phiếu mạnh. Cùng với nhận định này, dòng tiền tìm đến đặt mua cổ phiếu SAB cũng rất lớn.

Phiên hôm qua, khi SAB chào sàn, có lúc, cổ phiếu này nhận dư mua trần hơn 6,1 triệu cổ phiếu tương đương số tiền chờ mua cổ phiếu này lên đến hơn 800 tỷ đồng. Nếu tính cả các bước giá khác (bị ẩn khỏi bảng giá) thì tiền chờ mua cổ phiếu SAB hôm qua lên đến ~1.000 tỷ đồng.

Tất nhiên là sau khi chất lệnh mà không ai chịu bán, nhiều người đã nản chí và hủy lệnh đặt mua nhưng nhìn vào lượng đặt mua cao nhất của cổ phiếu SAB hôm qua cho thấy, tiền chờ mua cổ phiếu trên thị trường không ít, chỉ là đang chờ cơ hội tốt để đầu tư.

Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, thanh khoản thị trường chứng khoán hiện tại cho thấy dòng tiền mới chưa gia nhập thị trường trong khi hàng tỷ cổ phiếu đã niêm yết thêm vào thời gian qua. Tiền cũ trên thị trường có xu hướng tập trung vào một số mã cổ phiếu nên bối cảnh chung của thị trường là ảm đạm, tiền yếu so với hàng hóa mới trên thị trường.

Nên mua thăm dò chưa?

Theo nhận định của chứng khoán VCBS, diễn biến trong phiên hôm qua tiếp tục mang đến tín hiệu tiêu cực đối với xu hướng chung của thị trường khi hai chỉ số vi phạm các ngưỡng hỗ trợ mạnh (VN Index: mốc 660 điểm, HNX Index: mốc 80 điểm). Do vậy, cơ hội phù hợp để tham gia trở lại thị trường vẫn chưa xuất hiện. Chiến lược hợp lý đối với số đông nhà đầu tư vẫn là duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng áp lực margin trên thị trường hiện đang khá lớn sau nhiều phiên liên tiếp VnIndex giảm sâu. Thực tế là có nhiều mà cổ phiếu hôm qua đã có hiện tượng chất bán giá sàn nhưng không ai mua. Một khi, lực bán giải chấp lớn mà thị trường không hấp thụ kịp thì ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chung vẫn còn. Áp lực giải chấp như cái bánh xe truyền động, một khi, tài khoản của nhà đầu tư bị call margin thì công ty chứng khoán sẽ ròng rã bán hết cổ phiếu nọ đến cổ phiếu kia trong danh mục để đảm bảo an toàn. Bán không ai mua càng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều công ty chứng khoán đã chủ động giảm margin, cắt margin tại một số mã cổ phiếu để giảm rủi ro cho công ty chứng khoán trong thời gian gần đây.

Theo quan điểm của một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán, thông thường, khi thị trường vào những giai đoạn chờ đợi thông tin như thế này, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và nếu có ý định mua vào cổ phiếu thì phải chuẩn bị sẵn tiền, hết sức chú ý biến động của thị trường để kịp thời phản ứng. Một khi thị trường quay đầu thì diễn biến sẽ rất nhanh, thiếu sự chuẩn bị trước đó thì nhà đầu tư có thể sẽ phải chờ nhịp sau.

Phương Chi

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/nen-mua-tham-do-chua-2267108.html