Nền kinh tế tính bằng giá nước

Nhu cầu nước sản xuất 1.000 kWh điện

Giữa tháng 3.2009, Tổng thống Madagascar đã phải ra đi vì một lý do ÍT ai ngờ: Hàn Quốc thiếu nước.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Tập đoàn Daewoo thuê lại hơn một nửa diện tích đất trồng của quốc đảo để sản xuất lương thực dự trữ cho Hàn Quốc, nơi đang khan hiếm nước ngọt. Người dân Madagascar nổi giận và vị tổng thống đặt bút ký kết hợp đồng đã bị lật đổ.

Số vùng thiếu nước trên thế giới đang tăng nhanh theo cấp số nhân. Úc, chẳng hạn, đã chịu cảnh hạn hán hơn 10 năm nay. Brazil và Nam Phi dựa vào thủy điện, nhưng nay nguồn năng lượng này thường xuyên bị thiếu hụt vì không đủ nước để chạy turbin. Biển Aral ở Trung Á vẫn đang cạn dần kể từ năm 1980 do nông dân dùng nước từ các dòng sông tiếp nước cho nó để tưới tiêu.

Áp lực dân số và biến đổi khí hậu

Lý do quan trọng dẫn đến khủng hoảng nguồn nước ở nhiều khu vực thường không phải do thiếu nước mà là quản trị kém. Trên thực tế, tỉ lệ sử dụng nước ngọt trên toàn thế giới vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 9% tổng lượng cung cấp. Con số này ở vùng vịnh đạt mức cao nhất là 20%, trong khi ở châu Phi và Mỹ Latinh chỉ 6%.

Trong khi đó, những dòng sông lớn chảy qua các vùng nông nghiệp trọng yếu của thế giới đang cạn dần. Sản lượng cá nước ngọt đã suy giảm 30% kể từ thập niên 1970. Đến cuối thế kỷ XX, một nửa diện tích vùng đất ngập nước dùng cho nông nghiệp đã bị tổn hại bởi nước sông yếu đi, nước biển lấn vào.

Một nghiên cứu về tưới tiêu ở châu Á cảnh báo nếu không có những cải cách hoặc sáng tạo mới về việc sử dụng nước trong nông nghiệp, các quốc gia đang phát triển ở khu vực này sẽ phải nhập khẩu đến 1/4 nhu cầu gạo, lúa mì hoặc bắp kể từ năm 2050. Nghiên cứu này mang tên Revitalizing Asia’s Irrigation: To Sustainably Meet Tomorrow’s Food Needs (tạm dịch: Phục sinh hệ thống tưới tiêu: Biện pháp bền vững để bảo đảm nhu cầu lương thực tương lai ở châu Á) được trình bày tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 17.8.2009 trong Tuần lễ nước được Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) tổ chức.

Hai áp lực gây thiếu nước trong những thập kỷ tới là dân số thế giới tăng thêm và biến đổi khí hậu. Trong 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng từ 3 tỉ người lên 7 tỉ và 25 năm nữa, sẽ lại có thêm 2 tỉ nhân khẩu. Nhưng vấn đề không chỉ là dân số tăng, mà còn là cách sống và chế độ thực phẩm mỗi nơi, mỗi thời làm nhu cầu nước tăng cao hơn nữa. Người Trung Quốc, chẳng hạn, trong năm 1985 chỉ ăn 20 kg thịt mỗi năm, nhưng nay định mức tiêu thụ đạt gần 50 kg/người. Và như thế nhu cầu nước đã phải tăng thêm 390 km3 nước ngọt mỗi năm, bằng cả nhu cầu sử dụng nước ngọt của toàn châu Âu.

Tổ chức Lương Nông Liên hiệp Quốc (FAO) cho rằng lượng nước cần được bổ sung cho năm 2030 sẽ không dưới 1.500 km3, một con số rất lớn. Để sản xuất 1 kg lúa mì, người ta cần khoảng 1.000 lít nước, nhưng để có 1 kg thịt bò thì lại sử dụng đến hơn 15.500 lít nước. Tính ra mỗi khẩu phần ăn giàu thịt của người Mỹ và châu Âu tiêu tốn 5.000 lít nước trong khi khẩu phần giàu bột của người châu Á, châu Phi chỉ 2.000 lít nước. Trong khi đó, khuynh hướng thay đổi khẩu phần từ giàu ngũ cốc sang giàu đạm đã rõ rệt, nghĩa là nhu cầu nước sẽ tăng lên.

Hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới đang dần tiến đến trạng thái cực đoan, với chu kỳ thủy văn ngắn hơn, nước bốc hơi nhanh hơn, mưa đổ xuống ào ạt hơn. Hậu quả là các vùng mưa càng thêm lụt lội và các vùng khô càng thêm hạn hán. Điều này cho thấy quản lý nguồn nước trở thành vấn đề cấp bách, bao gồm cả việc xây dựng các công trình điều tiết lưu lượng dòng chảy. Có thể thấy tình trạng khan hiếm nước ở châu Phi không phải là do thiếu hụt nguồn nước, mà thiếu công trình điều tiết nhằm giữ nước để dùng quanh năm.

Một trong những mối quan tâm lớn khác là năng lượng. Nó chi phối mọi tốc độ phát triển, nhưng đồng thời cũng chi phối tốc độ trái đất nóng lên, làm biến đổi khí hậu. Trên thực tế, nước đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn con đường năng lượng cho mỗi quốc gia. Đối với các nhà máy nhiệt điện hiện có, bình quân mỗi ngày thế giới tiêu thụ 500 tỉ lít nước ngọt. Trong khi lượng nước cần để sản xuất 1.000 kWh điện khí đồng hành là 38 lít thì đối với điện khí hóa than là 144-340 lít; điện diesel 15.500-31.200 lít. Việc tạo năng lượng bằng nhiên liệu sinh học, vốn được coi là giải pháp làm giảm khí thải nhà kính, lại cần nhiều nước nhất, với ethanol là 32.400-375.000 lít và biodiesel, 180.900-969.000 lít.

Tiết giảm nhu cầu sử dụng nước trong nông nghiệp

Sử dụng nước sao cho hiệu quả là giải pháp chủ yếu để tránh tình trạng khủng hoảng nguồn nước. Điều này phải bắt đầu từ nông nghiệp vì đây là ngành chiếm trên dưới 80% lượng nước sử dụng.

Người Ấn Độ cần gấp 3 lần nước sản xuất ruộng bắp so với người Mỹ hay người Trung Quốc. Một ký lúa mì có thể cần đến 1.500, 1.000 hay chỉ 750 lít nước, tùy nơi và tùy kỹ thuật canh tác… Rõ ràng, con người có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là các kỹ thuật canh tác mới, hệ thống tưới tiêu hiện đại để tiết kiệm nước.

Việc tiết giảm lượng nước sử dụng sẽ giúp hạ giá thành các loại thực phẩm, từ thức ăn đến đồ uống và cả các loại vật dụng thường ngày. Hiện tại, “giá nước” một trang giấy khổ A4 định lượng 80 gsm tương đương với 10 lít nước, giá áo cotton nặng 250 gr tương đương 2.700 lít và giá 1 kg da thuộc dùng làm giày dép lên đến 16.600 lít nước.

Tuy nhiên, để tiết giảm nhu cầu nước dùng trong nông nghiệp là cả một quá trình. Bởi lẽ, cần phải có thời gian để nông dân làm quen với cách canh tác mới, các chính phủ hoạch định chính sách mới và các nhà công nghệ triển khai kỹ thuật mới như kiểu tưới giọt của Israel cho nước bốc hơi qua lá mà không qua đất.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11906