Nên hay không tạm dừng khai thác thủy điện?

Vụ thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ đêm 14/10 kết hợp với đợt mưa lớn tại các tỉnh bắc miền Trung đã khiến nhiều khu vực bị cô lập với bên ngoài, ngập chìm trong biển nước, gây ra nhiều thương vong và thiệt hại tài sản nặng nề của hàng ngàn hộ dân quanh đó.

Không phải lần đầu thủy điện gây họa

Đã 4 ngày sau đợt xả lũ bất ngờ của nhà máy thủy điện Hố Hô, hàng nghìn hộ dân ở Quảng Bình và Hà Tĩnh (khu vực ranh giới nơi xây dựng công trình thủy điện Hố Hô) vẫn sống trong vòng vây của nước lũ, nhiều ngôi nhà nước ngập gần đến mái. Cá biệt có nhiều nhà dân ngập sâu tới 4m.

Theo ông Hồ Xuân Quế - Trưởng công an xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), tính đến chiều qua, vẫn còn 262 hộ dân trong xã bị ngập sâu trong nước từ 2m trở lên. Ông Quế ước tính, nếu trời không mưa thì phải 1 tuần nữa nước ở Phương Mỹ mới rút hết vì đây là địa phương nằm dưới đáy lòng chảo vùng lũ. Nhiều diện tích hoa màu, lúa vụ Hè Thu của nhân dân vì thế mất trắng do nước lũ ngập úng nhiều ngày.

Người dân Hương Khê phải di chuyển bằng xuồng vì thủy điện Hố Hô xả lũ. Ảnh: Dantri

Ngoài thiên tai mưa bão, việc xả lũ bất ngờ của thủy điện Hố Hô là nguyên nhân gây ra thảm họa ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Ông Đặng Quốc Khánh (Chủ tịch UBND Hà Tĩnh) đã phải lên tiếng: “Hộ nào cũng cho rằng lúc tối nước lên nhanh quá. Xả như thế nước không lên nhanh sao được!”

Đây cũng không phải lần đầu thủy điện Hố Hô gây ra thiệt hại cho người dân Hà Tĩnh. Nhà máy Thủy điện Hố Hô được đưa vào hoạt động năm 2010, bị tàn phá bởi trận lũ lịch sử cùng năm. Đến năm 2013 nhà máy này mới vận hành trở lại. Tính từ năm 2010, việc xả lũ của nhà máy hầu như năm nào cũng gây thiệt hại đáng kể cho Hương Khê.

Báo VOV bình luận: “thủy điện Hố Hô hiệu quả thấp mà hậu quả gây ra thì kinh hoàng”. Nhà máy có công suất 14 MW, dung tích hồ chứa 38 triệu m3. Thế nhưng mỗi năm nhà máy này nộp thuế chỉ hơn 1,6 tỷ đồng/năm. So với những hậu quả tiềm ẩn khi xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện nhỏ: phá hoại môi trường sinh thái, đe dọa lũ lụt, tính mạng, tài sản nhân dân… thì số thuế thủy điện đóng góp cho nhà nước không đáng kể.

Trong một cuộc trao đổi với báo Tuổi trẻ, Chủ tịch UBND Hương Khê – ông Lê Ngọc Huấn cho biết, thủy điện Hố Hô phải chịu một phần trách nhiệm khi khiến nhiều xã của huyện bị ngập sâu, tài sản của người dân bị thiệt hại do xả lũ. “Xả lũ như thủy điện Hố Hô là không phù hợp. Nước ở hồ chưa ở mức báo động mà họ xả lũ mức tối đa vào ban đêm khiến người dân không kịp di tản tài sản, việc này chúng tôi sẽ báo cáo lên các cấp trên để xử lý” - ông Huấn trả lời trên Tuổi trẻ.

Ngoài thủy điện Hố Hô, việc xả lũ của hồ chứa nước Vực Mấu (Nghệ An) cách đây 3 năm cũng khiến nhân dân lâm vào cảnh khổ sở, tai ương của trận lũ lịch sử. Thời điểm đó, hồ chứa Vực Mấu bất ngờ xả 5 cửa tràn cùng lúc, khiến 20.000 ngôi nhà ở thị xã Hoàng Mai bị nhấn chìm, gây thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng.

Nhắc đến hậu quả nghiêm trọng do việc xả lũ trái quy trình của các nhà máy thủy điện, người dân từng trải qua chắc chắn không thể quên: Thủy điện Đăk Srông 2A (Gia Lai), Thủy điện Bắc Hà (Lào Cai), Thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai)... Không chỉ hoa màu, tài sản, đồ đạc của người dân cũng bị cuốn trôi theo con nước. Dù đã đền bù, nhưng với mức chỉ vài tỷ đồng/vụ đã không đủ tác dụng răn đe với các chủ đầu tư nhà máy thủy điện.

Nghĩ về việc tạm dừng khai thác thêm thủy điện

Hiện tại, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong an ninh năng lượng ở Việt Nam. Theo TS Nguyễn Thăng Long (Điều phối viên giữa GIZ và Tổng cục năng lượng trong dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam): “Nguồn thủy điện đã sắp cạn kiệt, nguy cơ chúng ta sẽ phải phát triển nhiều nhiệt điện than. Nếu thế, chúng ta sẽ phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu than và gặp nguy cơ về sức khỏe”.

Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, mỗi năm có 4.300 người Việt Nam chết yểu do các vấn đề liên quan đến sự nguy hại của nhiệt điệt than. Con số này có thể lên tới 25.000 người/năm nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành. Ông Nguyễn Thăng Long nhấn mạnh: “Do những tác hại nghiêm trọng của nhiệt điện than cũng như an ninh năng lượng, chúng ta phải tiến đến 2 giải pháp quan trọng là năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả”.

Tại hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” tổ chức sáng ngày 20/6 ở Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên dừng cấp phép cho các công trình thủy điện bao chiếm rừng, đất rừng. Thủ tướng nhấn mạnh đây là một trong những giải pháp khẩn cấp để cứu rừng Tây Nguyên. Bởi việc suy giảm diện tích, chất lượng rừng Tây Nguyên có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dừng cấp phép cho các công trình thủy điện ở Tây Nguyên. Ảnh: CAND

Báo cáo tại hội nghị, vùng Tây Nguyên đã chuyển 80.000 ha đất các loại cho xây dựng thủy điện, trong khi đó việc khắc phục hậu quả môi trường thực hiện chậm. Hiện tại, có 118 dự án thủy điện đã hoàn thành đưa vào khai thác với tổng công suất 57 98MW, 75 dự án thủy điện đang thi công trên toàn vùng Tây Nguyên. Vừa qua Bộ Công thương và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã loại bỏ 155 dự án thủy điện và 72 vị trí tiềm năng. Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng thống nhất, cần tiếp tục loại bỏ các dự án để tránh những hậu quả xấu tới môi trường.

Rừng Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Mất rừng là mất Tây Nguyên, tôi nói nghiêm trọng là ở chỗ đó”.

Ông cũng nói thêm: “Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại cho mục đích khác, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án liên quan an ninh, quốc phòng quan trọng. Từ nay các địa phương không được cấp phép, tận thu gỗ nữa nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo để phá rừng”.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các nhà máy thủy điện phải thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế; kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những thủy điện không chấp hành việc trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Trước đó, vào ngày 30/3 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu tạm dừng thi công dự án thủy điện Đắk Re (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) có số vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng vì xâm hại rừng phòng hộ của dự án JICA 2 (dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ), vùi lấp nhiều cây rừng tự nhiên, đồng thời không thu gom và bảo quản cây gỗ tự nhiên bị gãy đổ do thi công, hồ sơ thủ tục pháp lý chưa đầy đủ theo quy định.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/nen-hay-khong-tam-dung-khai-thac-thuy-dien