Nên đưa ngoại ngữ vào môn thi tự chọn

(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị đưa ngoại ngữ là môn thi tự chọn, thay vì là môn khuyến khích, khi góp ý vào Dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 13/2.

Ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Khi xây dựng phương án thi tốt nghiệp 4 môn, ngoại ngữ được coi như môn thi khuyến khích cộng điểm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã giải thích đây là do sự khác biệt về mức độ dạy ngoại ngữ giữa các vùng miền. Tán đồng quan điểm này, ông Hoàng Văn Thinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang đã nói rằng “Việc học ngoại ngữ với các em dân tộc thiểu số (vốn đã phải học 1 ngoại ngữ là tiếng Kinh) là vô cùng vất vả và khó khăn. Sở đã từng mời giảng viên của ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) về để khảo sát và hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học song vẫn vô cùng khó khăn. Do đó bắt buộc các em thi ngoại ngữ thì thực sự là làm khó các em và khó đánh giá thực chất”.

Tuy nhiên, ngoại trừ Tuyên Quang và Kon Tum ủng hộ phương án coi ngoại ngữ là môn cộng điểm, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, TPHCM, Nam Định, Vĩnh Phúc, Gia Lai… đều cho rằng nên đưa ngoại ngữ vào danh sách môn tự chọn thay vì chỉ là môn thi cộng điểm khuyến khích như trong dự thảo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển: "Bộ sẽ phải cân nhắc dựa vào những phân tích của những người đóng góp ý kiến. Nếu ý kiến trái chiều mà thuộc về số ít nhưng lập luận thuyết phục thì Bộ vẫn phải nghe. Tất nhiên, nếu nhiều người cùng chung ý kiến mà lập luận thuyết phục thì càng phải nghe. Vì vậy Bộ sẽ cân nhắc, thảo luận vấn đề này một cách cầu thị, nghiêm túc”.

Lý do là ngoại ngữ đang ngày càng quan trọng để phát triển kinh tế, phục vụ xây dựng đất nước. Đặc biệt là Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo đã nhấn mạnh trong thời kỳ hội nhập, với thói quen “thi gì học nấy”, lâu nay nhiều ý kiến quan ngại các em học sinh sẽ bỏ học ngoại ngữ vì không thi.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, đối với phương án (thi tốt nghiệp 4 môn) thì cần phải bổ sung môn ngoại ngữ vào môn thi tự chọn. Ông Thắng phân tích từ trước tới nay, môn ngoại ngữ vẫn là môn bắt buộc. Ở Quảng Nam trong số 50 trường THPT thì chỉ có 2 trường xin không thi ngoại ngữ (chiếm 5% số học sinh của tỉnh).

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hơn nữa, Việt Nam đang thực hiện Đề án phát triển dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020, các trường cũng đang dồn lực cho vấn đề này. Nếu bây giờ thi tốt nghiệp THPT không thi ngoại ngữ chắc chắn việc học và dạy môn này sẽ bị gián đoạn và ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này theo ông Thắng là không ổn. Với tư cách là một người từng dạy và học ngoại ngữ ông Thắng cho rằng “nhiều người cho rằng đưa ngoại ngữ vào các môn thi tự chọn hiện nay chưa thực hiện được do việc đào tạo ngoại ngữ của chúng ta còn khiếm khuyết 4 kỹ năng (nghe-nói-đọc-viết) nhưng thực tế, hạn chế này có thể hoàn toàn khắc phục bằng phương pháp dạy học và ra đề”.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng đưa môn ngoại ngữ vào môn tự chọn là phù hợp với yêu cầu của Đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020. Ông Tuấn phân tích, nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Do đó, nếu bây giờ bỏ thi tốt nghiệp ngoại ngữ (dù chỉ tạm thời vài năm thôi) sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nề nếp học ngoại ngữ mà chúng ta phải rất nỗ lực và tốn kém mới xây dựng được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng định hướng trong tương lai thi ĐH sẽ có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, việc gián đoạn học, thi ngoại ngữ sẽ trực tiếp làm chậm việc hiện thực hóa mục tiêu trên.

Cũng đánh giá cao vai trò của môn ngoại ngữ trong nền giáo dục, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, khẳng định ngoại ngữ là công cụ hội nhập hiện nay, gắn chặt với nghề nghiệp sau này ra trường của học sinh.

“Tôi cũng hiểu một trong những lý do khiến Bộ tạm thời đưa bộ môn ngoại ngữ khỏi chương trình thi tốt nghiệp THPT vì trình độ giữa các địa phương, vùng, miền không đồng đều, và môn ngoại ngữ sẽ quay lại chương trình thi tốt nghiệp khi các em học sinh đã trang bị đầy đủ 4 kỹ năng. Tuy nhiên, thay vì loại bỏ hoàn toàn (dù là tạm thời) chúng ta nên có giải pháp để cân đối”.

Ông Sơn đề xuất phương án, đối với những tỉnh chưa có điều kiện thi ngoại ngữ thì cho thi môn thay thế trong vài năm tới, còn các tỉnh khác sẽ thi 3 môn bắt buộc là Ngoại ngữ, Văn, Toán và một môn tự chọn.

Nguyệt Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/doi-song/nen-dua-ngoai-ngu-vao-mon-thi-tu-chon/192685.vgp