Nên dạy tiếng Trung cho học sinh thế nào?

Gần đây dư luận lại “dậy sóng” về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) muốn đưa tiếng Trung Quốc và tiếng Nga vào dạy ở các trường phổ thông và thậm chí là dạy từ lớp 3. Rồi lại có ý kiến cho rằng, tiếng Trung cần được trở thành “ngoại ngữ thứ nhất và học bắt buộc”.

Quả thật, hình như Bộ GD&ĐT đang quá tham lam và muốn con cái chúng ta phải được phát triển “toàn diện”, nên nhồi nhét vào đầu học sinh từ bậc tiểu học đủ mọi thứ kiến thức, đủ mọi thứ yêu cầu.

Bao năm nay, chúng ta đã bỏ tiếng Trung và tiếng Nga, bây giờ muốn dạy lại, phải có lộ trình và kế hoạch đào tạo giáo viên cho cẩn thận.

Học tiếng Trung đúng là cũng cần. Nhưng cần là cần cho những ai làm văn hóa và nghiên cứu văn hóa.

Một lớp học tiếng Trung cho trẻ em

Xưa kia, chúng ta cũng từng dạy tiếng Trung. Và thế hệ chúng tôi được học tiếng Trung từ năm lớp 4. Học hết một năm, ngoài vài ba câu chào hỏi là thuộc được bài hát “Đông phương hồng”. Rồi tiếp những năm học từ lớp 8 đến lớp 10, cũng được học tiếng Trung. Và học xong, cũng chỉ còn nhớ được câu khẩu hiệu trong các tập Mao tuyển bìa đỏ… phát không khắp các bến xe, đường phố.

Không hiểu trong chương trình dạy tiếng Trung sắp tới, liệu học hết dăm bảy năm, học sinh có đủ vốn giao tiếp với du khách Trung Quốc có mặt khắp mọi nơi.

Trở lại chuyện học tiếng Trung, tiếng Nga đang đề xuất thì đúng là nên học, nên dạy, nhưng tốt nhất là đừng dạy cho con trẻ mà hãy để đến cấp 3 hoặc lên đại học. Học sinh sẽ có quyền chọn ngoại ngữ cho mình. Tiếng Anh nên là ngoại ngữ bắt buộc, còn tiếng Trung và tiếng Nga nên được coi là ngoại ngữ khuyến khích học.

Có một điều đơn giản là, nếu biết tiếng Anh thì đi có thể khắp thế giới và dễ kiếm được công ăn việc làm. Còn biết tiếng Trung thì có lẽ chỉ đi chợ Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai. Bởi vì chính người Trung Quốc hiện nay và người Nga khi soạn thảo các hợp đồng làm việc đều bằng tiếng Anh. Thậm chí, tiếng Pháp hiện nay còn chả mấy người muốn học, huống chi tiếng Trung.

Thứ ngoại ngữ nào, giúp cho người ta kiếm được việc làm, giúp cho người ta kiếm được tiền thì nên tập trung vào ngoại ngữ ấy. Còn các ngoại ngữ khác, ai có nhu cầu, ai thích thì học.

Có một thực tế là để tồn tại, không cần phải khuyến khích mà họ phải tự mò đi học, tự tìm thầy, tìm lớp.

Bao nhiêu năm qua, ngành giáo dục nước ta đã mang con trẻ ra làm thí nghiệm hết cách này đến cách kia. Không biết có ai thống kê ra từ năm 1980 đến nay ngành giáo dục có bao nhiêu cải cách và kết quả đạt được là gì.

Chỉ thấy chữ học sinh ngày một xấu hơn, sự hiểu biết ngày một nông cạn hơn. Ứng xử văn hóa của học sinh ngày một kém hơn. Kỹ năng sống của học sinh hầu như không có gì, nếu như không nói chúng ta đang đào tạo ra các thế hệ “gà công nghiệp”.

Cũng lại có ý kiến rằng, muốn biết được kết quả của sự đổi mới, cải cách giáo dục thì phải chờ đến 3-4 năm sau… Vâng, thưa các nhà giáo có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, vậy nếu sau mấy năm đó, mới phát hiện ra đổi mới theo kiểu đó là sai, là không phù hợp… thì tai họa này, ai chịu cho?

Rồi mấy năm nay, năm nào cũng “đổi mới cách thi”, nhưng hình như càng thích đổi mới, càng thích cải cách thì càng rối. Thậm chí, có những việc mà xưa kia, đã làm, rồi khi cải cách, người ta xóa đi và bây giờ “đổi mới” thì lại… quay lại thứ ngày xửa, ngày xưa đã làm.

Làm gì cũng phải có chuyên sâu, dạy văn, thơ, nhạc, họa trong trường là tốt nhưng vấn đề là dạy thế nào và trình độ của người dạy đến đâu. Ngay chuyện học ngoại ngữ cũng vậy. Tiếng Anh học sinh được học từ bé, nhưng lên mỗi cấp lại được học lại cái đã học. Và giáo viên ở bậc cao hơn lại phải uốn nắn cách nói, viết cho học sinh, bởi ở cấp dưới đã dạy sai. Thế là những năm học ở cấp dưới gần như công cốc, thậm chí đi sửa sai còn mệt hơn dạy mới.

Học ngoại ngữ ở nước ta cũng lắm chuyện nực cười. Người viết bài này từng chứng kiến một giờ học tiếng Anh ở trường phổ thông cơ sở ở vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Thật không còn gì vô duyên, vô bổ hơn khi mà học sinh dân tộc Hà Nhì, Mông, La Hủ... nơi đây nói tiếng Kinh chưa sõi mà phải gân cổ lên gào “Hao oai du”?

Ngành giáo dục cũng đang loay hoay nghĩ cách giảm tải cho học sinh, nhưng sẽ không thể nào giảm được nếu như không đặt ra những tiêu chí rõ ràng. Bậc tiểu học thì học được gì quan trọng nhất, THCS thì kiến thức học gì, THPT thì mục tiêu học cái gì.

Nên chăng, ở bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ cần dạy cho học sinh đọc thông, viết thạo, vở sạch, chữ đẹp, biết cộng trừ nhân chia từ 1 đến 10 là đủ. Kiến thức chỉ nên như vậy và tập trung dạy cho học sinh về đạo đức, kỹ năng sống rồi dạy học sinh tập hát, tập múa. Ngoại ngữ thích thì học, không thích thì thôi và nếu có đưa vào học thì là học cho biết, chứ không nên coi đó là tiêu chí bắt buộc. Phải để cho trẻ em có tuổi thơ, biết yêu thiên nhiên, yêu đồng loại, biết lễ phép, biết vâng lời…

Đến bậc THCS hãy bắt đầu dạy kiến thức. Mà dạy kiến thức thì cũng phải tùy theo lứa tuổi, sự phát triển về trí tuệ mà dạy. Ai đời học sinh lớp 6 đã phải học thơ Đường. Lẽ ra những kiến thức này phải học ở bậc cao hơn như đại học. Ở tuổi đấy, học sinh mới cảm nhận được cái hay, cái tinh tế, cái sâu sa của thơ Đường, cái hay trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi. Đằng này, họ nhồi cho học sinh những thứ kiến thức sâu sa, hàn lâm khi chúng chỉ mới là những đứa trẻ con. Như thế chẳng khác nào “vịt nghe sấm”.

Hình như các nhà giáo dục ở nước ta cứ lo con trẻ dốt hơn mình, cho nên cố nhồi nhét vào đầu các em càng nhiều chữ càng tốt. Nhưng hình như họ cũng không nghĩ đến tình trạng học sinh bị tâm thần vì học, rồi các vụ “đổi tiền, đổi tình lấy điểm”, rồi vô vàn chuyện tiêu cực khác của ngành giáo dục.

Lãnh tụ Lê-nin có một câu rất hay “Thà ít mà tốt” - Xin các nhà giáo dục nên học lại câu này. Và cũng xin các vị hãy thương lấy con trẻ, nhồi vào đầu chúng vừa vừa thôi.

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/nen-day-tieng-trung-cho-hoc-sinh-the-nao-486531.html