Nên đăng ký quyền SHTT khi giải pháp có tính thương mại

Các startup khi đã xác định giải pháp của mình mang lại hiệu quả cao nhất, được thị trường chấp nhận và có tính thương mại hóa cao, hãy nên đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) để được bảo hộ độc quyền.

Chủ đề về quyền SHTT giành được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại chương trình đào tạo do Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM phối hợp với Cộng đồng Angels 4 US tổ chức vào sáng 29/11.

TS Đào Minh Đức, Trưởng phòng SHTT, Sở KH&CN TP.HCM đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng về SHTT trong hoạt động khởi nghiệp hiện nay. Theo TS Đức, quy định của luật SHTT nói rõ, bằng độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích chỉ được cấp cho những giải pháp cụ thể chứ không phải ý tưởng.

“Ví dụ, một người nào đó nghĩ đến một loại giày có thể đi trên mặt nước thì đó được xem là ý tưởng. Cái được bảo hộ chính là giải pháp gì để có được loại giày đi trên mặt nước đó. SHTT là kết quả cuối cùng của một giải pháp cụ thể và có tính thương mại”, TS Đức nói.

TS Đào Minh Đức đã giải đáp rất nhiều vấn đề của cộng đồng khởi nghiệp quan tâm đến SHTT. Ảnh: Hà Thế An.

Trong buổi thảo luận, bạn Trần Vinh Quang (khởi nghiệp về Internet of Things) cho rằng lí do đăng ký quyền SHTT là để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, ngăn không cho người khác sao chép.

Đồng ý với nhận định đó, TS Đức đặt ra vấn đề, những giải pháp của các doanh nghiệp khởi nghiệp khi đưa ra thị trường mức độ quan tâm và sử dụng của người dùng như thế nào. Trường hợp giải pháp đó khi công bố chưa thấy được sự quan tâm, chấp nhận từ thị trường thì cần phải xem xét lại ý tưởng đó đã khả thi với nhu cầu thị trường chưa.

“Lấy một ví dụ đơn giản, nếu giải pháp của các bạn khi chia sẻ với một cộng đồng nào đó, giải pháp đó giành được sự quan tâm, thích thú và khách hàng sẵn sàng mua nó thì lúc đó hãy đăng ký quyền SHTT để bảo vệ giải pháp của mình”, TS Đức nói.

Cũng theo TS Đức, trường hợp giải pháp đó còn có cơ hội phát triển lên một mức độ cao hơn, chiếm lĩnh thị trường rộng lớn hơn thì khoan đăng ký SHTT. Chỉ khi nào giải pháp mang tính hiệu quả cao nhất khi đưa ra thị trường và mang lại lợi thế cạnh tranh, hãy đăng ký SHTT.

Đồng quan điểm trên, anh Phan Đình Tuấn Anh, sáng lập cộng đồng Angels 4 US cho rằng, các startup chỉ đăng ký SHTT cho giải pháp đã có tính thương mại và có một lượng khách hàng nhất định.

Nhiều vấn đề về SHTT được cộng đồng khởi nghiệp quan tâm và đặt câu hỏi với TS Đào Minh Đức. Ảnh: Hà Thế An.

Bàn về quy trình đăng ký quyền SHTT khi giải pháp bắt đầu có tính thương mại, TS Đức khuyến nghị, các tác giả đăng ký cần đi thẳng vào giải pháp của mình. Mỗi từ ngữ, mỗi câu cần phải mang tính đơn nghĩa, không gây ra cách hiểu đa nghĩa, hiểu nhầm.

Một bạn tên Minh đặt câu hỏi: “Nếu giải pháp sáng tạo do một nhóm tác giả cùng tham gia, khi nhóm tan rã thì việc phân chia tài sản trí tuệ đó như thế nào?”. TS Đức giải đáp, tốt nhất khi phát triển một giải pháp sáng tạo có sự đóng góp của nhiều người, nên có một thỏa thuận từ trước để thống nhất tỉ lệ đóng góp của mỗi cá nhân.

“Dù các bạn có “yêu thương” nhau đến mấy cũng nên thực hiện công việc này để thống nhất trường hợp có bất trắc xảy ra. Khi đó các cơ quan pháp luật sẽ dễ dàng giải quyết”, TS Đức nói.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nen-dang-ky-quyen-shtt-khi-giai-phap-co-tinh-thuong-mai-c7a472635.html