'Nền cũ, lâu đài' và xúc cảm 15 năm phóng viên nghị trường

Tôi ngẫm suy đoạn đường hoa hồng bên góc hội trường Ba Đình ngày cũ bởi sự chấm phá của cảnh vật nơi đây thấm thoắt ghi dấu mười lăm năm làm báo nghị trường. Chừng ấy thời gian, đếm đầu ngón tay với một đời người thế đã là dài, với một hành trình cũng đủ tầm ngoảnh lại hút cả một góc nhìn đằng đẵng.

Thế mà nơi đây, vườn hoa hồng ngự phố Bắc Sơn, con phố không đánh số nhà, chỉ có những tán bằng lăng sắc biếc giờ đã khép lại như chấm phá mỏng manh trong chuỗi thời gian được kế tục bởi nền móng lịch sử kéo dài cả thiên niên kỷ với bao biến cố thăng trầm…

Sự phát triển của thời đại, sự đổi thay, vươn mình của đất nước được minh chứng qua nhiều con số, sự kiện và dữ liệu. Giờ thì cái Hội trường Ba Đình hình hộp chữ nhật đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho tòa nhà Quốc hội mới khang trang, một tòa nhà thiết kế theo kiến trúc sư người Đức với mô hình “trời tròn, đất vuông”.

Án ngự trên khu địa linh Thăng Long Hoàng thành nghìn năm, lại mang tên “phòng họp Diên Hồng” đầy khí phách cha ông, tính thiên địa và sử sách ấy nhắc nhở các nghị sĩ phải luôn nói và hành động vì Tổ quốc, non sông.

Kể từ ngày tôi đặt chân đến đây tuyên truyền kỳ họp Quốc hội, thấm thoắt đã 15 năm. 15 năm, tương ứng 3 nhiệm kỳ Quốc hội. 3 nhiệm kỳ phóng viên như tôi thực ra cũng chỉ tầm trung thôi chứ ngước nhìn các anh, các bác “gạo cội”, có người cũng ngót nghét dăm bảy nhiệm kỳ, theo nghề máy ảnh, bút sổ tại Hội trường Ba Đình từ trước đổi mới.

Cuối năm 2001, tôi bắt đầu vào Hội trường Ba Đình tuyên truyền kỳ họp cuối của Quốc hội khóa X, khi ấy đồng chí Nông Đức Mạnh là Chủ tịch Quốc hội. Hội trường Ba Đình khi đó còn khuôn viên với khu nhà kính bên phải, nơi thường đặt sách báo cho đại biểu xem khi nghỉ giải lao, có cả giải khát café và bia hơi.

Nhiều anh em phóng viên mời đại biểu xuống đây trò chuyện phỏng vấn, gọi thêm ly bia “lấy đà”, vậy là cũng có mươi, mười lăm phút, đủ để cái máy ghi âm chạy bằng băng quay được non nửa. Sau xét thấy việc giải khát café, bia hơi ở đây ảnh hưởng đến hoạt động chung, Văn phòng Quốc hội quyết định dẹp bỏ.

Một năm sau, khai mạc kỳ đầu tiên của Quốc hội khóa XI. Đó cũng là khóa Quốc hội thực hiện theo chủ trương mới với 25% đại biểu hoạt động chuyên trách. Sau mấy kỳ theo dõi, đưa tin về diễn đàn chất vấn, tôi cũng không biết từ đâu có câu được truyền miệng nên quen ở chốn nghị trường “nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (Trung tướng, đại biểu Nguyễn Quốc Thước; Giáo sư, đại biểu Nguyễn Lân Dũng; GS, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân; đại biểu Dương Trung Quốc).

Trong đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X thì từ khóa XI, ông không còn hoạt động tại Quốc hội nữa và người “thay ngôi” đầu trong câu trên là đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), khi đó là Chủ tịch Hội Người cao tuổi.

Từ đó, nói đến chất vấn hay những phiên thảo luận sống động tại nghị trường, báo chí và cử tri nhắc đến nhóm tứ đại biểu “Nhất Ngoạn, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc”.

Thế rồi dịp đó, tôi được tham dự lớp đào tạo kỹ năng viết báo Quốc hội do tổ chức SIDA của Thụy Điển tài trợ. Một lần, khi đến nói chuyện với lớp, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, chức năng, vai trò, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ trong luật, còn khi các vị đại biểu Quốc hội đến nghị trường, có ba việc quan trọng là nghe, nói và biểu quyết. Việc nghe rất khó kiểm tra bởi không thể biết ai nghe tốt, ai không.

Việc biểu quyết cũng khó xác định (vì Quốc hội chỉ tính theo tỷ lệ phần trăm khi biểu quyết chứ không nêu danh cụ thể). Như vậy, quan trọng nhất vẫn là phát biểu.

“Phát biểu vì vậy trở thành kỹ năng quan trọng nhất của đại biểu. Kỹ năng này của bốn vị đại biểu Quốc hội nói trên phải nói là lão luyện và đây cũng là một ưu thế rất lớn trong hoạt động nghị trường” – TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích. Tôi ngẫm điều đó thật chí lý.

Mười lăm năm, tôi nhớ hai sự kiện Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng. Ngày 1-6-2004, khi ấy Hội trường Ba Đình hãy còn. Nắng tháng sáu đến độ “cáu gắt”, còn các vị đại biểu đến nghị trường trong nhiều tâm tư khi thực hiện bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đối với ông Lê Huy Ngọ.

Cuối cùng, với hơn 70% đại biểu tán thành, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng. Nghị quyết ghi rõ lý do miễn nhiệm: “Ông Lê Huy Ngọ đã buông lỏng quản lý đối với tổ chức và cán bộ dưới quyền, không kiên quyết xử lý sau thanh tra để Lã Thị Kim Oanh lợi dụng vi phạm pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

3h chiều, ông Lê Huy Ngọ xách chiếc ca táp từ Hội trường đi thẳng ra đường hoa hồng, đoạn mấy cây bằng lăng chỉ quá tầm người. Tôi xách máy ảnh chạy theo ông. Bất chợt ông dừng lại dưới gốc bằng lăng. Lúc bấy giờ cũng chẳng biết nên hỏi gì, nói gì, rồi một người rút túi lấy ra chiếc quẹt lửa châm thuốc cho ông.

Mấy phút trầm tư thả khói mỏng tang, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp lên chiếc xe Dream “lùn” của một phóng viên rồi ngoái lại nói với chúng tôi: “Mình thấy đây cũng là việc bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị”…

Câu chuyện của ông “Bộ trưởng nông dân” rồi cũng dịu đi.

Hai năm sau, Quốc hội lại sôi động với một kịch bản tương tự: Bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải đối với ông Đào Đình Bình. Được tiếng cởi mở với báo chí, nhưng ông Bình dạo đó cũng không thể nói điều gì, ông ngoái mặt đi khi phóng viên bật máy ghi âm.

Trong tờ trình, Thủ tướng nêu rõ việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bình vì có trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ án xảy ra tại PMU18 và một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có vụ lật tàu E1.

Thêm một buổi chiều lắng đọng với báo chí chốn nghị trường...

***

Bây giờ, Hội trường Ba Đình chỉ còn dĩ vãng và những vị có tên trong danh sách miễn nhiệm năm xưa, dấu thời gian cũng đã phai mờ… Quốc hội khóa XIV tiếp tục dòng chảy thời gian, đảm nhận và thực hiện trọng trách nước nhà. Hội trường Ba Đình với nửa thế kỷ án ngự đất này đã hoàn thành sứ mệnh, nhường lại cho tòa nhà Quốc hội mới, một công trình có tính lịch sử - dấu nối một nghìn năm có lẻ.

Nơi dấu tích này, xưa kia cấm thành, vườn thượng uyển, ngày nay là phòng họp mang tên Diên Hồng - hẳn lấy cái điểm tựa hào khí Đông A lừng lẫy một thời làm sinh khí cho những quyết nghị quốc gia ngày nay vậy.

Ngước nhìn vẻ lộng lẫy phòng Diên Hồng, nơi lắp đặt chùm đèn pha lê nhập khẩu từ Cộng hòa Séc nặng tới 5 tấn, lại nhìn ra giếng cổ, thềm cung, tôi cứ ngỡ như đâu đây tiếng thơ Thánh Tông Thượng hoàng mừng hội Thái bình diên yến sau khi toàn thắng quân Mông – Nguyên:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông thiên cổ
vững âu vàng)...

Quá khứ - hiện tại, nơi dấu thiêng cả thiên niên kỷ vốn rất xa xăm mà cũng thật gần. Dõi mắt về đường Độc Lập, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, những tán xà cừ cổ thụ đổ bóng um tùm. Rút lại tầm gần, ngay trên tầng 3 tòa nhà, giữa kiến trúc bê tông cốt thép, ấy vậy mà vẫn lộ ra những khoảng đất cỏ hoa và cây xanh cao tới dăm bảy mét, tỏa bóng mát rượi.

Quả là những nhà kiến trúc lồng ghép tính hiện đại trong cấu trúc xanh thật huyền diệu. Lại nhớ xưa kia cụ Nguyễn Công Trứ tức cảnh sinh tình: “Đất kinh kỳ riêng một áng lâm tuyền”. Còn Cao Bá Quát khi lên thành Thăng Long vãn cảnh mà nặng lòng cố quốc:

Đệ nhất phồn hoa thử cựu kinh,
Nùng sơn, Nhị thủy tối cao thanh!
Thiên niên thành quách
không kim cổ,
Thập lý nha phường lão tử sinh...

(Bậc nhất phồn hoa
kinh khuyết cũ,
Cao sâu Nùng, Nhị vẫn sơn hà!
Thành trì trơ mấy hồi kim cổ,
Phường phố
thay bao lớp trẻ già...).

Đăng Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/nen-cu-lau-dai-va-xuc-cam-15-nam-phong-vien-nghi-truong-70-nam-414881/