NDT tăng vị thế: Cửa nhập siêu sẽ rộng hơn

Đồng NDT của Trung Quốc đã chính thức gia nhập vào rổ tiền tệ quốc tế (SDR) của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cùng với các đồng USD của Hoa Kỳ, EUR của EU, yen Nhật và bảng Anh. Mặc dù điều này làm cho đồng NDT hạn chế phá giá mạnh như trước, song khi đồng NDT được thanh toán phổ biến hơn và có giá trị mạnh hơn, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sẽ đề xuất thanh toán bằng NDT nhiều hơn cũng ảnh hưởng đến các DN Việt Nam.

Lợi thế cho DN giao dịch hàng hóa Trung Quốc

Đối với Việt Nam, NDT được đưa vào SDR cũng có một số mặt tích cực, bởi khi NDT trở thành đồng tiền có giá trị hoán đổi quốc tế, Trung Quốc sẽ kiềm chế hơn trong vấn đề phá giá NDT. Còn nhớ năm 2015, trong 2 ngày liên tiếp 11 và 12-8, NH Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ điều chỉnh kỷ lục đối với tỷ giá tham chiếu hàng ngày khiến NDT giảm giá liên tiếp mạnh nhất kể từ năm 1994. Thời điểm đó, NHNN phải điều chỉnh tỷ giá giữa VNĐ và USD từ 1% lên 2% và giá vàng SJC lập tức tăng vọt tới 800.000 đồng/lượng.

Thời điểm hiện tại tỷ giá đang ổn định nhưng đang vào thời điểm cuối năm nhu cầu nhập hàng lớn hơn, trong khi đó đồng NDT vừa được đưa vào SDR, khiến các DN lo tỷ giá sẽ tăng đột biến, đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh vào thế khó. Vì vậy DN kỳ vọng NHNN dự phòng giải pháp để ổn định tỷ giá những tháng cuối năm.

Song song đó, các DN cũng đứng ngồi không yên vì nền sản xuất trong nước phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Theo thống kê năm 2015, nhập siêu của Việt Nam với thị trường này lên tới hơn 32,3 tỷ USD, NDT bị phá giá đã đẩy chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu, khiến giá thành sản phẩm làm ra tăng cao, nhiều DN gặp khó khăn. Vì vậy, với việc NDT vào SDR, tỷ giá đồng tiền này sẽ ổn định, Trung Quốc sẽ không thể tự ý can thiệp hạ giá hay tăng giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu mà NDT sẽ vận động theo thị trường, nên sẽ thuận lợi hơn cho DN có giao dịch với Trung Quốc.

Theo các Hiệp định về mua bán hàng hóa, dịch vụ ở khu vực biên giới, DN Việt Nam và Trung Quốc được chọn thanh toán tiền mặt bằng đồng tiền của 2 quốc gia. Năm 1998, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định mua bán hàng hóa ở vùng biên giới, năm 2003 NHNN cũng đã ký hiệp định thanh toán và hợp tác với PBOC. Trong Văn bản hợp nhất 11 ban hành năm 2014 của NHNN cũng có đồng tiền thanh toán trong xuất nhập khẩu qua biên giới Việt - Trung là ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc VNĐ hoặc NDT, tùy theo lựa chọn của DN. Song sau khi thanh toán, các DN muốn mang VNĐ hoặc NDT qua cửa khẩu biên giới phải tuân theo quy định chặt chẽ về mang ngoại tệ tiền mặt cũng như mang VNĐ tiền mặt khi xuất nhập cảnh. Do đó, trước nay trong các hợp đồng ngắn hạn, DN Việt Nam lẫn Trung Quốc khá chuộng thanh toán bằng đồng USD.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong ngắn hạn NDT gia nhập quỹ SDR không tác động đến các DN Việt Nam, vì đa số các hợp đồng đã được ký trước đó nên đồng tiền thanh toán đã được ấn định trước. Song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, về lâu dài NDT sẽ trở thành đồng tiền thanh toán phổ biến trong quan hệ giao dịch giữa DN Việt Nam và Trung Quốc, theo đó sau khi quy đổi, giá cả nhập khẩu hàng hóa, thiết bị, nguyên vật liệu sẽ tăng giá làm cho giá thành sản phẩm của DN Việt Nam tăng lên.

Xem xét kỹ tác động

Trao đổi với ĐTTC, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB), nhận định cách đây mấy tháng đồng NDT được đưa vào quỹ SDR, đến nay NDT đã bước vào những đồng tiền chuyển đổi trên thế giới. Để đạt được điều này, Trung Quốc cần phải minh bạch rất nhiều trong vấn đề phát hành cung tiền, kiềm chế lạm phát. NDT gia nhập SDR, khi thanh toán đồng NDT sẽ có quyền chuyển đổi sang các đồng tiền khác như USD, EUR, yen, bảng. Tuy nhiên, NDT được đưa vào SDR mới về nguyên tắc, Trung Quốc phải đáp ứng nhiều hình thức của IMF cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) về tính minh bạch trong thông tin, về vấn đề kiểm soát cung tiền, kiểm soát chi tiêu của chính phủ, điều đó mới trở thành hiện thực.

Việt Nam ở gần nền kinh tế lớn Trung Quốc, khi đồng tiền của Trung Quốc là đồng tiền chuyển đổi sẽ có lợi nếu Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc, nhưng thực tế Việt Nam nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc nên đây là một gánh nặng rất lớn cho Việt Nam. Đồng NDT đã chuyển đổi được, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc không còn là thâm hụt biên mậu nữa mà thâm hụt mang tính chất quốc tế. Khi NDT được sử dụng rộng rãi, các DN sẽ giảm bớt được chi phí khi giao dịch chuyển đổi thông qua đồng tiền thứ 3 và quan hệ thanh toán, quan hệ thương mại của DN 2 nước mạnh hơn, nhưng nhập siêu cũng có thể cao hơn. Đồng thời, đồng NDT hiện cũng chưa hẳn đáng tin cậy như các đồng tiền khác trong quỹ SDR. Hiện trong SDR, NDT chiếm 9,1%, có trọng số cao thứ 3 sau USD và EUR và được giao dịch nhiều như đồng yen và bảng. Song mức độ sử dụng chỉ khoảng 1,9%, thấp hơn so với các đồng tiền khác. Vì vậy, DN sử dụng NDT là đồng tiền thanh toán trực tiếp cũng như dự trữ NDT sẽ có rủi ro.

Năm 2015, Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam và NH Công thương Trung Quốc (ICBC) đã đề xuất cho mở rộng phạm vi sử dụng đồng NDT và cho phép ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ NDT với các NHTM Việt Nam đang thực hiện nghiệp vụ NDT, vì nhu cầu giao dịch thanh toán bằng NDT tại Việt Nam khá lớn và không ngừng tăng lên theo đà phát triển thương mại của 2 nước. Đây là kiến nghị đã được đưa ra nhiều lần trước đó nhưng bị bác bỏ. Tuy nhiên, khi NDT đã vào quỹ SDR, chắc chắn DN Trung Quốc đề xuất thanh toán bằng NDT nhiều hơn và khó có thể bác bỏ yêu cầu này. NDT được thanh toán rộng rãi tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện để hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào nước ta nhiều hơn, có thể lấn át sản phẩm nội địa.

Vì vậy, cần sớm xem xét tác động của việc NDT trở thành đồng tiền hoán đổi quốc tế đối với thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam để định hướng chính sách phù hợp trong bối cảnh hệ thống tài chính còn nhiều khó khăn. Hiện các hiệp hội cũng khuyến nghị DN nên tính toán lại thị trường nhập khẩu, tận dụng lợi thế Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc.

YÊN LAM

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161008/cua-nhap-sieu-se-rong-hon.aspx