'Này thơ dại, bước chậm lại đi' – Hãy cứ ngây ngô nếu có thể

Cuốn sách là tuyển tập truyện ngắn về cuộc sống làng quê Việt Nam thông qua cái nhìn ngây thơ, trong sáng của một cậu nhóc tám tuổi.

Tập truyện ngắn Này thơ dại, bước chậm lại đi là câu chuyện về đời sống làng quê Bắc bộ sau lũy tre làng. Bức tranh nông thôn mộc mạc giản dị hiện lên với cánh đồng lúa ngát hương, người nông dân chăm chỉ làm việc hay hình ảnh những cậu mục đồng ngẩn ngơ nghe tiếng sáo diều mặc cho đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ.

Ẩn trong cái yên bình ấy là những khoảng trời kỷ niệm tuổi thơ. Những trưa hè nắng nóng lũ trẻ rủ nhau đi phá ruộng, quậy tưng bừng đầu làng cuối xóm như những ông tướng con. Nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi niềm cũ kỹ, ăn sâu trong tiềm thức của người dân, mỗi khi nhắc đến người ta chỉ ngao ngán thở dài.

Cuốn sách Này thơ dại, bước chậm lại đi.

Cuốn sách Này thơ dại, bước chậm lại đi.

Cuốn sách gồm 22 truyện ngắn xung quanh chuyện trường lớp, chuyện bạn bè, chuyện gia đình của cu cậu Cò. Một đứa trẻ luôn nhận mình đang học lớp ba rưỡi mỗi lần được ai hỏi đến. Cò có một nhóm bạn gồm Bủm, Còi, Tí, Đẹt. Mỗi đứa một tính tình, vẫn ham ăn, ham chơi, ngây ngốc đúng với lứa tuổi.

Học trò vẫn nổi tiếng với những trò nghịch ngợm, Cò đương nhiên không phải ngoại lệ. Cậu nghĩ ra đủ thứ đề đùa nghịch từ nhặt dép ném bàng để đập hạt ăn cho đến rủ rê bạn bè kéo nhau đốt rơm tạo khói đóng vai Tôn Ngộ Không đại náo thiên đình. Vui nhộn, hài hước nhưng cũng không kém phần lắng đọng sâu xa, dẫu rằng trẻ con vô lo vô nghĩ nhưng thực ra các em biết cả. Chỉ khác cách thể hiện vẫn ngây ngô hồn nhiên khiến người lớn nghe xong mà tự phải thấy buồn.

Đọc truyện như đang được uống một dòng nước mát lành với câu chữ, văn chương dễ chịu đậm tính miêu tả. Con thuyền cảm xúc cứ dần dần trôi, nhẹ nhàng đưa người đọc đến một chốn bình yên thanh thản. Mở đầu bằng tiếng trống trường giòn giã cuối năm và khép lại bằng tiếng pháo giao thừa đang nổ, hứa hẹn một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn cho vùng đất yên bình này.

Có thể nhận xét rằng Này thơ dại, bước chậm lại đi viết cho trẻ thơ nhưng mang theo nỗi niềm, nỗi buồn của người lớn. Để lại đằng sau tiếng cười nghiêng ngả của đám trẻ con với những rung động đầu đời vụng dại, ngớ ngẩn là nét thoáng buồn phảng phất trên khuôn mặt người mẹ, người chị, hay hình ảnh người phụ nữ nói chung vùng thôn quê.

Vậy nên cảm xúc có những lúc tưởng lên cao vút cùng với sáo diều rồi lại nhanh chóng trùng xuống như chạm đáy đại dương. Ta sẽ cảm thấy buồn lắm, thương lắm cho chú chó Bim của Cò. Cái nhìn cuối cùng trong yếu ớt, vô vọng của con vật trung thành cả đời với chủ, cuối cùng bị đối xử bằng đưa đi chốn tối tăm phủ kín những lời dối trá tựa như khoai ngào đường. Người lớn thật xấu xa, nỡ lừa dối một đứa trẻ.

Họ đâu biết rằng cái nỗi đau như cắt vào da thịt ấy sẽ còn nhân lên gấp bội khi đứa nhóc đó tự mình chứng kiến được sự thật. Tâm hồn 8 tuổi non nớt khi ấy đã vỡ một mảnh nhỏ, mong manh, không còn tinh khiết bởi nhuốm một màu buồn. Lối viết tuy mộc mạng đơn sơ, giàu chi tiết nhưng lại có sức nặng. Dường như tất cả như được thu hết lại vào từng câu chuyện, toát lên vẻ đẹp ngỡ ngàng cho dù đó chỉ là bóng nắng hay khói bếp xế chiều. Càng về cuối sách tác giả viết càng chắc tay hơn, đẩy những suy nghĩ lâu nay bị kìm kẹp lên mức dâng trào, giọt nước tràn ly để rồi vỡ òa tất cả.

Tác giả lên án mạnh mẽ suy nghĩ cũ kỹ, trọng nam khinh nữ lâu nay vẫn tồn tại trong văn hóa nông thông Việt Nam. Lối nghĩ “có một thằng cu để ngẩng mặt lên với làng xóng láng giềng”. Chính thứ thiên kiến tai hại như thuốc độc ấy khiến các em lầm tưởng, từ bé đã vô hình gieo vào trong tiềm thức non nớt ấy sự ghẻ lạnh, hắt hủi của các ông bố gia trưởng. Trong truyện trường hợp như bác Châu, chị Hồng, con Bông, con Bé là đại diện cho người phụ nữ thấp cổ bé họng sau lũy tre làng.

Cả đời lầm lụi chăm lo chồng con, đường học ngắt quãng, ăn cơm cũng phải ngồi bếp để vừa lo hầu vừa lo chuẩn bị cho các cụ lớn. Chúng ta đang mải mê đấu trang công bằng xa xôi tận đâu nhưng cái sự bật công giữa các kiếp người tựa bên lại không thể nhìn thấy. Cuộc đời nhẫn nhục, lặng câm “Cái im lặng nhẫn nhục như hàng nghìn, hàng vạn cái im lặng trải bao đời nay. Hai người cúi mặt vào rổ hạt mít, tưởng như cuộc đời họ cũng chỉ khép hẹp vừa miệng rổ, với dăm ba câu chuyện đời bé mọn, nhỏ nhoi và đơn điệu như mấy hạt mít đang lăn lông lốc kia.”

Cơn bão kinh tế thị trường ập qua xô đổ những giá trị đạo đức vốn có nơi vùng quê này. Những hội trợ triển lãm lai căng, xấu xí, mang theo lỗ thủng văn hóa khó thể khỏa lấp. Con quên cha mẹ, chữ hiếu tưởng chừng như mong manh như gió thoảng.

Người mẹ thèm ăn gói kẹo bạc hà mà cô con gái cũng bỏ quên, cả đời tẩn tảo cho con cuối cùng đến hương kẹo cũng thành xa xỉ phẩm. Đạo đức thoái hóa tới nỗi những đứa con thoát ly nơi miền nam xa xôi trở về chốn chôn rau cắt rốn đưa tang mẹ cũng chỉ để lại dụng làm đầy túi tiền, Cò nhìn thấy hết, nhưng em không thể làm gì, lại lặng im nghe tiếng khóc trong lòng, tiếng ai oán xé toang trời chiều của vùng quê yên tĩnh.

Ghì chặt cảm xúc của mình vào những trang viết, tác giả Nguyệt đã chinh phục người đọc bằng việc trải tất cả nỗi lòng. Viết cho tuổi thơ đầy màu sắc, viết cho những điều cuộc sống đáng trân trọng.

My Lan

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nay-tho-dai-buoc-cham-lai-di-hay-cu-ngay-ngo-neu-co-the-post666743.html