NATO giương vây khi tên lửa hạt nhân Nga vào Đông Âu

Các nước Baltic được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi phía chính phủ Nga triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới tỉnh Kaliningrad.

Tên lửa chiến thuật Iskander-M của quân đội Nga trong cuộc diễn tập tại Kubinka, Nga, ngày 9/9. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong khi Điện Kremlin khẳng định đây là một phần của các hoạt động huấn luyện quân sự, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga thì các phương tiện truyền thông phương Tây lại cho rằng việc này là "một động thái mang tính chính trị nhằm phô trương sức mạnh, và nhằm bày tỏ bất bình trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến sát biên giới Nga".

Latvia cho rằng đây là mối đe dọa lớn nhất trong hơn 70 năm trở lại đây sau khi quân đội Nga triển khai các hoạt động quân sự ảnh hưởng đến khu vực. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Latvia Kaspars Galkins cho biết: “Vì Nga tăng cường hoạt động tại biên giới nên các lực lượng vũ trang trong nước phải nâng cao khả năng giám sát trên không trên biển”. Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cho rằng mục đích của Nga là nhằm "tìm kiếm sự nhượng bộ từ phương Tây" liên quan những bất đồng đang gia tăng giữa Nga với Mỹ và NATO về vấn đề Syria và Crimea.

Trong khi đó Đức và Phần Lan tức giận phản ứng với việc triển khai tên lửa hạt nhân, đặc biệt khi thủ đô Berlin của Đức nằm trong tầm bắn 724 km của tên lửa Iskander. Ngoài ra 650 binh lính Anh cũng ngay lập tức được triển khai tới phía đông châu Âu để kìm hãm sự mở rộng ảnh hưởng của Nga. Tướng lĩnh chỉ huy của NATO lo ngại nếu như Nga tiếp tục "bành trướng" thì quân đội NATO sẽ khó tiếp cận, dần dần ba nước Latvia, Litva và Estonia sẽ bị cô lập.

Tỉnh Kaliningrad, vùng lãnh thổ thuộc Nga nằm giữa Ba Lan và Litva, hiện là nơi neo đậu của hơn chục tàu chiến, tàu ngầm, đơn vị lục quân, một lữ đoàn hải quân và hai căn cứ không quân Nga.

Hồng Hạnh (theo The Sun)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/quan-su/nato-giuong-vay-khi-ten-lua-hat-nhan-nga-vao-dong-au-20161011154514373.htm