NASA họp khẩn công bố sự sống ngoài Trái đất

Các nhà thiên văn học của NASA và Đài thiên văn Nam Âu vừa tuyên bố tìm thấy 7 ngoại hành tinh có kích thước gần giống Trái đất, có thể duy trì sự sống.

Theo hãng tin CNN, vào lúc 1h sáng ngày 23/2 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tổ chức họp báo khẩn ở Washington và công bố phát hiện gây kinh ngạc: họ đã tìm ra 7 hành tinh có thể có sự sống ngoài Trái đất.

7 hành tinh mới được phát hiện xoay quay một ngôi sao lùn mang tên TRAPPIST-1.

Những hành tinh này quay quanh một ngôi sao khác cách khoảng 40 năm ánh sáng, và 3 trong số 7 ngoại hành tinh trên có thể chứa nước ở dạng lỏng giúp duy trì sự sống.

Theo CNN, đây là một phát hiện hiếm hoi hầu như có rất ít các hành tinh cùng quay xung quanh một hành tinh khác giống như hệ mặt trời của chúng ta. Những hành tinh này đều có khí hậu ôn đới, có nước trên bề mặt và có khả năng hỗ trợ sự sống.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta tìm thấy nhiều hành tinh thuộc loại này, lại xoay quanh cùng một ngôi sao”, Michael Gillon, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu và các nhà thiên văn học tại Đại học Liege, Bỉ cho hay.

Cụ thể, những hành tinh này đều xoay quanh một ngôi sao lùn mang tên TRAPPIST-1 (cách hệ mặt trới 39 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Bảo Bình, có nhiệt độ bằng 1/2 và khối lượng bằng 1/10 Mặt trời). Các nhà khoa học trước đó vào tháng 5/2016 đã công bố 3 hành tinh xoay quanh TRAPPIST-1 nhưng nay số lượng đã tăng lên 7.

Dựa vào việc ước tính khối lượng, các nhà khoa học cho hay 7 hành tinh mới tìm thấy đều là hành tinh đá, không phải hành tinh khí như sao Mộc. 7 hành tinh này nằm rất gần nhau và có quỹ đạo từ 1 đến 13 ngày.

Trong số những hành tinh này, TRAPPIST-1f là lựa chọn tốt nhất cho sự sống của con người.

3 trong số 7 hành tinh, được đặt tên là TRAPPIST-1e, f và g, có thể có đại dương trên bề mặt. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu tin rằng TRAPPIST-1f có thể là lựa chọn tốt nhất trong số 7 hành tinh có khả năng duy trì sự sống như Trái đất. Dù nhiệt độ ở hành tinh TRAPPIST-1f thấp hơn ở Trái đất một chút nhưng nó gần nhất với bầu khí quyển mà chúng ta đang hít thở và đủ các khí nhà kính.

Đứng ở trên một trong số các hành tinh này, con người sẽ nhận được ít ánh sáng hơn 200 lần so với lượng ánh sáng nhận từ Mặt trời, nhưng nguồn sáng này vẫn đủ để cho con người giữ ấm vì các ngôi sao nằm rất gần nhau.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có một phát hiện quan trọng trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. Tôi nghĩ rằng trước đây chúng ta chưa hề có một hành tinh nào đủ điều kiện để nghiên cứu về sự sống. Còn ở hành tinh mới phát hiện này, nếu có sự sống cùng sự tồn tại của những loại khí nhà kính tương tự như trên Trái đất, chúng ta sẽ sớm biết”, Amaury Triaud, một trong những nhà thiên văn học tham gia vào quá trình nghiên cứu từ Đại học Cambridge nói.

Còn theo ông Thomas Zurbuchen, một trong những người chịu trách nhiệm quản lý khoa học tại NASA, phát hiện lần này giúp chúng ta trả lời câu hỏi rằng liệu con người có đơn độc trên Trái đất hay còn có những sự sống khác nhen nhóm ngoài vũ trụ bao la kia.

Trong khoảng 10 năm tới, các nhà nghiên cứu muốn xác định chính xác thành phần khí quyển trên mỗi hành tinh này, cũng như xác định xem chúng có thực sự có nước trên bề mặt và dấu hiệu của sự sống hay không.

Dù khoảng cách 40 năm ánh sáng nghe có vẻ không quá xa nhưng điều đó đồng nghĩa với việc con người phải mất hàng triệu năm để tiếp cận với hệ thống các hành tinh này. Nhưng nhìn từ góc độ nghiên cứu, đây là cơ hội tuyệt vời bởi các nhà khoa học đã tiến rất gần với mục tiêu nghiên cứu sự sống ngoài hệ mặt trời.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nasa-hop-khan-cong-bo-su-song-ngoai-trai-dat-a316342.html