Narasimha Rao - vị Thủ tướng “bị lãng quên” của Ân Độ

Vị thủ tướng tình cờ

(Cadn.com.vn) - Ông Narasimha Rao đã giành chiến thắng trong 8 cuộc bầu cử liên tiếp và đã trải qua hơn 50 năm trong đảng Quốc đại trước khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ. Ông có thể nói được 10 ngôn ngữ, và là một người phiên dịch thành thạo. Ông nắm rõ hai ngôn ngữ máy tính và có thể viết được mật mã máy tính khi đã 60 tuổi. Đó chưa phải là tất cả. Trước khi trở thành thủ tướng thứ 10 của Ấn Độ, ông Rao vận động tranh cử bằng 3 ngôn ngữ, chiến thắng ở 3 bang lớn. Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Jairam Ramesh, khiếm khuyết lớn nhất của ông Rao là “có sức hút của một con cá chết”.

Công bằng mà nói, chính trị gia khiêm tốn này là một thủ tướng tình cờ, nổi lên như một ứng viên bất ngờ sau khi Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát vào tháng 5-1991, và góa phụ Sonia Gandhi từ chối kế nhiệm.

Ông Rao chỉ đơn giản là xuất hiện đúng nơi và vào đúng thời điểm. Tháng 6-1991, Ấn Độ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhìn thấy trước mắt. Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát. Nền kinh tế chao đảo. Đất nước chỉ còn đủ ngoại tệ để trả cho hàng hóa nhập khẩu trong 2 tuần. Giá dầu tăng gấp 3 sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990, làm tê liệt nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ nhập khẩu. Tiền gửi về nước từ những lao động làm việc tại Trung Đông giảm mạnh, và những người Ấn Độ sống ở nước ngoài rút 900 triệu USD khỏi các ngân hàng Ấn Độ. 2 tuần sau khi ông Rao nhậm chức, Ấn Độ phải gửi 21 tấn vàng cho Ngân hàng Trung ương Anh để đổi lấy tiền nhằm trì hoãn vỡ nợ. Ba bang Punjab, Kashmir và Assam bị tàn phá bởi bạo lực ly khai. Liên Xô, đồng minh thân cận nhất của Ấn Độ, cũng tan rã.

Trong cuốn tiểu sử “Narasimha Rao đã cải biên Ấn Độ như thế nào” mới được xuất bản, nhà khoa học chính trị Vinay Sitapati lập luận, ông Rao, người đã qua đời vào năm 2004 ở tuổi 83, là kiến trúc sư chính của cải cách kinh tế Ấn Độ.

Ông Rao (giữa) trở thành Thủ tướng Ấn Độ sau vụ ám sát Rajiv Gandhi (trái) vào năm 1991. Ảnh: BBC

Thành công vang dội

Bất chấp những khó khăn, Thủ tướng Rao mạnh mẽ quyết tâm đẩy mạnh cải cách hơn bất cứ vị lãnh đạo nào khác của Ấn Độ. Những hạn chế đầu tư nước ngoài được dỡ bỏ, các hệ thống cấp phép ngột ngạt được tháo dỡ, các Cty nhà nước độc quyền bị loại bỏ, giảm thuế, nhiều cải cách thị trường vốn và ngân hàng được thực hiện. Ông Rao cũng bổ nhiệm ông Manmohan Singh, người sau này trở thành thủ tướng, làm Bộ trưởng Tài chính và các thành viên cao cấp trong đảng ở những vị trí quan trọng trong công cuộc cải cách kinh tế.

Nỗ lực của ông Rao đã được đền đáp. Năm 1994, GDP của Ấn Độ tăng 6,7%/năm và tăng hơn hơn 8% trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của ông Rao. Lợi nhuận của các Cty tư nhân tăng 84%. Dự trữ ngoại hối tăng lên hơn 15 lần. Các đài phát thanh và các hãng hàng không tư nhân đầu tiên bắt đầu hoạt động. New York Times mô tả “Ông Rao, 72 tuổi, một nhà lãnh đạo lớn tuổi, trong những năm cuối đời, đã vực dậy nền kinh tế mà các chính phủ trước không thể làm được”.

Sai lầm tai hại

Những thành tựu kinh tế xuất sắc của ông Rao bị xóa nhòa bởi quyết định phá hủy nhà thờ Babri vào tháng 5-1992. Động thái này của ông dẫn đến các cuộc bạo loạn tôn giáo đẫm máu nhất trong thời kỳ hậu độc lập Ấn Độ. Ông Sitapati cho rằng, ông Rao “bị mù bởi một số lãnh đạo trong đảng đảm bảo với ông rằng sẽ không có hậu quả gì khi phá hủy nhà thờ trên”. Ngoài ra, ông Sitapati cho rằng, ông Rao bị đảng Quốc đại bỏ rơi, vì họ không muốn sự trỗi dậy của một nhà lãnh đạo không thuộc về triều đại Nehru-Gandhi. Quá tự tin vào những thành tựu đạt được, ông Rao không vận động tranh cử về các vấn đề kinh tế. Do đó, đảng của ông Rao đã thua trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 1996.

An Bình
(Theo BBC)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_152109_narasimha-rao-vi-thu-tuo-ng-bi-la-ng-quen-cu-a-an-.aspx