Nắp cống đè chết bé trai và câu chuyện trách nhiệm

Sau những tai nạn thương tâm: bé trai bị nắp cống đè chết, người đàn ông rớt hố ga tử vong... thì hầu hết những cá nhân có liên quan chỉ bị đề nghị xử lý hành chính về trách nhiệm. Kiểu xử lý này sao đủ sức răn đe?

Có những vụ việc đau lòng liên quan đến trẻ em, thậm chí gây tử vong nhưng không xử lý được ai, người ta chỉ rút kinh nghiệm rồi cứ thế lặp lại cho dù tai nạn có thể đã không xảy ra nếu trách nhiệm xã hội được đề cao, các cá nhân và tổ chức tôn trọng pháp luật.

Đơn cử là việc bé trai bị nắp cống đè gây tử vong ở quận 12,TP.HCM. Bác sĩ và công an kết luận cháu bị bể phổi, gãy xương ngực và có hình của khung cống nước đè lên người.

Người dân quanh khu vực cho biết: Hôm sự việc diễn ra, ai chứng kiến cũng không cầm được nước mắt. Người dân mong cơ quan chức năng khi tiến hành thi công công trình gì thì cũng cần chú ý để đảm bảo an toàn, đừng để những tai nạn đáng tiếc như vậy xảy ra nữa.

Hiện trường vụ cháu bé bị nắp cống đè tử vong.

Vâng, người dân hiền lành chất phác chỉ còn có nước yêu cầu tinh thần trách nhiệm của những đơn vị thi công, một tiếng kêu đồng vọng và hình như không có lời đáp vì loại tai nạn do sự vô trách nhiệm, không có rào chắn an toàn như vậy không hiếm. Nếu công trường có biển cảnh báo nguy hiểm, có rào chắn, có người trông coi không cho trẻ em vào chơi ở khu vực nguy hiểm thì cái chết thương tâm, mất mát không thể bù đắp này cho gia đình nạn nhân bé nhỏ đã không xảy ra.

Trước đó đã có một vụ tai nạn chết người cùng tính chất, nạn nhân là người lớn. Một người đàn ông mải chạy theo xe buýt đã rớt xuống hố ga và tử vong. Nạn nhân là ông Ng. bị nạn tại đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM).

Sự việc được báo chí thông tin, dư luận đòi hỏi quy trách nhiệm vì lối làm ăn cẩu thả và tắc trách của đơn vị thi công.

Thế nhưng, căn cứ biên bản khám nghiệm hiện trường, kết quả thực nghiệm điều tra và các tài liệu chứng cứ thu thập, ngày 2.1.2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn này.

Người đàn ông mải chạy theo xe buýt và rớt xuống hố ga tử vong.

Những cá nhân có liên quan đã được đề nghị xử lý hành chính về trách nhiệm.

Công luận cho rằng cách xử lý thiên về hành chính như vậy là không đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1.6.2017, mục đích của Bộ luật hướng tới là bảo đảm quyền và lợi ích trẻ em, trách nhiệm của người lớn, của cộng đồng cũng như làm thế nào để trẻ được an toàn từ gia đình đến nhà trường và xã hội.

Thế nhưng luật vừa có hiệu lực thì có quá nhiều chuyện xảy ra với trẻ em cho thấy môi trường sống của các em không an toàn.

Clip em bé khát sữa bị treo lên xà nhà mà chính người gây bạo hành là ba mẹ nuôi của bé trả lời hồn nhiên rằng họ treo bé lên vì nghi bé trộm sữa uống vì khát sữa.

Clip chỉ kéo dài hơn 30 giây thế nhưng nhiều người đã không có đủ kiên nhẫn và sức chịu đựng để xem hết. Trong đoạn clip, một bé gái khoảng 5, 6 tuổi bị cột tay rồi treo lên xà nhà, đứa trẻ liên tục giãy giụa, la khóc kêu đau khiến bất cứ ai theo dõi cũng cảm thấy xót xa.

Cơ quan chức năng xác định, do hoàn cảnh gia đình, cháu bé này không có người nuôi dưỡng, được một số gia đình quen giới thiệu cho gia đình ông Phạm Đăng Trình (SN 1971) và vợ là Nguyễn Thị Phượng (SN 1971 đều trú tại thôn 4, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường) xin về nuôi dưỡng rồi bị Phượng treo lên xà nhà như trên.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận phẫn nộ bởi những hình ảnh trẻ bị chính người thân bạo hành dã man.

Trước đó, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một bé gái với đôi mắt trong veo đang ngồi ở hành lang bệnh viện, với những vết thâm tím khắp cơ thể. Bé gái bị bố là Hoàng Văn L. (người địa phương) hành hung trong lúc say rượu.

Những thông tin loại như vậy đầy rẫy trên mạng xã hội, nó thuộc về trách nhiệm cá nhân, có thể do phần nào là xã hội truyền thông chưa tốt trách nhiệm của người lớn với trẻ em.

Người lớn còn vậy, trẻ em như búp măng non, hồn nhiên và ngơ ngác thì sao có thể phòng, lường được những hiểm nguy đang bủa vây quanh mình.

Câu trả lời nên dành cho cơ quan thực thi pháp luật vì kiểu xử lý hời hợt như vậy thì những cái chết lãng xẹt không chừa bất cứ ai vẫn cứ tiếp tục xảy đến...

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nap-cong-de-chet-be-trai-va-cau-chuyen-trach-nhiem-782470.html