Nạo vét luồng cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng): Đổ bùn ra biển

Dự án đầu tư xây dựng cảng Lạch Huyện sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Một trong hạng mục xây dựng cảng Lạch Huyện là nạo vét bùn, đất. Tổng cộng có khoảng 40 triệu m3 bùn đất sẽ được nạo vét. Trong đó, 36 triệu m3 đất bùn trong luồng cảng và 4 triệu m3 bùn ở vùng nước trước bến. Theo các văn bản của UBND thành phố Hải Phòng và được sự đồng thuận của Bộ GTVT, phương án nạo vét bùn sẽ được đổ vào 2 khu: Sau đê chắn sóng của 2 bến khởi động (Nam Cát Hải) và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Tuy nhiên, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) còn có thêm "kế sách” đổ bùn... ra biển.

Dự án đầu tư xây dựng cảng Lạch Huyện sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Một trong hạng mục xây dựng cảng Lạch Huyện là nạo vét bùn, đất. Tổng cộng có khoảng 40 triệu m3 bùn đất sẽ được nạo vét. Trong đó, 36 triệu m3 đất bùn trong luồng cảng và 4 triệu m3 bùn ở vùng nước trước bến. Theo các văn bản của UBND thành phố Hải Phòng và được sự đồng thuận của Bộ GTVT, phương án nạo vét bùn sẽ được đổ vào 2 khu: Sau đê chắn sóng của 2 bến khởi động (Nam Cát Hải) và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Tuy nhiên, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) còn có thêm "kế sách” đổ bùn... ra biển.

Bài 1: 40 triệu m3 bùn xả thẳng ra... biển?

*Nguy cơ ô nhiễm vùng dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà

Theo cái lý của JICA, nếu đổ bùn ra biển, cự ly từ điểm hút đến vị trí xả bùn chỉ 16 km (phía Nam Cát Bà), luồng đường thông thoáng, chi phí 35 tỷ Yên. Phương án này, không phải xây dựng đê bao và hố trung chuyển, cứ xả thẳng bùn ra biển (?!), không phải nạo vét luồng công vụ nên thời gian mất 41 tháng, bảo đảm tiến độ dự án. Và quan trọng hơn số tiền phát sinh cho việc xây dựng đê bao, đào hố trung chuyển, nạo vét luồng công vụ không nằm trong Hiệp định vốn vay của ODA.

Đảo Cát Bà - Ảnh: T.L

Hủy diệt môi trường biển

Theo các nhà khoa học: Cát Bà có diện tích 15.200 ha, trong đó có 9.000 ha rừng, 5.400 ha biển tạo nên một môi trường sinh thái lý tưởng, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG). KDTSQTG - Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động. Sinh vật biển đảo Cát Bà phong phú và đa dạng vào bậc nhất ở các vùng đảo phía Bắc nước ta với 2.320 loài động, thực vật, trong đó, có gần 60 loài được coi là đặc hữu, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như chò đãi, kim ngao, lá khôi, lát hoa, dẻ hương, thổ phục linh, trúc đũa, sến mật... Ngoài ra còn 8 loài rong, 7 loài động vật đáy cũng cần được bảo vệ. Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện vùng biển Cát Bà có 193 loài thuộc lớp san hô, tập trung nhiều ở các đảo Áng Thảm, Cát Dứa, Mũi Hồng, Ba Trái Đào, cụm đảo Đầu Bê-Hang Trai, Long Châu. Đây không chỉ là nơi lưu giữ và phát triển nguồn gene quý của vịnh Bắc Bộ, mà còn có nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao. Trên 30 loài cá kinh tế và 70 loài động vật đáy tại vùng biển này đã hợp thành ngư trường cá đáy và cá nổi Cát Bà-Long Châu, mang lợi ích về du lịch, xuất khẩu và phát triển nguồn lợi thủy sản. Những lúc biển lặng, du khách đến nơi đây có thể tham gia du lịch sinh thái biển với các cuộc lặn, thám hiểm một phần sự kỳ thú của Cát Bà dưới đáy đại dương.

Trong các văn bản về phát triển KT-XH của thành phố Hải Phòng nói chung và Cát Bà nói riêng đều xác định: Gìn giữ KDTSQTG - quần đảo Cát Bà thành điểm du lịch hấp dẫn, phát triển nuôi trồng thủy sản có quy hoạch... bảo đảm Cát Bà phát triển bền vững.

Không thể đổ bùn ra biển

Vẫn theo đánh giá của các nhà khoa học: Chỉ cần vứt rác ra biển hay đổ bùn ra biển, dù 1m3 hay 40 triệu m3 cũng đều tác động xấu đến môi trường biển. Bùn nạo vét phần lớn là bùn dạng lỏng, hạt nhỏ, sức liên kết yếu, dễ phát tán trong nước. Vì vậy nếu không có tuyến đê bao, hồ trung chuyển, chắc chắn tác động rất xấu đến môi trường biển Cát Bà- Hạ Long- Đồ Sơn. Theo đó, ít nhất hệ sinh thái động thực vật đáy biển khu vực đổ thải đất bùn bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí các lớp san hô, các loại rong, tảo biển nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới... bị san lấp và tiêu diệt. Mặt khác, 40 triệu m3 bùn sẽ làm thay đổi dòng chảy, thay đổi chế độ sóng và thủy triều của khu vực biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Theo công bố của Cảng vụ Hải Phòng: Tháng 1-2006, tuyến luồng Lạch Huyện có độ sâu –7,2m, đến tháng 7/2011, đoạn cảng này chỉ còn sâu –5,8m. Vậy ai dám bảo đảm, sau 5 năm nữa, số đất bùn đổ ra biển không trôi ngược vào luồng.... Lạch Huyện.

Chúng ta sử dụng vốn vay ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH là cần thiết. Nhưng không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, thậm chí phá vỡ KDTSQTG - quần đảo Cát Bà, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên quần đảo và vùng du lịch lân cận (Đồ Sơn, Hạ Long). Thực tế cho thấy, ở Hải Phòng, nhiều nhà máy đóng tàu Bến Kiền, Nam Triệu, Tam Bạc... khi xây dựng âu đà, ụ nổi, nạo vét luồng để hạ thủy tàu hoặc xây dựng cảng cá Mắt Rồng... đều phải có phương án hút đất bùn đổ lên bờ để san lấp mặt bằng cho các dự án khác, vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa bảo vệ môi trường, không có bất cứ dự án nào dám đổ bùn, đất xuống biển. Vì vậy, phương án đổ 40 triệu m3 bùn được hút từ luồng cảng Lạch Huyện đổ ra biển khu vực đảo Cát Bà là không thể chấp nhận được.

Vũ Trang

[Bài 2: Đổ ra biển - đổ lên bờ: Góc nhìn kinh doanh]

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=49320&menu=1390&style=1