'Náo loạn' các cơ sở 'phù phép' dầu nhớt phế thải

Trên thực tế đã có khá nhiều cơ sở tại các tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Hà Nội… bị lập biên bản vì mua bán, tái chế dầu nhớt thải trái phép.

Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều xếp dầu nhớt thải vào danh mục chất thải nguy hại với khả năng gây ô nhiễm rất lớn đối với sức khỏe con người, môi trường sống.

Hiện nay, toàn thị trường Việt Nam sử dụng khoảng hơn 400.000 tấn dầu nhớt/năm, tương ứng sẽ có 300.000 tấn dầu nhớt thải/năm và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Tuy nhiên, đến nay công tác thu hồi và xử lý vẫn chưa được quản lý chặt chẽ.

Nhiều cơ sở thu gom, xử lý dầu nhớt thải vẫn còn đang sử dụng công nghệ đốt thu gom dầu của Trung Quốc hoặc bắt chước công nghệ Trung Quốc. Trên thực tế đã có khá nhiều cơ sở tại các tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Hà Nội… bị lập biên bản vì mua bán, tái chế dầu nhớt thải trái phép.

Ngày 4/4/2016, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh phối hợp với công an huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang cơ sở tái chế, chưng cất dầu thải do Nguyễn Văn Học, sinh năm 1963, trú tại Khu 7, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương làm chủ.

Các ngành chức năng phát hiện cơ sở này có 1 lò đốt dầu thải xây bằng gạch đang hoạt động đốt, tái chế và chưng cất khoảng 2.000 lít dầu thải, do đối tượng Nguyễn Văn Học là người trực tiếp chưng cất và Trần Văn Quang, sinh năm 1981, trú ở xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương là người phụ giúp, trông coi lò đốt. Xung quanh lò đốt, có 156 vỏ thùng phuy bằng sắt, 54 can nhựa loại 30 lít chứa dung dịch để cho vào làm sạch dầu trong quá trình chưng cất, 1 mô tơ bằng điện để làm quạt gió lò đốt, 2 mô tơ bằng điện để hút nước và dầu và nhiều vật dụng khác liên quan đến việc chưng cất, tái chế dầu thải.

 Lò chưng cất dầu nhớt phế thải của nhà ông Học. Ảnh: Hà Nội mới

Lò chưng cất dầu nhớt phế thải của nhà ông Học. Ảnh: Hà Nội mới

Tất cả số dầu thải trên đều được để ngoài trời, không có mái che, dầu thải chảy tràn lan trên nền đất trong khuôn viên của cơ sở. Nước giải nhiệt trong quá trình sản xuất hòa lẫn dầu thải và nước mưa được thải thẳng ra hồ nước kế bên cơ sở mà không qua bất cứ biện pháp xử lý nước thải nào. Hằng ngày, cơ sở này thu mua dầu nhớt thải nhỏ lẻ từ các nơi mang đến, sau đó, chưng cất thành nhớt thành phẩm để bán cho các đơn vị thi công cầu đường và những cơ sở cần nhiên liệu đốt.

Điều đáng nói là mặc dù hoạt động từ năm 2009, nhưng trong suốt trong 7 năm qua, cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có giấy phép. Đồng nghĩa với từng đấy thời gian, người dân xung quanh cơ sở tái chế này phải chấp nhận chung sống với ô nhiễm và nguy hại.

Trước đó vào tháng 9/2014, cơ quan chức năng bắt quả tang một cơ sở sản xuất dầu nhớt trái phép tại ấp Tân Long, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang vận hành lò đốt để tái chế dầu nhớt với khối lượng khoảng 2.400 lít dầu thải của lực lượng công an tỉnh Đồng Tháp.

Tổ công tác thuộc Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49B) bắt quả tang cơ sở sản xuất dầu nhớt, chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Hải Yến (người địa phương) khai nhận cơ sở đã hoạt động được gần 6 năm. Bà Yến cũng không cung cấp được bất cứ giấy phép, xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý.

Tại thời điểm ngành chức năng kiểm tra một công nhân của cơ sở đang vận hành lò đốt để tái chế dầu nhớt với khối lượng khoảng 2.400 lít dầu thải. Cơ quan chức năng còn phát hiện trong khuôn viên của cơ sở đang lưu giữ khoảng 22.000 lít dầu thải đựng trong phuy sắt và bồn nhựa. Hàng ngày, cơ sở này thu mua dầu nhớt thải nhỏ lẻ từ các nơi mang đến, sau đó chưng cất thành nhớt thành phẩm để bán cho các đơn vị thi công cầu đường và những cơ sở cần nhiên liệu đốt, với số lượng trung bình là 20.000 lít/tháng.

Trước đó, do hoạt động không có giấy phép và gây ô nhiễm môi trường, cơ sở thu mua và chế biến nhớt thải của bà Yến cũng đã bị Công an tỉnh Đồng Tháp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 lần vào các năm 2011 và 2012 với tổng số tiền 70 triệu đồng.

Cũng liên quan đến việc xử lí các cơ sở tái chế dầu nhớt phế thải, năm 2013, trên báo Thanh niên có bài phản ánh tình trạng trên địa bàn thủ đô Hà Nội xuất hiện cả trăm người làm nghề thu gom nhớt thải cung cấp cho các lò. Qua tìm hiểu, các lò “tái chế” tập trung phần lớn tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Chương Mỹ…

Các dụng cụ tái chế dầu nhớt thải đều hết sức thô sơ. Ảnh: Thanh niên

Xã An Khánh (H.Hoài Đức, Hà Nội) với dân số hơn 2 vạn, từ lâu được coi là địa điểm thu mua, tái chế nhớt thải lớn nhất miền Bắc. Khắp đường làng, ngõ xóm, tới đâu cũng bắt gặp những phuy nhớt đợi các đầu nậu mang xe ô tô tải tới chở đi đóng bao bì tiêu thụ. Theo ghi nhận của PV, xã An Khánh có không dưới 10 lò với công suất mỗi lò cả nghìn lít mỗi ngày. Ngoài ra còn nhiều điểm thu gom, tái chế nhớt nhỏ lẻ khác.

Khác với lò ở khu vực xã Vân Côn, ở An Khánh các chủ lò đốt nhớt thải bằng than đá, dùng bột cao lanh loại 500 đồng/kg để lôi kéo các hạt kim loại, bụi bẩn lơ lửng có trong nhớt lắng xuống đáy và dùng chất xúc tác thải của nhà máy lọc dầu để tái chế nhớt… Tất cả các công đoạn đều diễn ra thủ công.

Sau khi được đun nấu, chưng cất, thậm chí không cần chưng cất, loại dầu nhớt này đổ ra nhìn cũng chẳng khác gì nhớt sạch của các thương hiệu lớn, được bán đổ buôn với giá 36.000 đồng/lít. Tính ra, đầu tư vốn 1,8 triệu đồng để thu gom 1 phuy nhớt 200 lít, tái chế xong các lò bán buôn 7,2 triệu đồng/phuy, trừ hết các chi phí mỗi phuy cũng có lãi 3,6 triệu đồng. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, loại nhớt tái chế này chủ yếu được đem phân phối tại các huyện ngoại thành và các tỉnh vùng xa.

Còn vào ngày 13/8/2013, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an H.Trảng Bom kiểm tra đột xuất cơ sở tái chế dầu công nghiệp do ông Nhơn làm chủ (ở xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom), phát hiện nhân viên của cơ sở đang nấu dầu nhớt thải thành dầu thành phẩm nhưng không có giấy phép kinh doanh, không có hệ thống xử lý chất thải, khí thải...

Bên trong cơ sở có 70 thùng phuy (loại 200 lít/thùng) chứa nhớt phế thải, 15 thùng nhựa chứa dầu diesel thành phẩm, tổng cộng khoảng 20.000 lít dầu các loại. Ông Nhơn khai nhận đã mua dầu, nhớt thải công nghiệp, dầu cặn với giá từ 1.000 - 3.000 đồng/lít rồi tái chế để bán về H.Bình Chánh (TP.HCM) với giá 14.000 đồng/lít.

Cũng tại Hải Phòng, theo nguồn tin của Cảnh sát môi trường, người dân quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng phản ánh cơ sở tái chế dầu phế thải của ông Vũ Anh Dương (HKTT tại phường Thượng Lý), trên địa bàn tổ dân phố An Trì I, phường Hùng Vương, Hồng Bàng đang trữ tới 20 phuy loại 200 lít và 4 téc có thể tích 15m3 dầu phế thải. Khi Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng tiến hành kiểm tra, ông Dương không xuất trình được giấy phép kinh doanh loại mặt hàng này, không có cam kết bảo vệ môi trường, không có báo cáo tác động môi trường.

Thu Thảo (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nao-loan-cac-co-so-phu-phep-dau-nhot-phe-thai-d98383.html