Não bộ của phụ nữ tăng kích thước trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt

Theo một nghiên cứu mới tại Viện nghiên cứu Max Planck về Khoa học Nhận thức và Não bộ con người ở Leipzig (Đức), một phần não bộ của một người phụ nữ có thể thường xuyên thay đổi kích thước trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Theo các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Max Planck về Khoa học Nhận thức và Não bộ con người, Hippocampus (Hồi hải mã – trung tâm bộ nhớ, tâm trạng và cảm xúc của phụ nữ) tăng nhẹ mỗi tháng khi mức độ estrogen tăng lên và co lại khi nồng độ hormone giảm.

Trước đây, các nghiên cứu đã cho thấy, hồi hải mã có thể dần thay đổi kích thước theo thời gian để đáp ứng các nhân tố môi trường. Ví dụ, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người lái taxi ở London có vùng đồi hải mã tăng trưởng bất thường vì họ phải ghi nhớ số lượng lớn các điểm đến trong thành phố, các tuyến đường. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy vùng hồi hải mã ở phụ nữ có thể dao động theo 1 chu kỳ đều đặn mỗi tháng để đáp ứng sự thay đổi nồng độ hormone.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét 30 người phụ nữ và đo nồng độ estrogen trong máu của họ. Những người này cũng được quét chụp cộng hưởng từ bộ não trong khoảng 4 lần chu kỳ kinh nguyệt.

Bà Claudia Barth, tác giả chính của nghiên cứu, nghiên cứu sinh tại viện nghiên cứu Max Planck về Khoa học Nhận thức và Não bộ con người, cho biết “Chúng tôi thấy rằng song song với mức độ estrogen tăng cao dẫn đến sự rụng trứng, thể tích của vùng hồi hải mã cũng tăng lên chút ít. Đồng thời, cả chất xám và chất trắng trong não đều tăng”.

Theo một nghiên cứu mới tại Viện nghiên cứu Max Planck về Khoa học Nhận thức và Não bộ con người ở Leipzig (Đức), một phần não bộ của một người phụ nữ có thể thường xuyên thay đổi kích thước trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Phát hiện mới đáng kinh ngạc này đã được các nhà nghiên cứu thực hiện kết hợp với việc điều tra chứng rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt (PMDD). Đây là một chứng rối loạn ảnh hưởng đến 1 trong 12 phụ nữ, có thể gây ra một loạt các thay đổi về tâm trạng, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và lo lắng. Giống như hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), PMDD thường xuất hiện ở những ngày trước khi đến thời kỳ kinh nguyệt, sau khi rụng trứng.

Đồng tác giả của nghiên cứu này, Tiến sĩ Julia Sacher, cho biết hiện vẫn chưa rõ việc thay đổi thể tích của vùng đồi hải mã hàng tháng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của phụ nữ, nhưng các nhà nghiên cứu dự đoán rằng những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến hành vi và khả năng nhận thức của phụ nữ.

Bà Claudia Barth cho biết trong quá trình nghiên cứu trên chuột, không chỉ cấu trúc bộ não mà ngay cả hành vi của chúng cũng thay đổi dựa trên chu kỳ hàng tháng. Tiến sĩ Sacher cho rằng sự thay đổi này có thể sẽ khác khi nghiên cứu trên người.

Trong giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu, Tiến sĩ Sacher cho biết sẽ thực hiện theo cách tương tự như trước nhưng với sẽ thử nghiệm trên một nhóm người tham gia lớn hơn để quan sát kích thước vùng đồi hải mã một cách kĩ lưỡng hơn.

Bà Claudia Barth nói kết quả này có thể hữu ích trong việc giúp phụ nữ điều trị chứng rối loạn khó chịu tiền kinh nguyệt.

Thanh Loan (independent)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nao-bo-cua-phu-nu-tang-kich-thuoc-trong-moi-chu-ky-kinh-nguyet-c7a458859.html