Nâng trần nợ công có đảm bảo an ninh tài chính?

Đó là những lo ngại được đưa ra ngày 17/10, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016 và kế hoạch năm 2017.

Đồng thời cho ý kiến, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Tăng trưởng 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế năm 2016, cả Chính phủ và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều khẳng định tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) không đạt kế hoạch. Chính phủ nhìn nhận, tốc độ tăng GDP thấp hơn chỉ tiêu 6,7% Quốc hội giao nhưng vẫn dự báo mức 6,3 - 6,5%. Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng kết quả ước thực hiện GDP năm 2016 tăng 6,3 - 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng, khó đạt được. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, sự sụt giảm tăng trưởng trong nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chững lại về tốc độ, đặc biệt xuất khẩu vào khu vực ASEAN (giảm 10%) và thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng (8 tháng là 18,8 tỷ USD). Hệ thống DN là động lực phát triển nhưng cả khu vực Nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và tính cạnh tranh, số DN đăng ký nhiều nhưng số đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 57% so với số đăng ký.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Dự báo những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao là dư địa chính sách tài khóa (phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch), nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số DN quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút FDI tăng…, nhưng các ý kiến cho rằng, nhận định đó hầu hết chưa chắc chắn và chưa được định lượng cụ thể. “Muốn tăng trưởng 6,3 - 6,5% trong năm 2016 thì quý IV này phải tăng 7,7% có đạt được không?” - Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu.

Nhiều ý kiến khác cho rằng trong khi 2 chỉ tiêu rất quan trọng là tăng trưởng và tốc độ xuất khẩu không đạt, GDP tuyệt đối giảm đến 500.000 tỷ đồng nhưng không ảnh hưởng đến thu ngân sách, 11 chỉ tiêu khác vẫn đạt và vượt kế hoạch là không hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, mặc dù thu nội địa tăng so với dự toán (5,6%, tương đương 44.000 tỷ đồng) nhưng trên thực tế, các khoản tăng chủ yếu là do điều chỉnh chính sách, tăng thu từ đất đai. Điều này cũng thể hiện rõ sự tăng trưởng kinh tế chậm, không đồng đều ở các lĩnh vực, còn khó khăn ở khu vực DN. Tổng thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán nhưng thực chất chỉ ngân sách địa phương tăng, còn ngân sách T.Ư hụt thu khoảng 8.000 - 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa thấy Chính phủ đưa ra các phương án xử lý số hụt thu này.

Sốt ruột cảnh “10 đồng làm ra, 3 đồng trả nợ”

Trước đề xuất nâng tỷ lệ nợ Chính phủ từ 50% lên 55% GDP, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn cho phép vào cuối năm 2015, ở mức 50,3% GDP. Chính phủ đề nghị nâng mức trần lên 55% GDP cho giai đoạn 2016 - 2020, trong khi Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị kiểm soát ở mức 53%. “Nếu GDP không đạt, thì nợ công có thể tiến đến mức 70% GDP. Như vậy có đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không?” - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và cho biết: “Việt Nam dự kiến dành 27% dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm để trả nợ, trong khi trên thế giới nếu dành 30% là báo động đỏ rồi. Điều đó có nghĩa, cứ 10 đồng làm ra thì tới 3 đồng phải dùng trả nợ. Điều này cũng gây sức ép cho việc cân đối ngoại hối vì các khoản nợ phần lớn phải trả bằng ngoại tệ”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, GDP không đạt kế hoạch nên thu ngân sách giai đoạn tới cũng chỉ là dự báo, không chắc chắn. Việc chi đầu tư xây dựng cơ bản phải rất chặt chẽ, nếu không 5 năm tới, nợ đọng còn lớn hơn bây giờ. Nếu không làm chắc chắn thì 5 năm nữa nhìn lại sẽ thấy bức tranh vô cùng khó khăn từ nợ đọng cho đến công trình dở dang. “Hôm nay, ngồi ở đây không ai dám chắc số liệu của 5 năm tới, kể cả GDP. Một năm còn chưa chắc chắn nữa là, ngay cả năm nay chỉ còn 2 tháng nữa nhưng chúng ta cũng không chắc chắn. Cho nên kế hoạch hàng năm là thực tế, còn 5 năm là định hướng” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị: Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối ngân sách Nhà nước chủ động và kịp thời. Trường hợp ngân sách Nhà nước hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng lo lắng, kế hoạch đầu tư công trung hạn cần theo Luật Đầu tư công, giờ đã chậm thì không thể lùi được nữa. Đầu tư công 3 năm phải gắn với kế hoạch ngân sách, không xây dựng được kịch bản thì không thực hiện được kế hoạch, không biết 5 năm tới sẽ đạt được gì, phân bổ nguồn lực ra sao?

Đề xuất trình Quốc hội dự án 1.300km cao tốc Bắc - Nam

Quan điểm này được Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nêu ra khi thẩm tra về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Chính phủ. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, dự án làm hơn 1.300km cao tốc Bắc – Nam, với kế hoạch sử dụng 80.000 tỷ đồng từ ngân sách, là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền. Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế. Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1,3 triệu đồng/tháng) là hợp lý, đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương.

Về kế hoạch năm 2017, Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP 6,7%. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa kế hoạch năm 2017 (6,07 - 6,69%) thấp hơn so với số liệu ước thực hiện năm 2016 (6,7%) trong khi GDP kế hoạch năm 2017 (6,7%) dự kiến cao hơn ước thực hiện năm 2016 (6,3 - 6,5%) là chưa thực sự thuyết phục. Cần làm rõ cơ sở xây dựng, tính khả thi của các chỉ tiêu trên để bảo đảm phản ánh đúng tình hình Việt Nam .

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nang-tran-no-cong-co-dam-bao-an-ninh-tai-chinh-257693.html