Nâng tầm nông sản Đắk Nông

Việc gia nhập TPP là điều kiện thuận lợi để sản phẩm ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông có nhiều cơ hội tham gia sâu vào thị trường thế giới.

Canh tác hồ tiêu sạch, bền vững, hướng đến xây dựng thương hiệu hồ tiêu Đắk Song (Đắk Nông)

Đây cũng là con đường mở ra tương lai tăng trưởng mạnh cho ngành chủ lực của Đắk Nông nếu địa phương biết nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng trong xu thế cộng đồng chia sẻ lợi ích, cùng nhau phát triển.

Đánh thức tiềm năng

Hiện Đắk Nông có khoảng hơn 306,7 ngàn ha đất nông nghiệp, chiếm 47% tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm phần lớn. Trên 70% dân số làm nông nghiệp, Đắk Nông được xem là một trong những tỉnh có thế mạnh phát triển các sản phẩm từ lĩnh vực này.

Những năm gần đây, nhờ giá ổn định ở mức cao, sản xuất có lãi nên diện tích cây công nghiệp ngày càng được mở rộng. Nông sản thế mạnh của tỉnh như: cà phê, cao su, điều, tiêu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đạt kim ngạch 550 triệu USD trong năm 2015. Hiện nay, ngoài diện tích cây trồng của các công ty, toàn tỉnh còn có hơn 3.500 trang trại trồng cây công nghiệp, cùng với một số dự án đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực trồng, chế biến nông sản, dịch vụ...

Cà phê chiếm đến 70% diện tích cây lâu năm, đóng góp khoảng 60% giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm tỉ trọng hơn 40% GDP của tỉnh. Cà phê Đắk Nông nổi tiếng thơm ngon. Đến với Đắk Nông là đến với những trang trại cà phê bạt ngàn ở khắp các huyện như Đắk Mil, Đắk R lấp, Đắk Song… Ngoài ra, tỉnh còn có 7 nhà máy chế biến cà phê quy mô lớn được đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Đắk Nông, nơi có tới hơn 1.200 ha cà phê, gần 800 lao động, sản lượng bình quân khoảng 1.000 tấn cà phê nhân/năm, quy trình sản xuất cà phê sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế Utz Kapeh.

Sau cà phê là cao su với diện tích hơn 23.000 ha, tổng sản lượng gần 8.500 tấn/năm. Cao su Đắk Nông đang ở độ sung sức, cho năng suất và chất lượng mủ cao. Điển hình như các vùng cao su ở huyện Đắk R lấp, Tuy Đức… Toàn tỉnh có 27 công ty trồng cao su, 5 nhà máy chế biến mủ. Riêng Công ty Cổ phần Cao su DAKNORUCO quản lí hơn 1.000 ha cao su, 1 nhà máy chế biến, tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương.

Bên cạnh cà phê, cao su, Đắk Nông còn có thế mạnh về hồ tiêu. Nếu xét về diện tích, Đắk Nông được ghi nhận là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, vượt qua Gia Lai, nơi được mệnh danh “thủ phủ” của loại cây này. Hiện toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha tiêu, sản lượng hơn 35.000 tấn/năm.

Hồ tiêu ở Đắk Nông cũng đang phát triển khá tập trung ở một số huyện như Đắk Song, Đắk R’lấp và trải đều ở các huyện, thị khác. Đây chính là cơ sở để tỉnh tổ chức lại sản xuất, quy hoạch vùng trọng điểm cho cây hồ tiêu phát triển một cách bài bản, bền vững, đáp ứng đủ sản lượng, chất lượng, nhu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập.

Một lĩnh vực mà khi tham gia TPP, các chuyên gia kinh tế vừa kỳ vọng, vừa lo ngại là ngành chăn nuôi. Nếu xét về lợi thế, Đắk Nông không kém gì so với các tỉnh, thành và một số nước trong khu vực. Từ chăn nuôi theo dạng mô hình nhỏ lẻ hộ gia đình, Đắk Nông đang có những mô hình chăn nuôi lợn, bò và một số động vật rừng với rất nhiều trang trại lớn nhỏ…

Xây dựng thương hiệu nông sản

Mặc dù được đánh giá là có nhiều lợi thế song do xuất phát điểm sau, ngành nông nghiệp Đắk Nông vẫn đang phát triển thiên về tự phát, thiếu định hướng chiến lược quy hoạch vùng.

Nhờ xây dựng được thương hiệu, sầu riêng trang trại Gia Trung luôn hút thị trường.

Để thay đổi, Đắk Nông đang ra sức thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ như: quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực để đảm bảo nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất nhằm tạo sự đột phá mới. Đặc biệt là sớm xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực trong tỉnh như cà phê, hồ tiêu, trái cây…

Hiện nay, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ngày càng có nhiều chủ trang trại mạnh dạn đầu tư lớn, đi đầu ứng dụng KHKT cũng như tiên phong trồng thử nghiệm một số loại cây mới trên vùng đất đỏ bazan Đắk Nông, tiên phong xúc tiến xây dựng thương hiệu nông sản riêng cho mình như: Thương hiệu sầu riêng Gia Trung của trang trại sầu riêng Gia Trung, quy mô 70 ha, sản lượng khoảng 500 tấn, doanh thu hơn 15 tỷ đồng mỗi năm; thương hiệu Măng cụt Đắk Nia của trang trại trồng măng cụt ông Trần Quang Đông (TX Gia Nghĩa). Trang trại của ông Đông rộng gần 10 ha với hàng nghìn gốc măng cụt hơn 10 năm tuổi cho sản lượng khoảng 70 tấn mỗi năm.

Theo Hội Nông dân tỉnh, việc một số trang trại xây dựng thương hiệu nông sản, trái cây sẽ giúp hộ sản xuất nhỏ lẻ thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm, cũng như định hướng phát triển cho các hộ này. Thời gian tới đây, Hội sẽ phối hợp với đơn vị liên quan và chính quyền địa phương mở rộng tổ hợp tác trong nông nghiệp, cũng như hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp sạch VietGAP, GlobalGAP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông chia sẻ: Giải pháp để khai thác tốt hơn thời cơ mới do TPP đem lại và đối phó một cách có hiệu quả với những thách thức, đó là chúng ta phải thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy cao hơn lợi thế của ngành, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất để các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn, chiếm lĩnh thị trường đã được các nước cam kết mở cửa cho chúng ta.

Để làm được điều này, trước mắt phải tiếp tục khuyến khích người dân tập trung tư liệu sản xuất, tham gia các nhóm đồng sở thích, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp, có sự phối hợp giữa nhà nước và nhà khoa học trong tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT và cung ứng sản phẩm đầu ra…

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nang-tam-nong-san-dak-nong-post167193.html