Năng lực tiếp nhận của các cảng cá Quảng Trị, nỗi lo lớn của các chủ tàu!

Kinh tế biển được xem là một thế mạnh của tỉnh Quảng Trị. Những năm qua, địa phương này đã phát triển được đội tàu cá rất mạnh. Tuy nhiên, năng lực tiếp nhận...

Tuy nhiên, năng lực tiếp nhận của các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền ở đây hết sức yếu kém, đang là nỗi lo lớn của các chủ tàu.

Cửa Tùng bị cát lấp

Năm 2008, công trình cảng cá Cửa Tùng và Khu neo đậu trú tránh bão được đưa vào hoạt động. Luồng tàu có độ sâu 3,1m, đoạn từ cảng cá lên khu neo đậu sâu từ 3,5 đến 4,5m, rộng 60m đảm bảo cho tàu cá xa bờ vào ra thuận lợi. Từ chỗ sầm uất nhộn nhịp, nay cảng cá Cửa Tùng và Khu neo đậu chỉ còn cảnh vắng vẻ, đìu hiu.

Mấy năm trước cảng cá và khu neo đậu Cửa Tùng nhộn nhịp tấp nấp tàu thuyền vì luồng lạch chưa bị bồi lấp

Nguyên nhân, theo ông Lê Văn Sơn, Giám đốc BQL Cảng cá tỉnh Quảng Trị thì hơn 3 năm nay, luồng vào cảng Cửa Tùng và Khu neo đậu ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng. Luồng từ cửa biển vào bị biến dạng khúc khuỷu hình chữ Z, chiều rộng luồng có đoạn chỉ còn 6m, cao độ đáy luồng có đoạn chỉ còn1,6m, trong lúc mớm nước của tàu cá xa bờ bé nhất cũng đã là -2,1m. Nhiều vụ tai nạn xảy ra, tàu mắc cạn, chìm ngay nơi cửa biển vì luồng vào bị cạn. Cao điểm có ngày 8 tàu cùng mắc cạn gây nên nỗi hoang mang cho ngư dân.

Trước tình trạng khó khắn này, các tàu cá xa bờ ngại vào cảng mà neo đậu ngoài cửa biển rồi thuê tàu thuyền có công suất dưới 45CV trung chuyển hàng hóa, vật tư chạy thẳng về cảng Cửa Việt của huyện Gio Linh để tiêu thụ và tiếp thêm nhiên liệu. Điều này gây bất lợi và tốn kém cho ngư dân và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cửa Tùng.

Cửa Việt hết chỗ neo đậu

Trong lúc đó, cảng cá Cửa Việt ở huyện Gio Linh cũng không hơn gì. Cảng này được đưa vào sử dụng tháng 12/2001, có diện tích khu nước neo đậu là 2,8 ha; diện tích khu cảng và dịch vụ là 1,26 ha. Các hạng mục chính đã được đầu tư là bến cho tàu dưới 45 CV dài 120 m; bến chính cho tàu lớn hơn 45 đến 200 CV dài 40 m. Tuy nhiên hiện nay, những con tàu xa bờ đóng mới ngày càng nhiều, có công suất rất lớn nên cảng cá không đủ chỗ đậu.

Hai tuần trước, tàu vỏ thép mang tên Việt Chiến 09 của ông Bùi Đình Chiến, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vừa đưa vào khai thác có công suất trên 800 CV, dài gần 31 m, rộng 7,8 m, chiều cao mạn là 3,6 m. Nhưng bến tàu chính của cảng cá Cửa Việt dài 40 m thì chỉ neo đậu được tàu Việt Chiến 09 và 1 tàu công suất 250 CV (dài 17 m là đã… hết chỗ neo đậu.


Cảng cá Cửa Việt chỉ chứa được tàu Việt Chiến 09 này và thêm một tàu 250 CV nữa là hết chỗ neo đậu

Trong lúc đó, huyện Gio Linh hiện có đội tàu cá lớn nhất tỉnh Quảng Trị, đến 886 chiếc, tổng công suất gần 57 ngàn CV. Đội tàu xa bờ 163 chiếc, còn lại là tàu trung và gần bờ. Trong năm 2016, Gio Linh có 19 tàu được đóng mới theo NĐ 67. Tàu đông, mỗi lần vào bờ các lái tàu không biết tìm chỗ neo đậu ở đâu.

Dài cổ chờ nạo vét

Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc BQL Cảng cá tỉnh Quảng Trị cho biết, trước tình trạng cấp bách trên, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cho thực hiện nạo vét khẩn cấp sa bồi luồng vào cảng cá Cửa Tùng, cao độ nạo vét bằng cao độ bình thường trước đây chưa bị bồi lấp.

Theo ông Sơn, chỉ còn cách khẩn cấp nạo vét luồng cửa biển mới giải cứu được cảng cá Cửa Tùng khỏi thực trạng hiện tại. Làm sớm được công việc này, bà con ngư dân sẽ rất phấn khởi, dịch vụ hậu cần nghề cá nhờ đó mà hồi sinh lại. Song kiến nghị đó vẫn chưa được thực hiện.

Còn ông Nguyễn Văn Huân, Phó GĐ Sở NN- PTNT Quảng Trị thừa nhận năng lực tiếp nhận của các cảng cá còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đội tàu cá của tỉnh. Theo ông Huân, để khắc phục một bước những bất cập nêu trên, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo cho lập dự án đầu tư Khu neo đậu trú tránh bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt, tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự kiến thời gian thực hiện từ nay đến năm 2020. Diện tích khu nước neo đậu là 8 ha, diện tích khu cảng và dịch vụ là 5 ha.

Khu mới này đảm bảo cho tàu cá dưới 45 CV 50 chiếc, tàu cá từ 45 đến150 CV 150 chiếc, tàu cá lớn hơn 200 CV 100 chiếc, cùng các hạng mục chính như đê chắn sóng, chắn cát, trụ neo tàu, nạo vét luồng chạy tàu và vũng neo đậu tàu, bến cập tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần.

Cùng với đó, ngành chức năng cũng đang lập dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ với diện tích khu nước neo đậu là 8 ha, với các hạng mục đê chắn sóng, bến cập tàu cho các loại tàu có công suất từ 45đến 200 CV, bến chính cho tàu lớn 2.000 tấn. Nếu được đầu tư xây dựng, các công trình kể trên sẽ có tác dụng gia tăng năng lực tiếp nhận tàu đánh bắt xa bờ, có công suất lớn, chia sẻ với các cảng cá và khu neo đậu hiện có của tỉnh, đảm bảo cho tàu đánh bắt xa bờ có cơ sở hậu cần thuận lợi, an toàn.

Như vậy, ngư dân Quảng Trị ít nhất phải đợi 3 năm nữa mới có thêm một khu neo đậu trú tránh bão kết hợp cảng cá. Đúng là thông tin mà bà con ngư dân chẳng mong nhận chút nào. Trong năm qua, Quảng Trị có thêm 16 con tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ gỗ được đóng mới theo NĐ 67 của Chính phủ. Hiện các tàu cá Quảng Trị đang rất thiếu chỗ trú đậu an toàn.

Ông Nguyễn Sỹ Hồng - Giám đốc chi nhánh BIDV Quảng Trị, đơn vị cho phần lớn bà con ngư dân vay tiền đóng mới các loại tàu, từng nhiều lần phát biểu: Chúng tôi không lo thiếu tiền cho bà con ngư dân vay đầu tư đóng tàu cá xa bờ, tàu vỏ thép vươn khơi bám biển. Mà rất lo bà con đóng tàu to rồi không có chỗ neo đậu mỗi lần cập bến bán sản phẩm, chứ đừng nói đến tránh bão.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nang-luc-tiep-nhan-cua-cac-cang-ca-quang-tri-noi-lo-lon-cua-cac-chu-tau-post189753.html