Năng lực tên lửa Triều Tiên đủ sức hủy diệt Mỹ như tuyên bố?

Thông qua vụ phóng thử tên lửa mà Triều Tiên mới tiến hành, giới chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng đã tiến bộ hơn rất nhiều trong năng lực phát triển tên lửa và chương trình vũ khí quốc gia.

Bước tiến quan trọng của Triều Tiên

Ngày 14/5 vừa qua, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa, bất chấp đề nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng tất cả các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tên lửa đã bay ở độ cao tối đa là 2.111.5km, và tầm phóng là 787km. Trong khi đó, tên lửa Musudan được phóng vào năm ngoái chỉ đạt độ cao 1.412km. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã đích thân giám sát vụ phóng tên lửa này.

Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên được phóng thử tại một địa điểm không xác định (Ảnh: KCNA).

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo, cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên vào hôm 14/5 đã “thành công”.

“Nó được đánh giá là loại tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có khả năng được tăng cường đáng kể so với tên lửa Musudan liên tục thất bại trong các cuộc phóng thử trước đó”, Japan Times dẫn lời ông Han cho hay.

Theo ông Han, Triều Tiên đang phát triển các loại tên lửa với tốc độ nhanh hơn dự đoán của Hàn Quốc. Những tên lửa đạn đạo tầm trung của Bình nhưỡng có thể bay trong khoảng độ cao từ 3.000 đến 4.000km.

Tên lửa mới phóng được xác định là Hwasong-12, là “một hệ thống vũ khí hoàn hảo” có tầm bắn vươn tới đảo Guam của Mỹ. Tờ The Diplomat cho hay, với những thông tin mà chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản công bố, đây được coi là loại tên lửa đạn đạo tầm xa nhất mà Triều Tiên đã thử nghiệm từ trước tới nay.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty).

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, Bình Nhưỡng cũng đã thử nghiệm chuỗi hoạt động của hệ thống gồm “hệ thống dẫn đường, độ ổn định, cấu trúc và áp suất của hệ thống, độ tin cậy của động cơ, hệ thống phóng và giám sát tên lửa nhằm đánh giá khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân của tên lửa”.

Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên coi tên lửa Hwasong-12 là bước tiến quan trọng trong trình độ phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) dùng nhiên liệu lỏng. Còn trong giai đoạn này, Hwasong-12 vẫn đóng vai trò quan trọng trong kho hạt nhân chiến lược của Triều Tiên.

Mỹ nên dè chừng

Hãng thông tấn KCNA khẳng định vụ phóng tên lửa đã được Triều Tiên cân nhắc kỹ lưỡng từ trước để đường bay của nó “không làm ảnh hưởng tới những nước láng giềng”.

Nhưng đáng chú ý, vụ thử tên lửa được tiến hành vào đúng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trong Diễn đàn Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”. Đây là sự kiện ngoại giao được coi là “bộ mặt” của Trung Quốc trong năm 2017.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong thời gian gần đây có phần xấu đi (Ảnh: Express).

Từ trước đó, Bình Nhưỡng đã có mối quan hệ dần xa cách với đồng minh Trung Quốc vì Bắc Kinh đã yêu cầu Triều Tiên kiềm chế những hoạt động thuộc chương trình vũ khí của họ. Vụ thử tên lửa càng cho thấy mức độ xuống thấp trong quan hệ hai bên.

Cũng không rõ vụ phóng thử tên lửa này là hành động khiêu khích với Nga hay không, nhưng nếu Hwasong-12 rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nga (EEZ) và gần trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga tại Vladivostok thì quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng sẽ khó tránh những sóng gió.

Washington đã cảnh báo Triều Tiên rằng “kỷ nguyên chiến lược kiên nhẫn” mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã áp dụng sẽ không nối tiếp dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Mỹ đã kiên quyết rằng họ sẽ không loại trừ khả năng hành động quân sự đối với Triều Tiên, và đã đưa một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có trang bị tên lửa và một nhóm tàu sân bay tới bán đảo Triều Tiên nhằm phô diễn lực lượng.

Cuộc tập trận quân sự thường niên giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã khiến Bình Nhưỡng coi như một cuộc tập dượt để chuẩn bị cho một cuộc chiến.

Hồi cuối tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với hãng tin Reuters rằng “nhiều khả năng Washington và Bình Nhưỡng sẽ kết thúc bằng một cuộc xung đột quy mô lớn”.

“Rõ ràng chúng tôi muốn giải quyết bằng con đường ngoại giao nhưng điều đó rất khó xảy ra”, ông Trump nói.

Nhưng không ít lâu sau đó, ông chủ Nhà Trắng khẳng định với tờ Bloomberg rằng ông sẽ “rất vinh dự” nếu được gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong điều kiện phù hợp.

Vụ thử tên lửa cùng những khả năng mới của Triều Tiên sẽ có thể khiến Tổng thống Donald Trump cân nhắc lại về những tuyên bố trên đây.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nang-luc-ten-lua-thuc-su-cua-trieu-tien-dang-o-muc-nao-a325912.html