Nặng lòng với giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Dẫu biết rằng, cuộc sống của những người giáo viên “cắm bản” ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đâu cũng khó khăn, thiếu thốn, nhưng khi đến trực tiếp các điểm trường thôn Nước Nia, Quế, Niên (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi)… được lắng nghe những lời tâm sự của những người giáo viên nơi đây, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí cũng như tấm lòng của người giáo miền núi.

Ngày ngày họ sống trong điều kiện vật chất vô cùng khó khăn nhưng ngọn lửa yêu nghề vẫn không hề vơi đi, tâm hồn họ vẫn vẹn nguyên tấm lòng yêu trẻ, nặng lòng với sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Dạy học giữa bộn bề khó khăn

Từ trung tâm thị trấn Trà Xuân (huyện Trà Bồng), chúng tôi phải vượt qua những cung đường mòn thật khó khăn, hiểm trở mới vào được các điểm trường thôn Nước Nia, Quế, Niên (xã Trà Bùi). Bởi vậy, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào sự trăn trở, băn khoăn của thầy Trần Minh Điệp – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng khi nói về tình hình giáo dục của xã vùng khó này.

“Chính sự khó khăn về điều kiện đường sá, cơ sở hạ tầng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp, cũng như hoạt động giáo dục ở đây. Trong đó vấn đề trăn trở nhất của ngành GD&ĐT Trà Bồng, cũng như của tỉnh Quảng Ngãi là hiện nay chỉ còn mỗi xã Trà Bùi chưa đạt phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi” - thầy Điệp cho hay.

Thầy giáo Dương Văn Nhân – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH và THCS xã Trà Bùi cho biết: Năm học 2016 -2017, Trường PTDT bán trú TH và THCS xã Trà Bùi có 407 học sinh, trong đó 165 em học sinh THCS và 242 học sinh TH. Nhu cầu học sinh được ăn ở bán trú tại trường còn lớn nhưng do thiếu hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác bán trú nên chỉ có 175 học sinh được ăn ở bán trú tại trường.

Do địa bàn rộng, lại bị chia cắt do địa hình rừng núi nên để thuận lợi cho học sinh đến lớp, Trường PTDT bán trú TH và THCS xã Trà Bùi phân bố thành 7 điểm trường. Ngoài điểm trường chính được xây dựng khá cơ bản, các điểm trường còn lại cơ sở vật chất trường lớp còn sơ sài, thiếu thốn. Lo lắng nhất là điểm trường thôn Nước Nia hiện nay vẫn chưa có lớp học.

Để có trường lớp giảng dạy, nhà trường phải đi mượn nhà văn hóa thôn. Điều kiện dạy học tạm bợ như vậy khiến cho cán bộ, giáo viên, học sinh không thể yên tâm.

So với điều kiện dạy học cấp TH và THCS, trường lớp bậc mầm non nơi đây càng khó khăn, thiếu thốn hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Tâm – Hiệu trưởng Trường MN Trà Bùi cho hay: Hiện nay, đối chiếu với chuẩn về phòng học, cơ sở vật chất đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi thì Trường MN Trà Bùi còn thiếu 3 phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi; trong đó, 1 phòng học tại điểm trường thôn Tây và 2 phòng học tại điểm trường thôn Quế.

Để đảm bảo công tác dạy và học, hiện trường phải mượn tạm phòng học của điểm trường tiểu học. Ngoài việc thiếu phòng học, trường cũng thiếu đến 3 nhà vệ sinh cho trẻ. Chính vì thiếu cơ sở vật chất trường, lớp mà đến nay so với 9 xã/thị trấn huyện Trà Bồng, công tác phổ cập mầm non 5 tuổi xã Trà Bùi vẫn chưa đạt chuẩn.

Sáng mãi lòng yêu nghề, mến trẻ

Đến với các điểm trường học miền núi huyện Trà Bồng, chúng tôi không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh những người giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn, tận tâm với nghề, mà còn hết lòng thương yêu học sinh, chăm sóc đùm bọc trên lớp cũng như trong cuộc sống đời thường. Ở những trường học bán trú, hình ảnh giáo viên vào bếp nấu từng chén cơm, ra suối giặt từng bộ đồ cho học sinh đã trở nên quá quen thuộc.

Là một giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy tại các điểm trường vùng khó, rồi chuyển sang làm công tác quản lý trường học, thầy Dương Văn Nhân tâm sự: “Công việc giảng dạy của người giáo viên vốn đã vất vả, những người giáo viên miền núi vừa giảng dạy, vừa chăm lo công tác bán trú cho học sinh càng gian lao, khó khăn hơn. Bởi vậy, nếu người giáo viên không tâm huyết với nghề, có tấm lòng yêu thương học trò thì khó mà đảm nhận công việc được”.

Đã nghe nhiều về những nỗi nhọc nhằn của giáo viên mầm non, nhưng có lẽ khi vào các điểm trường thôn Nước Nia, Quế, Niên (xã Trà Bùi)… chúng tôi mới thấu hiểu được cuộc sống khó khăn của người giáo viên mầm non cắm bản nơi đây. Từ điểm trường chính của Trường MN Trà Bùi, chúng tôi phải đi bộ vượt rừng núi mới đến được các điểm trường.

Hình ảnh các lớp học mẫu giáo tuềnh toàng được dựng trên nền đất, đá lổn nhổn, xung quanh được thưng bằng những tấm ván đóng tạm bợ. Học trò là những cô bé, cậu bé gầy guộc, mặt mũi nhem nhuốc, đôi chân trần không dày, không dép. Thấy người lạ các em ngơ ngác nhìn, nép vào vai nhau, có trẻ khóc òa lên chạy về phía cô giáo.

Nói về công việc dạy học của những giáo viên nhà trường, cô Nguyễn Thị Tâm bày tỏ: Do điều kiện gia đình của trẻ đều khó khăn nên từ nhỏ các em phải chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. Điều đó như thôi thúc bản thân mọi người nỗ lực hơn trong công tác chăm sóc, giảng dạy nhằm bù đắp lại một phần thiệt thòi cho con em đồng bào dân tộc nơi đây. Khác với thầy cô giáo đồng bằng, thành thị chỉ chuyên tâm giảng dạy học sinh trên lớp, những thầy cô giáo nơi đây, ngoài thời giờ dạy học, chăm sóc trẻ trên lớp, họ phải đi đến từng nhà trong thôn, bản vận động học sinh đến trường.

Bởi vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, người giáo viên vùng cao còn phải học thêm ngôn ngữ bản địa, biết dỗ dành học sinh, biết rèn thể lực để trèo đèo lội suối và chấp nhận cuộc sống gian khó, thiếu thốn… Đó là hành trang mà lớp lớp những người giáo viên vùng cao tự trang bị cho mình để nối nghiệp trồng người nơi rẻo cao này.

Ngoài điều kiện cuộc sống thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, những người giáo viên nơi đây có còn đối diện với bao gian khó hiểm nguy khác. Ấy vậy mà tình cảm của những người giáo viên dành cho học sinh, với sự nghiệp giáo dục vẫn luôn đong đầy. Cứ đều đặn hằng ngày, hằng tuần, những người giáo viên nơi đây phải vượt hàng chục cây số đèo dốc, lầy lội, hiểm trở đến lớp, có khi thầy trò bị kẹt nơi điểm trường heo hút vì núi lở chia cắt.

Tuy nhiên, bằng tình thương yêu học trò, nhiệt huyết của tuổi trẻ và cả khát vọng được cống hiến, những thế hệ giáo viên nơi đây vẫn âm thầm vượt qua gian khổ, hiểm nguy “bám trường, bám lớp” gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số giữa miền rừng núi sâu thẳm. Lớp lớp từng thế hệ giáo viên mang sức trẻ, trí tuệ tuổi hai mươi đến với núi rừng, khát khao được cống hiến, được thể hiện năng lực bản thân, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nang-long-voi-giao-duc-vung-kho-2603901-b.html