Nặng lòng với giáo dục mầm non

Trăn trở với công tác đào tạo giáo viên mầm non, cô giáo Trần Thị Hằng, Phó Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường cao đẳng Sư phạm trung ương luôn tích cực và say mê với công tác nghiên cứu khoa học. Hằng năm, cô Hằng cùng tập thể cán bộ, giảng viên trong Khoa đảm nhận đào tạo từ 2.300 đến 2.500 giáo viên, được các cơ sở giáo dục mầm non đánh giá cao.

Cô Trần Thị Hằng cho biết: Giáo viên mầm non là một nghề khó, rất vất vả vì giáo viên luôn tiếp xúc với trẻ nhỏ. Các cháu còn yếu về thể chất, ngôn ngữ chưa hoàn thiện. Việc làm thế nào để đào tạo được giáo viên mầm non có chất lượng cao vì vậy càng hết sức cần thiết. Cô luôn sát cánh cùng lãnh đạo Khoa tham gia giảng dạy hơn 1.000 tiết học/năm; tham gia bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tại các quận, huyện ở TP Hà Nội; làm báo cáo viên cấp quốc gia thuộc Dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng, chỉnh sửa bốn bộ chương trình đào tạo giáo viên mầm non, chương trình đào tạo song ngành của Khoa, của Trường; tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường cao đẳng Sư phạm trung ương quan tâm đầu tư các điều kiện cần thiết phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

Càng yêu nghề, cô Trần Thị Hằng càng dành nhiều thời gian chắt lọc những kinh nghiệm một thời học tập ở nước Nga về đào tạo giáo viên mầm non; kinh nghiệm làm giáo viên, làm hiệu trưởng một cơ sở giáo dục mầm non, để áp dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Kết quả, từ năm 2008 đến nay, cô Trần Thị Hằng biên soạn được hai bộ tài liệu tham khảo dành cho giáo viên và sinh viên. Đó là, Tuyển tập trò chơi định hướng phải, trái cho trẻ mẫu giáo; Tuyển tập trò chơi hình thành biểu tượng hình dạng và kích thước cho trẻ mẫu giáo, được Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2012.

Cô Trần Thị Hằng còn tích cực tham gia chủ nhiệm đề tài khoa học “Thiết kế hoạt động phát triển kỹ năng đếm cho trẻ mẫu giáo”; tham gia nhiệm vụ khoa học cấp Bộ: “Xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn hướng dẫn giáo sinh mầm non về phương pháp dạy học tích hợp các nội dung giáo dục, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cấp mầm non khu vực phía bắc"; tham gia góp ý kiến biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ năm tuổi; cộng tác cùng Trung tâm Nghiên cứu thiết bị dạy học và tài liệu cho giáo dục mầm non và trẻ khuyết tật. Năm 2016, nhiều ý tưởng, nội dung các bộ tài liệu về “Thế giới muôn màu của bé; nội dung đồ chơi khối vuông kỳ diệu” do cô giáo Trần Thị Hằng nghiên cứu được Hội đồng khoa học Trường cao đẳng Sư phạm trung ương phê duyệt, đưa vào sản xuất phục vụ công tác giảng dạy, học tập.

Nhiều năm liền, cô giáo Trần Thị Hằng được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

MINH PHÚC (Hà Nội)

Tiếp tục sản xuất, gây ô nhiễm bất chấp quyết định đình chỉ hoạt động

Tháng 5-2016, qua phản ánh của Báo Nhân Dân, UBND quận Long Biên (Hà Nội) đã tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất cơ khí gây ô nhiễm trong khu vực dân cư tại số 46, ngõ 102, đường Hoàng Như Tiếp (phường Bồ Đề). Qua kiểm tra cho thấy, cơ sở nói trên hoạt động trên diện tích 150 m2, sản phẩm chủ yếu là giàn giáo, công suất 10 bộ sản phẩm/tuần, nguyên liệu sử dụng là ống thép D = 45 mm, thép tấm dày 3 mm. Cơ sở sử dụng hai máy dập, hai máy cắt sắt, một máy hàn điện, một máy nén khí, dụng cụ phun sơn.

Kết quả đo kiểm các thông số môi trường cho thấy, cơ sở phát sinh tiếng ồn và khí thải vượt mức cho phép nhiều lần. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, ngày 24-5-2016, UBND quận Long Biên ban hành Quyết định số 113/QĐ-XPVPHC, phạt cơ sở nói trên 30 triệu đồng và đình chỉ hoạt động ba tháng. Đồng thời yêu cầu chủ cơ sở áp dụng ngay các biện pháp giảm tới mức thấp nhất tiếng ồn, bụi, che kín nơi sản xuất, không được hoạt động sau 18 giờ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân, cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp quyết định xử phạt đình chỉ hoạt động ba tháng. Chủ cơ sở ngang nhiên thách thức dư luận, thách thức sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật của chính quyền địa phương khi không thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm, thường xuyên làm việc sau 18 giờ, thậm chí làm việc trong cả những ngày nghỉ, ngày lễ... Các hoạt động cắt, đột dập, hàn, phun sơn, hóa chất trên diện rộng, gây tiếng ồn và xung lực rung chấn mạnh, bụi sơn, mùi sơn, hóa chất, mùi khí thải làm ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của các hộ dân chung quanh.

Quá bức xúc trước những vi phạm của chủ cơ sở, cũng như lo lắng cho sức khỏe, người dân ở khu vực này đã nhiều lần phản ánh tới các cơ quan chức năng, chính quyền phường Bồ Đề nhưng nhiều tháng qua không có ai tới kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định của UBND quận Long Biên. Không biết vì lý do gì, chính quyền phường Bồ Đề để một cơ sở sản xuất vi phạm ngang nhiên hoạt động, coi thường Quyết định của UBND quận Long Biên, cũng như bỏ mặc quyền lợi chính đáng của người dân?

NAM PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/bandoc/bancanbiet/item/31304002-nang-long-voi-giao-duc-mam-non.html