Nắng, cháy và nhà hộp!

Những năm gần đây, các vụ cháy nhà dường như càng lúc càng nhiều hơn. Không thiếu những vụ rất tang thương như vụ cháy nhà phố tại Phú Hòa - Thủ Dầu Một khiến bốn người tử vong, hay vụ cháy nhà phố hồi cuối năm ngoái ở hẻm đường Lê Văn Sỹ (TPHCM) khiến sáu người trong gia đình thiệt mạng.

Cháy một căn nhà phố ở chợ Kim Biên, TPHCM hôm 23-3 vừa qua. Ảnh: internet

Một vấn đề rất lớn mà cũng rất cũ, vẫn cứ tồn tại một cách thách thức, đó là tình trạng quy hoạch nhà phố đô thị không có lối thoát hiểm, lối thoát duy nhất chính là cửa trước mà vì nhiều lý do thường bị tận dụng lắp đặt bảng hiệu, bảng quảng cáo hay các hình thức trang trí khác. Nơi khu dân cư tôi đang ở, hầu hết các nền đất đều được xây kín (chỉ chừa cửa ra vào phía trước), không hiểu sao vẫn được cấp phép.

Quan sát chung quanh mà giật mình: có bao nhiêu căn nhà trong tình trạng như vậy? Có bao nhiêu con người đang sống trong những căn nhà như vậy? Rõ ràng đây là nỗi lo không của riêng ai.

Theo quy chuẩn ngành xây dựng, giữa các căn nhà phải có không gian trống, không chỉ để mở lối thoát hiểm khi có sự cố xảy ra mà còn để đối lưu gió và thông khí, nhưng khi xây nhà, nhiều gia chủ không quan tâm điều này. Có vẻ như khi xây, người ta không thích nghĩ đến cháy!

Lại thêm vì lo nạn trộm cắp, nhiều nhà dù có cửa hậu, ban công, lối thoát hiểm, nhưng gia chủ lại hàn kín khung sắt, thậm chí khóa hai, ba lớp. Có nhà còn tận dụng không gian thoát hiểm làm kho chứa đồ đạc... Và khi sự cố xảy ra, nạn nhân bị mắc kẹt trong chính căn nhà của mình.

Nay thì mùa nắng nóng lại bắt đầu, nguy cơ hỏa hoạn hiện hữu mọi lúc mọi nơi, đôi khi xảy đến chỉ từ một sơ suất rất nhỏ. Vậy nên các căn nhà phố thay vì bịt kín bằng khung sắt thì có thể gắn thêm bản lề có khóa để mở khi cần thiết. Nhà nào chưa có lối thoát hiểm thì cần tính toán mở cửa hậu, trổ cửa sổ (nếu có thể), làm cầu thang lên mái nhà, sân thượng. Nếu cửa thoát hiểm làm bằng kính thì phải chuẩn bị... búa. Đề phòng để không bị động vẫn tốt hơn.

Và không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan chức năng PCCC ở địa phương: cần tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn PCCC; khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng chống cháy, bảo vệ an toàn cho bản thân và tìm cách thoát nạn khi có hỏa hoạn. Trong cấp phép xây dựng, cần cẩn trọng xem xét sự tuân thủ quy chuẩn xây dựng - có thể hiện phương án thoát hiểm trong hồ sơ thiết kế; nghiêm túc từ chối các thiết kế không đảm bảo an toàn về thoát hiểm.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/158443/nang-chay-va-nha-hop.html/