Nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông sẽ góp phần bảo vệ sự sống, sự an toàn cho bản thân và xã hội

Quan sát người tham gia giao thông các đường phố hiện nay, chúng ta không khỏi giật mình trước những vi phạm an toàn giao thông hầu như xảy ra thường xuyên: xe chạy quá tốc độ trên đường đông người, người đi bộ thản nhiên đi trên lòng đường, chạy xe đạp hàng ba hàng tư, vượt xe lấn đường… thậm chí tại các nút giao thông khi đèn đỏ, nhiều người còn sẵn sàng chen lên phía trước cho bằng được mà “chẳng vì một lý do nào”. Do đó, tai nạn cứ như treo lơ lửng trên đầu người đi đường.

Văn hóa giao thông chưa thực sự đi vào đời sống của người tham gia giao thông (ảnh minh họa)

Theo công bố, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) vào loại cao trên thế giới. Nguyên nhân của “vấn nạn” này thì có nhiều điều khiến chúng ta phải bận tâm. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến thói quen chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân.

Có ý kiến cho rằng: do người dân Việt Nam đã phải sống qua thời bao cấp nên đã bị ảnh hưởng nặng nề của thói quen chen lấn khi xếp hàng, nên tham gia giao thông mà thói quen “mình không lấn thì người ta cũng lấn” đã trở lên phổ biến.

Một số người khác thì cho là: cơ bản do chúng ta không quen sống tuân thủ luật pháp và không có văn hóa tham gia giao thông. Bởi lẽ, dù chẳng có bất kể lý do gì, chẳng vì một cái gì nhưng tại các nút đèn đỏ nhiều người vẫn “sẵn sàng” chen lên phía trước cho bằng được; trên đường cũng rất hiếm khi chúng ta biết nhường nhịn nhau. Hậu quả của việc không biết nhường nhịn đó là TNGT xảy ra, một số vụ còn dẫn đến cãi vã, xô xát và thậm chí đâm chém nhau.

Trong khi đa số người tham gia giao thông (đi xe máy trở lên) ít nhiều đã được học tập và sát hạch luật giao thông đường bộ, nhưng có thể nói khi đã được cấp giấy phép thì có một bộ phận không nhỏ khi được hỏi bất ngờ về các quy định thì “ậm ừ” và không biết. Bên cạnh đó thói tật tùy tiện, ích kỷ, bất chấp luật lệ chỉ biết mình của một số người tham gia giao thông đã làm cho mọi cố gắng điều hành, quản lý giao thông của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Cần phải có thêm các biện pháp tổng thể mang tính quốc gia để giảm thiểu TNGT. Trước hết là công tác giáo dục tuyên truyền quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, phải có các biện pháp thực thi luật giao thông thật nghiêm túc.

Theo chúng tôi ngoài nâng cao công tác đào tạo lái xe ô tô, cần thiết phải đào tạo nhiều hơn nữa kiến thức pháp luật về luật giao thông trong đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe cho đối tượng xe máy. Bởi, điều quan trọng nhất là ngoài việc phải biết đi xe, còn phải am hiểu những kỹ năng lái xe an toàn và trên hết phải biết – hiểu – tuân thủ quy định của pháp luật khi lái xe.

Ngoài ra, trước tình hình xe ô tô đi vào thành phố với mật độ xe máy dày đặc như hiện nay sẽ phải ra quy định cấm xe ô tô vượt nhau, xe ô tô sẽ phải đi thành hàng một, nối đuôi nhau mà đi, buộc phải đi sau xe máy, xe máy sẽ đi về bên phải…

Như vậy vừa rất trật tự, hạn chế được việc bóp còi inh ỏi, lại tránh được việc vượt nhau bừa bãi gây tai nạn, từng bước tạo thói quen cho người dân biết xếp hàng và đi lại một cách trật tự chứ không phải như hiện nay: xe phóng bạt mạng, mạnh ai nấy chạy, thích lượn kiểu gì thì lượn, còi xe thì cũng mạnh ai nấy lắp, kêu inh ỏi với nhiều mức độ, âm thanh khác nhau.

Mặt khác, trên các phương tiện truyền thông đại chúng nên thường xuyên đưa hình ảnh về giao thông các nước khác để người dân thấy rằng việc chấp hành luật giao thông, ý thức và văn hóa giao thông của họ tốt hơn ta nhiều, họ đi đúng luật nên lịch sự, họ từ tốn nhường người đi qua đường, họ không túm tụm cãi vã, họ không bóp còi inh ỏi, nếu có va chạm thì luôn cảm ơn và xin lỗi... cũng nên khuyến khích các trường sử dụng hoặc thuê xe ô tô để chuyên chở học sinh đi học, vừa giáo dục cho các em về ý thức sử dụng phương tiện công cộng, vừa góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

Nhà trường cũng nên xem xét triển khai việc đa dạng hóa các sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Nếu điều kiện cho phép, các trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức học luật và sát hạch cấp giấy phép lái xe tại trường đối với những học sinh đủ tuổi…

Thiết nghĩ, nếu mỗi công dân Việt Nam khi tham gia giao thông có cùng quyết tâm lập lại trật tự giao thông; nâng cao ý thức, trách nhiệm… sẽ góp phần đảm bảo sự sống, sự an toàn cho chính mình và toàn xã hội.

Quang Huy – Nguyễn Hoàng

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinhte/tugioithieu/2012/8/296574/