Nâng cao vai trò bảo vệ trẻ em của tổ chức Ðoàn

Những năm qua, các cấp bộ Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động như nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, thăm hỏi, tặng quà trẻ em nghèo vượt khó... Tuy nhiên, trước tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đối với trẻ em ngày một diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cán bộ, đoàn viên, thanh niên cần đổi mới tư duy, nhanh chóng triển khai, áp dụng các phương pháp hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn.

Ðoàn viên Ðoàn Thanh niên Cục Tài chính (Bộ Công an) trao áo ấm tặng các em nhỏ dân tộc thiểu số xã San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai) trong một chuyến tình nguyện.

Ðoàn viên Ðoàn Thanh niên Cục Tài chính (Bộ Công an) trao áo ấm tặng các em nhỏ dân tộc thiểu số xã San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai) trong một chuyến tình nguyện.

Những năm qua, các cấp bộ Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động như nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, thăm hỏi, tặng quà trẻ em nghèo vượt khó... Tuy nhiên, trước tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đối với trẻ em ngày một diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cán bộ, đoàn viên, thanh niên cần đổi mới tư duy, nhanh chóng triển khai, áp dụng các phương pháp hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn.

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nếu như trước đây, trẻ bị xâm hại thường ở độ tuổi 13 đến 18, thì nay đã xuất hiện nhiều vụ việc trong lứa tuổi 5 đến 13. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên tiếp xuất hiện những vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em cho thấy sự mất nhân tính, vô cảm của tội phạm ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề nghiêm trọng, đáng báo động trong toàn xã hội. Ðây chỉ là những vụ việc đã có báo cáo và thống kê, nghĩa là còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại vẫn chưa được phơi bày trước công lý.

Ðiều 77, Chương V của Luật Trẻ em năm 2016 chỉ rõ: T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, với nhiệm vụ thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Chính vì vậy, T.Ư Ðoàn luôn quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm đương trách nhiệm này. Những năm qua, nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức; trao học bổng, xây "Nhà bán trú cho em", "Vườn rau cho em" ở vùng sâu, vùng xa; tình nguyện hỗ trợ đồng bào, thanh, thiếu nhi gặp khó khăn do thiên tai; xây sân chơi, tổ chức câu lạc bộ, đội, nhóm cho thanh, thiếu nhi... đã được các cấp bộ Ðoàn triển khai rộng khắp.

Tuy vậy, để có thể bảo vệ trẻ em thiết thực và hiệu quả hơn, bên cạnh những diễn đàn, hội thảo, hội nghị, T.Ư Ðoàn cần chủ động, sáng tạo hơn. Cụ thể như: Ðộng viên các cấp bộ Ðoàn, nhất là hệ thống cán bộ đoàn khu dân cư, chủ động tiếp xúc, lắng nghe, tổng hợp ý kiến của các em ngay tại địa phương đang sinh sống để xây dựng thành một phần của các chương trình sinh hoạt đoàn tại khu dân cư... Ngay tại những câu lạc bộ, đội, nhóm cho thanh, thiếu nhi sẵn có hiện nay, các thủ lĩnh thanh niên có thể phối hợp các chuyên gia, tổ chức xã hội uy tín, đưa thêm nội dung giáo dục giới tính, kiến thức, kỹ năng chống xâm hại thông qua những hình thức tuyên truyền phù hợp. Ngoài ra, cũng có thể lồng ghép, tăng cường sự xuất hiện của cha mẹ các em tại các buổi sinh hoạt này, nhằm tăng cường sự quan tâm, quản lý và giáo dục hai chiều giữa gia đình và tổ chức đoàn thanh niên đối với các em...

Vừa qua, đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em giai đoạn 2017-2022 giữa T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Với yêu cầu triển khai đồng bộ tại từng đơn vị tham gia, bảo đảm thực chất, tránh hình thức, nội dung Chương trình có hai điểm đáng chú ý, gồm: Tổ chức hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng ngừa và lên án các hành vi vi phạm quyền trẻ em; xây dựng cơ chế, mô hình bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Ðây là tín hiệu tốt trong việc phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của không chỉ T.Ư Ðoàn, mà cả các bên liên quan trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016, qua đó góp phần bảo đảm cuộc sống an toàn và phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.

Trẻ em có thể bị xâm hại không phân biệt giới tính, thành thị hay nông thôn, thậm chí bị xâm hại dưới mái trường hoặc trong ngôi nhà của mình. Do đó, cùng với nguồn lực của T.Ư Ðoàn, cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay các tổ chức xã hội để bảo vệ đối tượng dễ tổn thương này.

Bài và ảnh: LINH PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33266902-nang-cao-vai-tro-bao-ve-tre-em-cua-to-chuc-%c3%b0oan.html