Nâng cao trách nhiệm nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã

Qua phản ánh của cử tri, hiện nay, việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại ngoại thành Hà Nội chưa chặt chẽ, gây tâm lý hoang mang, lo lắng về chất lượng rau, củ, quả… Tiếp thu kiến nghị của cử tri, các đại biểu HĐND thành phố đã chất vấn, đề nghị UBND thành phố làm rõ trách nhiệm bộ máy làm công tác này. Bởi theo khảo sát, Hà Nội có hàng trăm nhân viên làm công tác thú y, bảo vệ thực vật thuộc quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các xã, thị trấn.

Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, tính đến đầu năm 2017, Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, sử dụng 408 nhân viên kỹ thuật trồng trọt - bảo vệ thực vật (gọi là nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã). Đội ngũ này được chuyển giao theo Quyết định số 34/2012/QĐ-UBND ngày 23-11-2012 của UBND TP Hà Nội về việc chuyển giao nguyên trạng tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác kỹ thuật chăn nuôi thú y, thú y viên thôn, bản; kỹ thuật trồng trọt bảo vệ thực vật thuộc các xã, phường, thị trấn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Từ khi được giao nhiệm vụ, Chi cục Bảo vệ thực vật đã nghiêm túc thực hiện việc quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực bảo vệ thực vật cho đội ngũ này. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập như trình độ chuyên môn của nhân viên bảo vệ thực vật ở một số cơ sở còn hạn chế; thiếu trang thiết bị, địa bàn rộng, dân số đông đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác. Thực tế giám sát về thực hiện tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2017 của Ban Pháp chế HĐND thành phố cũng cho thấy, một số nơi, nhân viên bảo vệ thực vật chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu cho UBND cấp xã về xây dựng kế hoạch sản xuất; kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng; sản xuất, sơ chế và kinh doanh rau, quả…

Để đội ngũ nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã phát huy tối đa trách nhiệm của mình, cần thiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn cũng như nhận thức về vai trò, vị trí, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ thực vật ở cơ sở. Từ đó, các nhân viên bảo vệ thực vật tích cực bám sát đồng ruộng, chủ động điều tra phát hiện, dự tính, dự báo sâu bệnh; tư vấn, hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn; kịp thời phát hiện, cảnh báo, đề xuất biện pháp xử lý liên quan đến các vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Khi nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì chắc chắn chất lượng nông sản sẽ được nâng lên, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bảo Vy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/878874/nang-cao-trach-nhiem-nhan-vien-bao-ve-thuc-vat-cap-xa