Nâng cao nhận thức của cộng đồng với bệnh viêm phổi

Ngày 11-11, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp Văn phòng đại diện GSK tại TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo hưởng ứng Ngày Phòng, chống viêm phổi thế giới 12-11.

Viêm phổi là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới, với gần một triệu ca tử vong hằng năm ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi ngày, có tới 11 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi.

Buổi họp báo nhằm mục đích cung cấp kiến thức, nâng cao sự hiểu biết cũng như giải đáp thắc mắc của mọi người về bệnh viêm phổi cũng như vi khuẩn phế cầu - tác nhân hàng đầu gây viêm phổi, cùng tác hại của các bệnh lý khác do phế cầu gây ra. Từ đó đưa ra phương pháp phòng ngừa, chung tay cùng cộng đồng quốc tế phòng chống, đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn phế cầu cho trẻ em Việt Nam. Đồng thời nêu rõ vai trò quan trọng của vaccine ngừa vi khuẩn phế cầu trong việc giảm thấp nhất hậu quả do bệnh viêm phổi và các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra.

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ. Các dấu hiệu của viêm phổi là ho nhiều, ho ra đờm, khó thở, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi, sốt cao, ớn lạnh, vã mồ hôi… khá gần với những triệu chứng cảm cúm thông thường nên dễ gây nhầm lẫn hoặc xem nhẹ, bỏ qua. Viêm phổi có thể do nhiều loại mầm bệnh khác nhau gây ra, bao gồm vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh. Bệnh viêm phổi do vi khuẩn và virus thường lây qua chất dịch phát tán từ mũi hoặc miệng người bệnh. Trong đó, vi khuẩn phế cầu là vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ.

Vi khuẩn phế cầu không chỉ gây viêm phổi mà còn gây nên những bệnh nguy hiểm ở trẻ em với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời: viêm màng não, nhiễm trùng máu...

Viêm màng não do phế cầu là bệnh gây tử vong ở trẻ em dưới một tuổi. Ước tính, trong 100 nghìn trẻ thì có 10 trẻ bị viêm màng não do phế cầu khuẩn.

Nhiễm trùng máu do vi khuẩn phế cầu chiếm 12% đến 16% các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra ở trẻ em từ hai tuổi trở xuống

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh), phế cầu là vi khuẩn thường trú trong hầu họng người lớn và trẻ em, lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người. Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu vô cùng nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 10-20% ở trẻ nhỏ.

Trước khi có vaccine phòng ngừa, các bệnh lý do phế cầu nói chung và viêm phổi nói riêng có tác động nặng nề đến cộng đồng: trẻ em bệnh tật, đau đớn kéo dài, nặng sẽ tử vong, nếu may mắn khỏi bệnh vẫn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Việc chăm sóc trẻ bệnh kéo dài sẽ làm giảm năng suất lao động, và cùng lúc đó là những mất mát về thời gian, tiền bạc và cả áp lực về tinh thần.

Đáng chú ý, vi khuẩn phế cầu ngày càng gia tăng mức độ đề kháng với các loại kháng sinh, gây khó khăn trong việc điều trị và tạo áp lực gánh nặng lên ngành y tế và toàn xã hội khi các loại kháng sinh điều trị ngày càng trở nên kém hiệu quả.

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông những biện pháp toàn diện phòng ngừa viêm phổi chủ động như cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu đời; đưa trẻ đi chủng ngừa vaccine phế cầu từ sớm để phòng viêm phổi cũng như các bệnh do vi khuẩn phế cầu. Không để thêm trẻ nhỏ phải chết do những căn bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được.

* Ngày Phòng, chống Viêm phổi Thế giới được phát động từ năm 2009 để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh viêm phổi, thúc đẩy và hành động thiết thực trong việc để bảo vệ, phòng chống và chữa trị bệnh viêm phổi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31241902-nang-cao-nhan-thuc-cua-cong-dong-voi-benh-viem-phoi.html