Nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị

Đó là chủ đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức vào ngày 4-7 tại TP Nha Trang. Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT, lãnh đạo và ngư dân 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.

Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhờ những chính sách hộ trợ ngư dân kịp thời của Chính phủ và nội lực khắc phục khó khăn của bà con ngư dân, số lượng tàu thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương được đóng mới, hoán cải trên địa bàn 3 tỉnh khai thác cá ngừ trọng điểm của cả nước gồm Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa liên tục tăng lên, đạt 3.554 chiếc/ năm 2013, sản lượng đạt 15.942 tấn.

Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng liên tục. Năm 2008 mới chỉ đạt 188, 694 triệu USD thì đến năm 2013 đã đạt trên 526, 685 triệu USD.Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng. Hiện tại cá ngừ Việt Nam đã có chỗ đứng tại 99 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó bước đầu đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên minh châu Âu.

Hoạt động đánh bắt, chế biến cá ngừ đại dương ngày càng phát triển, đã giải quyết công ăn, việc làm cho trên 35.000 lao động của 100 doanh nghiệp, trong đó có 10 doanh nghiệp xuất khẩu; góp phần quan trọng thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của 3 địa phương; tạo nhiều điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển mưu sinh, kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên khu vực biển Đông.

Tại Hội nghị, tham luận của các đại biểu chỉ rõ, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm của cá ngừ đại dương nhằm tiếp tục nâng cao thu nhập cho ngư dân và tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

Theo điều tra của Viện nghiên cứu Hải sản, trữ lượng ước tính của cá ngừ đại dương trên vùng biển nước ta khoảng 645.000 tấn/ năm, khả năng khai thác cho phép mỗi năm có thể đạt từ 200.000 đến 221.000 tấn/ năm, trong khi đó, năm 2013 chúng ta mới chỉ khai thác được trên 15.942 tấn.

Theo nhiều đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, giá trị sản xuất của nghề câu cá ngừ còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do quy trình đánh bắt, bảo quản, vận chuyển…. không đảm bảo được chất lượng, tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính khiến giá cá ngừ bị sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như năm 2011 trở về trước, giá cá ngừ xuất khẩu có lúc đã đạt 200.000 đồng/kg thì từ năm 2012 đến nay, giá cá ngừ giảm xuống chỉ còn khoảng 120.000 đồng/kg, thậm chí có lúc còn 50.000 đ/ kg.

Do giá cả sụt giảm nên đời sống của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương liên tục thua lỗ, vợ nợ đã tạo ra những tác động và ảnh hưởng to lớn tới tốc độ phát triển kinh tế-xã hội khu vực biển đảo Nam Trung Bộ, gây sụt giảm giá trị xuất khẩu sản phẩm cá ngừ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị quan trọng nhằm giảm bớt khó khăn và tạo những điều kiện thuận lợi mới để ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương trên vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa yên tâm vươn khơi bám biển mưu sinh, kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thời gian tới, Chính phủ, các bộ ngành địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ ngư dân trong việc tiếp cận vốn vay, đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nâng cao khả năng đánh bắt; kỹ thuật, công nghệ bảo quản sau đánh bắt, mở rộng thị trường… nhằm bảo đảm chất lượng, tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ cá ngừ đại dương. Qua đó nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống của ngư dân, tăng nguồn thu từ xuất khẩu cá ngừ cho ngân sách quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, trước những diễn biến ngày càng căng thẳng, phức tạp trên khu vực biển Đông, Quốc hội bước đầu đã quyết định dùng 16.000 tỷ đồng chi cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và hỗ trợ ngư dân nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con yên tâm vươn khơi, bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, với những chính sách, giải pháp lớn sắp được Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã và đang triển khai thực hiện như: mở rộng và tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm, hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ sắt, cải hoán tàu vỏ gỗ, hỗ trợ chi phí cho các tổ đội đánh bắt trên biển; phổ biến, tập huấn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm cá ngừ, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở hậu cần nghề cá…. Chắc chắn hiệu quả sản xuất, đời sống của ngư dân sẽ được đảm bảo phát triển bền vững, từng bước thu nhập sẽ được cải thiện và nâng cao.

Việt Dũng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/baobienphong/news/nang-cao-nang-luc-to-chuc-san-xuat-ca-ngu-theo-chuoi-gia-tri/25756.bbp